Cà Mau, vùng đất cực Nam của tổ quốc thường được nhắc đến với vẻ đẹp thiên nhiên và sản vật phong phú. Mặc dù vậy, tỉnh lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Cửu Long này đang phải đối mặt với những thay đổi nhanh chóng dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Cà Mau rộng hơn 5.000 km2, ba mặt giáp biển. Với độ cao 0,5-1,5 m so với mực nước biển, phần lớn diện tích của tỉnh Cà Mau thường xuyên bị ngập nước. Hơn 50% tổng diện tích đất của tỉnh là đất mặn và đất phèn nên Cà Mau phù hợp với nuôi trồng thủy hải sản, trồng rừng ngập mặn, ngập lợ…

Không chỉ nằm trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai, Cà Mau còn thuộc nhóm những khu vực chịu tác động lớn nhất. Các dự báo cho thấy phần lớn diện tích của Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển và có nguy cơ ngập hoàn toàn trong thế kỉ 21 [1, 2].

Những tác động của biến đổi khí hậu

Nước ngọt: Biến động khó lường

Nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Cà Mau lại không nhận được nguồn nước trực tiếp từ hệ thống sông này mà phần lớn nước ngọt của tỉnh được khai thác từ nguồn nước ngầm, nước mưa.

Trữ lượng nước ngọt ở Cà Mau khá dồi dào và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt của Cà Mau phân bổ không đồng đều theo thời gian và không gian, chủ yếu tập trung vào các tháng mùa mưa (kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11). Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Cà Mau năm 2020, trong giai đoạn từ 1986 đến 2018, lượng mưa trung bình trong các tháng mùa xuân (thuộc mùa khô) và những tháng mùa mưa có xu hướng giảm và lượng mưa tăng vào các tháng mùa đông (thuộc mùa khô) không đủ bù đắp lượng sụt giảm - một bằng chứng về biến đổi khí hậu. Như một hệ quả, hạn hán những năm qua cũng diễn ra với cường độ thường xuyên, khắc nghiệt và khó có thể dự báo hơn trước. Do thiếu hệ thống hồ đập trữ nước lớn nên tình trạng ngập lụt vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô thường xuyên diễn ra tại tỉnh.

Các ước tính chỉ ra rằng, trong tương lai, lượng mưa sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các pha của ENSO (El Nino và Dao động Nam) [3]. Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam cập nhật vào năm 2020 [4], lượng mưa trung bình của Cà Mau có thể tăng 19,9% so với giai đoạn từ năm 1986-2005, tuy nhiên lượng mưa theo mùa có biến động mạnh. Do đó, một hệ thống thủy lợi với các hồ đập lớn để lưu trữ và điều tiết nguồn tài nguyên nước mưa chuẩn bị cho tương lai là hết sức cần thiết.

Một nguồn nước ngọt quan trọng khác của tỉnh là nước ngầm, được khai thác chủ yếu qua giếng khoan. Số liệu khảo sát năm 2015 cho thấy toàn tỉnh có hơn 175 nghìn giếng khoan khai thác khoảng 426 nghìn m3/ngày, 88% số đó phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, tỉ lệ nước ngầm gần mặt đất đảm bảo tiêu chuẩn cho sinh hoạt và sản xuất đang suy giảm nhanh chóng dưới những tác động trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người. Vào mùa khô, nhiệt độ cao, mưa ít và kết hợp với tỉ lệ bốc hơi bề mặt cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước bổ sung cho các tầng nước ngầm bề mặt. Điều này cũng khiến các túi nước ngầm dễ bị nhiễm mặn. Cá biệt, có những khu vực có sự sụt giảm, ô nhiễm và xâm nhập mặn ở những tầng nước nông như TP Cà Mau, các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời hay U Minh... [5, 6, 7]

Tổng mức và tốc độ sụt lún giai đoạn 2005 – 2017 của Cà Mau và các tỉnh ĐBSCL, TPHCM. Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020
Tổng mức và tốc độ sụt lún giai đoạn 2005 – 2017 của Cà Mau và các tỉnh ĐBSCL, TPHCM. Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020

Quá trình khai thác nước ngầm còn dẫn đến một hệ lụy khác là sụt lún đất nền. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2005 - 2017, tổng mức sụt lún của toàn tỉnh là 16,1 cm, cao hơn mức trung bình trung toàn vùng ĐBSCL và TPHCM (12,3 cm). Phần lớn diện tích của tỉnh có giá trị lún trên 5 cm/10 năm, cá biệt tại khu vực thành phố Cà Mau xuất hiện những phễu lún với tốc độ từ 20 đến 50 cm trong vòng 10 năm. Tốc độ sụt lún này không chỉ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng mà còn làm gia tăng nguy cơ ngập lụt của tỉnh dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Nước biển dâng và những nguy cơ

Trong những năm vừa qua, nước biển dâng đã bắt đầu có những ảnh hưởng đến Cà Mau và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Dữ liệu quan trắc cho thấy, trong giai đoạn từ 1993 đến 2019, mực nước biển ở đây tăng trung bình 4,0mm/năm. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng xói mòn, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn, đặc biệt là trong những tháng mùa khô. Cụ thể, giai đoạn từ năm 1996 – 2019, độ mặn trung bình của các tháng mùa khô có xu hướng tăng trung bình 0,47‰/ năm. Trong những tháng mùa khô, xâm nhập mặn kết hợp với hạn hán không chỉ gây ra thiệt hại trong các hoạt động nông nghiệp mà còn là nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân của tỉnh đặc biệt tại khu vực ngọt hóa phía bắc vốn là khu vực sản xuất nông nghiệp chính của tỉnh.

Nước biển dâng cũng góp phần khiến hiện tượng sạt lở ven biển diễn ra nhanh chóng và phức tạp hơn. Với đường bờ biển dài 254 km, sạt lở ven biển có xu thế tăng dần tại các khu vực biển Đông và một phần biển phía Tây của Cà Mau. Tổng chiều dài đường bờ có hiện tượng sạt lở là 105 km với tốc độ sạt lở trung bình khoảng 20m/năm, một số khu vực có tốc độ sạt lở khoảng 50m/năm. Sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất và rừng phòng hộ mỗi năm và gây nguy cơ vỡ đê biển, đặc biệt là tại khu vực bờ biển phía Tây giáp vịnh Thái Lan.

Biển cảnh báo khu vực sạt lở tại huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Oanh Phạm
Biển cảnh báo khu vực sạt lở tại huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Oanh Phạm

Nước biển dâng còn làm gia tăng nguy cơ ngập trên toàn tỉnh. Các kịch bản nước biển dâng đều cho thấy ngập do nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Cà Mau. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam [4], vào cuối thế kỉ 21, khi nước biển dâng 100cm thì gần 80% diện tích của tỉnh sẽ nằm dưới mực nước biển (kịch bản phát thải cao RCP 8.5). Một số phân tích khác chỉ ra rằng, trong trường hợp nước biển dâng kết hợp với hiện tượng sụt lún đất nền và thiếu hệ thống đê bao bảo vệ, toàn bộ diện tích Cà Mau sẽ nằm dưới mực nước biển [2, 8].

Những giải pháp thích ứng

Cà Mau đã và đang xây dựng những giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu có thể xảy ra trong tương lai. Ba nhóm giải pháp chính gồm chủ động ứng phó với thiên tai, tăng cường giám sát khí hậu; đảm bảo an sinh xã hội; và ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị.

Theo đó, Cà Mau đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn. Ngoài ra, Cà Mau còn có các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ chuyển đổi sinh kế và mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch theo hướng dựa vào thiên nhiên, sửa đổi quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch diện tích đất nông nghiệp theo đặc điểm môi trường, quản lý bền vững đất nông nghiệp hoặc hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế… và đầu tư vào các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái.

Cà Mau cũng tập trung xây dựng các hệ thống hạ tầng cứng và mềm nhằm thích ứng với những tác động của nước biển dâng như hệ thống đê kè ven biển, đồng thời ban hành các quy định nhằm nâng cao tiêu chuẩn xây dựng cơ sở hạ tầng dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là các tiêu chuẩn đối với các khu hạ tầng quan trọng.

Bên cạnh đó, Cà Mau tập trung xây dựng các giải pháp thích ứng dựa vào thiên nhiên. Hệ thống rừng ngập mặn ven biển Cà Mau – thuộc hàng lớn nhất cả nước với hơn 56 nghìn ha, là giải pháp quan trọng giúp phòng chống sạt lở, xói mòn, bảo vệ đê kè, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho người dân [10, 11].

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cũng là một trong những giải pháp quan trọng được Cà Mau quan tâm trong những năm vừa qua. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ chuyên canh lúa sang mô hình sản xuất lúa – tôm, sử dụng các giống cây trồng mới, điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp theo hướng thuận thiên phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát triển du lịch theo định hướng du lịch sinh thái để có thể phát triển hài hòa dựa trên ba hệ sinh thái mặn-lợ-ngọt.

Mặc dù đã bắt đầu chủ động ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu nhưng Cà Mau vẫn còn những trở ngại phải vượt qua. Việc ra các quyết định thích ứng với biến đổi khí hậu được tiến hành dưới những ảnh hưởng không chắc chắn trong tương lai. Do đó, cần có sự hợp tác sâu rộng của các nhà khoa học, cộng đồng địa phương và cơ quan quản lý trong việc ra quyết định nhằm giảm thiểu rủi ro và mang lại lợi ích hài hòa của các bên liên quan, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nói cách khác, cần có các giải pháp và quy hoạch phát triển đồng bộ giữa các khu vực, các ngành liên quan.

Xung đột lợi ích của các bên liên quan trong phát triển kinh tế cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong quá trình bồi lấp và hạn chế tác động của sóng biển đến khu vực ven biển. Trong bối cảnh thị trường tín chỉ carbon đang được hình thành, rừng ngập mặn còn mang lại lợi ích thông qua thị trường này. Do đó, trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn không chỉ giảm thiểu những tác động của nước biển dâng mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế trực tiếp cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên trong những năm vừa qua, diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau có sự sụt giảm nghiêm trọng do tình trạng phá rừng để nuôi trồng thủy sản, cũng như ảnh hưởng từ các hệ thống đê, kè ven biển..., dẫn đến tình trạng sạt lở, xói mòn nghiêm trọng dọc chiều dài đường bờ biển phía Tây [10, 12, 13]. Bài học này vẫn mang tính cấp thiết khi quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội khu vực ven biển phía Đông của tỉnh Cà Mau. Một giải pháp có thể cân nhắc là xây dựng vùng đệm giữa đê biển và rừng ngập mặn phía ngoài đê nhằm hạn chế ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế của con người đến khu vực rừng ngập mặn.

Bài toán phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển không chỉ đặt ra đối với Cà Mau mà còn đối với toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những giải pháp đã và đang thực hiện được kì vọng sẽ giải quyết một phần những khó khăn của khu vực đồng bằng ven biển trù phú và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội của cả nước.


Tài liệu tham khảo

[1] MONRE. (2016). Climate change and sea level rise scenarios for Viet Nam. Ministry of Natural Resources and Environment.

[2] Tamura, M., Kumano, N., Yotsukuri, M., & Yokoki, H. (2019). Global assessment of the effectiveness of adaptation in coastal areas based on RCP/SSP scenarios. Climatic Change, 152(3–4), 363–377. https://doi.org/10.1007/s10584-018-2356-2

[3] Phan-Van, T., Nguyen-Xuan, T., Nguyen, H. V., Laux, P., Pham-Thanh, H., & Ngo-Duc, T. (2018). Evaluation of the NCEP Climate Forecast System and Its Downscaling for Seasonal Rainfall Prediction over Vietnam. Weather and Forecasting, 33(3), 615–640. https://doi.org/10.1175/WAF-D-17-0098.1

[4] Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. (2020). Kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam cập nhật năm 2020. Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. http://vnmha.gov.vn/upload/files/kich-ban-bien-doi-khi-hau-phien-ban-cap-nhat-nam-2020.pdf

[5] Hữu Tùng. (2023, May 3). Nông thôn tỉnh Cà Mau thiếu nước ngọt sinh hoạt. Báo Nhân Dân điện tử. https://nhandan.vn/post-750801.html

[6] Ngọc Quân. (2014, April 27). Lãng phí nguồn tài nguyên nước ngầm ở Cà Mau. Báo Nhân Dân điện tử. https://nhandan.vn/post-201459.html

[7] Trúc Ly. (2015). Cạn kiệt nguồn nước ngầm. Báo Cà Mau. https://baocamau.vn/can-kiet-nguon-nuoc-ngam-a3543.html

[8] Minderhoud, P. S. J., Coumou, L., Erkens, G., Middelkoop, H., & Stouthamer, E. (2019). Mekong delta much lower than previously assumed in sea-level rise impact assessments. Nature Communications, 10(1), Article 1. https://doi.org/10.1038/s41467-019-11602-1

[9] An Minh. (2023). Hồ nước ngọt lớn nhất Cà Mau đạt 70% tiến độ. vnexpress.net. https://vnexpress.net/ho-nuoc-ngot-lon-nhat-ca-mau-dat-70-tien-do-4606005.html

[10] Tinh, P. H., MacKenzie, R. A., Hung, T. D., Vinh, T. V., Ha, H. T., Lam, M. H., Hanh, N. T. H., Tung, N. X., Hai, P. M., & Huyen, B. T. (2022). Mangrove restoration in Vietnamese Mekong Delta during 2015-2020: Achievements and challenges. Frontiers in Marine Science, 9, 1043943.

[11] Tôn, S., & Phùng, T. D. (2021). Đánh giá biến động rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau trên cơ sở ảnh vệ tinh giai đoạn 1988-2018 - Assessment of mangrove forest change in Ca Mau province using satellite images in the period of 1988-2018.

[12] Barry, C., Phan, V. H., Huynh, H. T., & Luu Trieu Phong. (2016). Mangrove Rehabilitation in the Mekong Delta in the period 2008-2014 Good Practices and Lessons Learned. https://coastal-protection-mekongdelta.com/download/library/103.MangroveRehabMD2016_EN.pdf

[13] Bouziotas, D., Johannes Dunnewolt, Jill Hanssen, Mark Postma, & Bianca Stoop. (2015). Integrated Coastal Management in the Province Ca Mau - Vietnam An Integrated Research to the Coastal and Water Resource Management Issues. TUDelft; GIZ.

Bài đăng số 1281 (số 9/2024) KH&PT