Đằng sau khả năng mang lại vô số lợi ích, công nghệ đột phá này cũng làm sâu sắc thêm các vấn đề xã hội vốn đã phức tạp.

.
.

Dữ liệu chiếm dụng

Các phiên bản trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên được nghiên cứu trong môi trường học thuật từ vài thập kỷ trước, nhưng ở quy mô nhỏ vì khả năng tiếp cận, xử lí dữ liệu có hạn. Còn phiên bản tiêu dùng hiện nay khác biệt không phải ở phương diện trí tuệ mà ở lượng dữ liệu khổng lồ được các công ty công nghệ thu thập từ nhiều năm nay, cùng nguồn nhân lực đủ lớn và năng lượng máy tính đủ mạnh để xử lí lượng dữ liệu đó. Khi xem xét ba yếu tố cấu thành này (dữ liệu, lao động, năng lượng), có thể thấy các tranh luận xoay quanh viễn cảnh về mối đe dọa của một loại AI có tri giác mà những người đứng đầu ngành dấy lên gần đây thực chất chỉ đang khiến chúng ta xao nhãng khỏi các nguy cơ thực tế mà thứ công nghệ này đang tạo ra cho đời sống của hàng triệu người khắp nơi trên thế giới.

Trước hết, về nguồn dữ liệu, phải kể đến vấn đề chiếm dụng sở hữu trí tuệ trên diện rộng do các công ty công nghệ thực hiện khi phát triển AI cho tiêu dùng. Trong vòng 20 năm qua, các công ty lớn (như Microsoft, Apple, Google, Facebook/Meta, Amazon…) đã đơn phương chiếm dụng các sản phẩm văn hóa của loài người dưới dạng kĩ thuật số, từ các tạo tác trong cuộc sống hằng ngày cho đến các tác phẩm nghệ thuật. Để rồi các công ty này biến các tư liệu đó thành dữ liệu huấn luyện máy và tạo ra các sản phẩm độc quyền mà không có sự đồng thuận của những người đã bỏ công tạo dựng ra những tri thức đó. Ví dụ như việc Google số hóa một lượng lớn sách và tác phẩm nghệ thuật, hay dùng ô tô gắn máy ảnh để chụp hình đường phố nhà cửa khắp mọi nơi, hoặc Facebook chiếm hữu thông tin cá nhân của người dùng một cách xảo quyệt. Và rồi những bức tranh ảnh có trên Internet được các công ty tự tiện thu lấy làm nguyên liệu cho những phần mềm như Stable Diffusion hay Dall-E chẳng hạn. Gần đây, các nghệ sĩ trên khắp thế giới đã cùng nhau lên tiếng phản đối việc tác phẩm của họ bị sử dụng mà không có sự đồng thuận hay bồi thường cho tác giả. Trong một bức thư mở, họ đã gọi điều này là hành động ăn cắp lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật, do các tập đoàn lớn được chống lưng bởi các nhà đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon tiến hành. Việc đây là một hành động phi pháp cũng được cho thấy khi bắt đầu có các vụ kiện tố giác hành vi sử dụng các sản phẩm có bản quyền để huấn luyện máy mà chưa được phép.

Các hệ thống AI hiện nay còn được xây dựng dựa trên sự bóc lột trực tiếp sức lao động của vô vàn nhân công.
Các hệ thống AI hiện nay còn được xây dựng dựa trên sự bóc lột trực tiếp sức lao động của vô vàn nhân công.

Sở dĩ các công ty công nghệ lớn có thể tiến hành việc chiếm dụng sản phẩm văn hóa một cách trắng trợn như vậy là vì họ thường ngụy trang cho hành động đó bằng nhãn dán của sự “táo bạo”, “phá vỡ khuôn mẫu”, trong khi thực tế là đang cướp giữa ban ngày mà không phải chịu hậu quả. Đây là nước đi thường thấy của các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon: tiến trước luật pháp một bước với tuyên bố rằng các luật lệ cũ không áp dụng được cho công nghệ mới, dọa các nhà lập pháp rằng việc kiểm soát sẽ làm nền kinh tế thụt lại phía sau so với các nước khác; trong lúc đó thì các công ty này tiến hành vận động hành lang, triệt hạ đối thủ cạnh tranh, và tranh thủ triển khai các công nghệ mới trong mọi mặt của đời sống. Cho đến khi công chúng không còn bị sự mới mẻ của những thứ đồ chơi mới lạ này làm mờ mắt, mà tỉnh ra và nhận thấy những hệ lụy nghiêm trọng của chúng, thì các công nghệ này đã có mặt ở khắp nơi và tạo nên thứ gọi là sự độc quyền triệt để. Độc quyền triệt để là khái niệm mà tác giả Ivan Illich đưa ra để chỉ việc khi các sản phẩm công nghiệp đạt hiệu suất cao quá một mức nào đó thì chúng không chỉ giới hạn lựa chọn mà còn định hình cả nhu cầu lẫn việc đáp ứng các nhu cầu đó của con người. Và một khi các công nghệ đã định hình mọi mặt của cuộc sống và người dân không còn lựa chọn nào khác thì đã quá muộn, và luật pháp khó mà có cách kiểm soát được chúng.

Bóc lột người lao động

Không chỉ chiếm dụng thành quả lao động của con người làm nguyên liệu, các hệ thống AI hiện nay còn được xây dựng dựa trên sự bóc lột trực tiếp sức lao động của vô vàn nhân công. Theo các nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực đạo đức AI, trái với hình ảnh trên truyền thông về các bộ máy tinh vi, có tri giác, do những nhà nghiên cứu được trả công cao của thung lũng Silicon phát triển nên, thì các hệ thống này lại được duy trì bởi hàng triệu những người làm công không tên, lao động trong điều kiện tệ hại và được trả công rẻ mạt. Đó là vì với lượng dữ liệu khổng lồ thu gom được, việc huấn luyện máy đòi hỏi hàng loạt nhân công trực tiếp thực hiện các hoạt động như nhận diện, sàng lọc và dán nhãn dữ liệu. Không những thế, họ còn phải tự mình cung cấp dữ liệu bằng việc chụp và tải lên các bức ảnh của bản thân, gia đình và đồ vật xung quanh. Chưa kể, để theo kịp với trào lưu AI, các công ty công nghệ còn thuê người giả làm chatbot để gây ấn tượng cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động thiết yếu trong các công việc khác, tuy mang lại tác hại rõ rệt cho người lao động nhưng chúng lại ít được tính đến và không có sự bồi thường xứng đáng, trong khi dữ liệu từ đó vẫn được thu thập để huấn luyện AI. Chẳng hạn như việc kiểm duyệt nội dung giúp cho các nền tảng xã hội có thể hoạt động được, nhưng nhân công kiểm duyệt thường xuyên phải xem và báo cáo về các video, hình ảnh có nội dung nhạy cảm, bạo lực, thường sang chấn tâm lý thì lại phải làm việc dưới sự giám sát khắt khe mà không được hỗ trợ về sức khỏe tâm thần. Hay những người đóng gói, giao hàng cho Amazon bị hối thúc đến nỗi phải làm việc một cách thiếu an toàn chỉ để hoàn thành công việc cho kịp thời hạn. Mọi hoạt động được giám sát sau đó lại trở thành dữ liệu đào tạo người máy thay thế, khiến chính những nhân công đó trở nên thất nghiệp.

Việc phát triển và sử dụng AI đòi hỏi nguồn năng lượng rất lớn.
Việc phát triển và sử dụng AI đòi hỏi nguồn năng lượng rất lớn.

Vậy là thay vì hình ảnh một lực lượng lao động cao cấp, có thể làm việc tự chủ, giờ giấc linh hoạt mà chúng ta thường hình dung khi nhắc tới ngành công nghệ số nói chung và AI nói riêng, phần lớn lao động trong ngành này là những nhân viên tạm thời, phải làm những công việc nhàm chán, bấp bênh, có hại cho sức khỏe, dưới sự giám sát ngặt nghèo của các chủ thầu. Nguồn nhân lực này thường đến từ những nơi có điều kiện khó khăn ở các nước thuộc Đông Âu, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á. Trong khi người trả công rẻ mạt cho họ lại là các công ty đa quốc gia giàu có nhất trong lịch sử và hiện vẫn đang kiếm lời trên công sức của những người lao động này.



Trái với lời hứa hẹn về giải pháp cho khủng hoảng khí hậu, ta chỉ thấy AI đang làm gia tăng phát thải và khiến hướng đi mù mờ thêm. Một mặt chúng ta được thuyết phục về một tương lai nhàn hạ, thoát khỏi kiếp lao dịch, mặt khác ta lại thấy các công ty AI đang khiến cho một lượng lớn người lao động mới phải nai lưng ra làm dù phải đánh đổi cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.


Hao phí tài nguyên

Không thể không nhắc đến việc phát triển và sử dụng AI đòi hỏi nguồn năng lượng rất lớn. Riêng việc huấn luyện một mô hình AI cũng đã thải ra lượng carbon tương đương với 125 chuyến bay khứ hồi từ New York tới Bắc Kinh. Đáng lo ngại hơn, nhu cầu về dữ liệu cho AI còn thúc đẩy việc tạo thêm nhiều dữ liệu mới. Mà quá trình thu thập dữ liệu này cần sử dụng thiết bị máy móc, còn việc lưu giữ chúng thì đòi hỏi các trung tâm dữ liệu và lưu trữ đám mây, tất cả đều tiêu hao nguồn năng lượng và nguyên liệu ngày càng lớn. Dự tính đến năm 2030, các trung tâm dữ liệu sẽ tiêu tốn nguồn năng lượng tương đương với toàn Nhật Bản, quốc gia hiện đang đứng thứ tư trên thế giới về tiêu thụ năng lượng. Theo đà này, việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo sẽ không đáp ứng kịp những nhu cầu ngày càng tăng trên, trong khi các nguyên liệu dùng cho việc sản xuất năng lượng thì có hạn.

Vậy mà việc giải quyết vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu lại là một trong những lợi ích chính mà chúng ta được thuyết phục là AI sẽ mang lại. Các công ty công nghệ và nhiều tổ chức lớn cho rằng AI sẽ giúp có được dữ liệu cụ thể, chính xác hơn để có thể đưa ra quyết định hiệu quả trong việc giảm thải carbon và xây dựng nên một xã hội xanh hơn. Như thể việc cho đến nay chúng ta vẫn chưa đi đến đâu trong vấn đề khủng hoảng khí hậu là do thiếu thông tin và trí tuệ để hành động vậy. Trong khi các nhà khoa học và nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực đã đưa ra số liệu và bằng chứng từ hàng thập niên về việc phải làm gì để giải quyết vấn đề này: giảm mạnh phát thải và không khai thác thêm trữ lượng carbon, giảm tiêu dùng quá mức của người giàu và cải thiện đời sống của người nghèo, vì lí do mọi nguồn năng lượng đều đi kèm với cái giá phải trả về sinh thái. Vấn đề là các thay đổi này đòi hỏi chúng ta cần phải thách thức mô hình kinh tế dựa vào sự tăng trưởng vô hạn, cùng với việc tài sản hàng nghìn tỷ đô la của các nhà đầu tư và khai thác nhiên liệu hóa thạch sẽ bị mắc kẹt, điều mà những người kiếm lời từ đó không thể chấp nhận và đang ra sức chống lại. Và nỗ lực trước đây của các công ty dầu mỏ trong việc tạo ra sự hoài nghi về biến đổi khí hậu nhằm làm đình trệ việc giải quyết dường như giờ đây lại được tiếp sức bởi thời đại tin giả mà ChatGPT đang góp phần làm trầm trọng thêm.

Vậy là, trái với lời hứa hẹn về giải pháp cho khủng hoảng khí hậu, ta chỉ thấy AI đang làm gia tăng phát thải và khiến hướng đi mù mờ thêm. Một mặt chúng ta được thuyết phục về một tương lai nhàn hạ, thoát khỏi kiếp lao dịch, mặt khác ta lại thấy các công ty AI đang khiến cho một lượng lớn người lao động mới phải nai lưng ra làm dù phải đánh đổi cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Đó là chưa kể việc mỗi người chúng ta giờ đây còn phải gánh thêm việc minh chứng cho sự tồn tại của bản thân trong thời đại tin giả, deepfake mà công nghệ AI tạo ra hệ lụy. Thế nên để thật sự không “bị AI bỏ lại”, trước hết chúng ta cần nhận ra thực trạng bất công, mang tính tàn phá mà công nghệ này đang được xây dựng dựa trên, nhân danh tính hiệu quả.

Theo các nhà chuyên môn, AI chỉ có thể trở thành công cụ giúp đỡ con người và bảo tồn sinh thái khi có các qui định pháp lý để kiểm soát và đòi hỏi tính minh bạch trong việc các công ty sử dụng dữ liệu cho AI, có sự tham gia của người dân trong việc thiết kế và định hình công nghệ này, vì tất cả chúng ta đều đang trực tiếp hoặc gián tiếp huấn luyện AI. Điều này có thể trở nên khả thi nếu AI được đưa ra khỏi việc thương mại hóa và phát triển dưới dạng nguồn mở, có sự theo dõi và kiểm soát của cộng đồng chịu tác động của AI. Và như vậy, các hệ thống tìm kiếm và phân loại thông tin đầy hiệu lực này sẽ trở thành một loại công cụ giao tiếp xã hội, giúp con người hiểu nhau hơn để đồng lòng chung sức vượt qua các thách thức lớn của thời đại. Nếu không, thứ công nghệ hào nhoáng này sẽ lại là một loại công cụ mới để đẩy mạnh việc bóc lột lao động và tước đoạt tài nguyên, nhằm đem lại lợi nhuận trước mắt cho một số ít tập đoàn giàu có trên thế giới mà thôi./.
------
Tài liệu tham khảo:
- James Bridle, “The stupidity of AI” - The Guardian, ngày 16/3/2023.
- Naomi Klein, “AI machines aren’t ‘hallucinating’. But their makers are” - The Guardian, ngày 8/5/2023.
- Ivan Illich, “Công cụ cộng sinh” - NXB Dân Trí, 2023.
- Adrienne Williams, Milagros Miceli và Timnit Gebru, “The Exploited Labor Behind Artificial Intelligence” - NOEMA, ngày 13/10/2022.
- Ben Tarnoff, “To decarbonize we must decomputerize: why we need a Luddite revolution” - The Guardian, ngày 18/9/2019.