Cuốn sách “Hội Tam điểm" với những đóng góp của các thành viên Việt Nam đầu tiên trong công cuộc giải phóng thuộc địa và bảo tồn văn hóa dân tộc” (tên tiếng Pháp: Les Franc-maçon au Vietnam) được xuất bản tại Pháp năm 2013 của TS Trần Thu Dung phần nào giúp chúng ta vén bức màn che phủ nói trên.
Có lẽ từ khi có nhà nước, xã hội loài người đã có hội kín. Thuở ban đầu, hội kín đối lập với nhà nước; nhưng sau đó, sự phát triển của hội kín ở phương Đông và phương Tây có khác biệt: phương Đông vẫn giữ truyền thống, còn phương Tây, đã xuất hiện thêm những hội kín (được cho là) lãnh đạo nhà nước. Những cuốn sách best sellers toàn cầu của Dan Brown (như: Mật mã Da Vinci, Pháo đài số, Điểm dối lừa…) cũng xoay quanh một hội kín có tính chất tương tự: Illuminati (Khai sáng). Illuminati là một hội kín chống Cơ đốc giáo với mục tiêu tạo nên một chính phủ đơn nhất để cai trị thế giới. Tuy Illuminati đã giải thể song các thuyết âm mưu khẳng định nó vẫn tồn tại và hoạt động trong bóng tối, chỉ đạo nền chính trị và công nghiệp thế giới. Illuminati lại có liên hệ mật thiết với Tam điểm và thật hay, nhà xuất bản cuốn sách của TS Trần Thu Dung cũng tên là… Illuminati!
Cuốn Hội Tam điểm… gồm sáu phần chính: I. Truyền thuyết và Lịch sử; II. Hệ thống tổ chức và Hội Tam điểm Pháp; III. Thành lập Hội Tam điểm ở Đông Dương; IV. Những thành viên Tam điểm Việt Nam đầu tiên; V. Những đóng góp của thành viên Tam điểm đầu tiên ở Việt Nam và VI. Hội Tam điểm Việt Nam (1954-1975).
Phần I và II là các tư liệu phổ thông; chỉ cần nhớ rằng lý tưởng của các thành viên Hội Tam điểm (dưới đây, viết tắt là Hội) gắn với tuyên ngôn “Tự do - Bình đẳng và Bác ái” của Cách mạng Tư sản 1789 và tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng” (1792). Điều này có thể giải thích vì sao người thanh niên Quấc, khi đến nước Pháp lại trở thành một thành viên của Hội trước khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lenin.
Từ Phần III đến phần VI cung cấp nhiều tư liệu liên quan tới việc thành lập, tầm vóc, hoạt động và ảnh hưởng của Hội từ khi bắt đầu xâm nhập Đông Dương theo đội quân viễn chinh Pháp cho đến năm 1954 (đúng ra là năm 1956, khi Pháp rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam). Trong các phần này, tác giả cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu lý thú liên quan tới:
- Mâu thuẫn và xung đột giữa Hội và Giáo hội Công giáo tại Đông Dương: Thành viên của Hội luôn thuộc giới tinh hoa thực dân tại thuộc địa. Tuy cả Giáo hội và Hội đều ủng hộ chế độ thực dân, nhưng hai bên đã có những xung đột cụ thể vì mâu thuẫn về mục đích. Giáo hội muốn biến Đông Dương thành một xứ Đông Pháp Thiên chúa giáo; trong khi Hội cương quyết tách chính quyền khỏi giáo quyền và muốn “khai hóa văn minh” cho xứ thuộc địa. Điều đó có lẽ đã thể hiện bằng tên của chi nhánh đầu tiên của Hội tại Đông Dương: “Đông Dương thức tỉnh – Le Réveil de l’Orient” (trang 89).
- Sự liên quan giữa Hội và việc ra đời các tôn giáo bản địa mới tại Nam Kỳ như Cao Đài, Hòa Hảo hoặc đạo Dừa. Nhiều sáng lập viên các đạo mới này là thành viên của Hội hoặc tiếp thu lý tưởng của Hội.
- Đặc biệt, thành tựu của các thành viên người Việt trong văn hóa, giáo dục và… chống chế độ thuộc địa: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim…
- Những chi tiết lịch sử lý thú chưa từng biết: “Vidal nhân danh [chi nhánh] FB3-Indo (1) mời đại diện các đảng đến bàn việc. Để che mắt mật thám, họ tổ chức bữa ăn trong làng Gia Lai vào ngày 23/24 tháng 2 năm 1945. Khách đáp lời mời có Phạm Quỳnh (…Bảo Đại), tiến sỹ Nguyên Văn Huyên (…Việt Minh/Đồng minh [?]), Nguyễn Bình (… Quốc dân đảng), Tạ Thu Thâu (… đảng Lao động), Bùi Quang Chiêu (…đảng Lập hiến), Nguyễn Văn Tương (… Cao Đài), bác sỹ Nguyễn Văn Thinh (đảng Dân Chủ), bác sỹ Phạm Ngọc Thạch (… Thanh niên TP [?]), giáo sư Hoàng Xuân Hãn (…không đảng phái), Ngô Đình Diệm (Công giáo, không đảng phái). Cuộc họp tranh cãi nhiều, cuối cùng Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Văn Huyên đề nghị FB3-Indo cung cấp vũ khí để hành động… FB3-Indo đã giúp Việt Minh một số lượng vũ khí và trang bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã gửi thư cám ơn hội”. Tuy nhiên tiếc là nhiều tư liệu không dẫn nguồn nên độ khả tín thấp.
Phần phụ lục sách có nhiều tư liệu bổ ích như: Danh sách tên Hội Tam điểm ở Đông Dương, Danh sách một số thành viên Tam điểm đầu tiên của Việt Nam và các Danh sách Thống đốc quân sự Nam Kỳ, Toàn quyền, Cao ủy và Tổng ủy Đông Dương…
Dù có một số nhược điểm như: tư liệu không dẫn nguồn, đưa vào sách nhiều liên hệ quá xa nhưng đây cũng là cuốn sách tiếng Việt đầu tiên viết khá chi tiết về Hội Tam điểm. Hy vọng, sách sẽ giúp độc giả mở đầu sự khám phá về những thành viên người Việt nổi tiếng của cái hội thần bí mà người ta nói rằng đang lãnh đạo một phần thế giới này.
(1) FB3-Indo Free Brothers: (Hội) Tam điểm Huynh đệ tự do số 3