Làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số (digital transformation) trong xã hội đã mang lại nhiều lợi ích như tạo ra việc làm và dịch vụ mới, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc đưa công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số vào các tổ chức khu vực công – được biết đến là “chính phủ kỹ thuật số” hoặc “chính phủ điện tử” – có nhiều tác động tích cực đến cách thức các dịch vụ công được phân phối. Ví dụ: cho phép người dân yêu cầu bồi hoàn hóa đơn y tế thông qua trang web của chính phủ.
Nếu được triển khai hợp lý, chính phủ điện tử sẽ làm giảm chi phí điều hành và chi phí cung cấp các dịch vụ công, đảm bảo sự liên lạc tốt hơn giữa chính phủ với công dân – đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc nơi dân cư thưa thớt. Chính phủ điện tử có thể nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước để chống tham nhũng và tăng cường tính dân chủ.
Không có nhiều dự án chính phủ điện tử thành công
Tuy nhiên, việc triển khai chính phủ điện tử là điều không hề dễ dàng và sự tiếp nhận của các công dân có thể chậm. Trong khi Đan Mạch – quốc gia đứng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ trực tuyến năm 2018 – có 89% người dân sử dụng dịch vụ điện tử, thì nhiều quốc gia khác đang gặp khó khăn. Ví dụ, tại Ai Cập, một quốc gia đang phát triển, số lượng người dân sử dụng dịch vụ điện tử chỉ khoảng 2%.
Bản chất của chính phủ rất phức tạp do có sự tương tác với các hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội. Ngoài ra, bản thân công nghệ cũng là một yếu tố phức tạp – những tác động, lợi ích và hạn chế của nó vẫn chưa được biết đến rộng rãi bởi các bên liên quan. Do đó, nhiều dự án chính phủ điện tử đã thất bại và điều này không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới(WB), có 30% dự án chính phủ điện tử trên thế giới bị thất bại hoàn toàn. Khoảng 50 – 60% dự án thất bại một phần do chi tiêu vượt quá ngân sách hoặc không thực hiện đúng tiến độ dự án. Chỉ có ít hơn 20% dự án được coi là thành công.
Trong năm 2016, chi tiêu chính phủ cho công nghệ trên toàn thế giới đạt khoảng 430 tỷ USD. Con số này sự báo đến năm 2020 sẽ là 476 tỷ USD. Bởi vậy, tỷ lệ thất bại đối với các dự án chính phủ điện tử là một mối quan tâm lớn.
Chính phủ điện tử đảm bảo sự liên lạc tốt hơn giữa chính phủ với công dân.
Những khó khăn tại các nước đang phát triển
Một trong những nguyên nhân chính góp phần vào sự thất bại của hầu hết nỗ lực thiết lập chính phủ điện tử ở các nước đang phát triển là cách tiếp cận “quản lý dự án”. Trong một thời gian dài, nhiều chính phủ và cơ quan tài trợ nhìn nhận việc áp dụng các dịch vụ kỹ thuật số như một vấn đề kỹ thuật độc lập, tách biệt với chính sách và quy trình nội bộ của chính phủ.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, chính phủ điện tử trước tiên là một hiện tượng chính trị – xã hội được điều khiển bởi hành vi của con người, đặc trưng cho bối cảnh của từng quốc gia và chính quyền địa phương. Do đó, quá trình chuyển đổi sang chính phủ điện tử phụ thuộc chủ yếu vào “sự thay đổi văn hóa”. Đây là một quá trình lâu dài và khó khăn, đòi hỏi những người làm việc trong cơ quan Nhà nước phải sử dụng thành thạo công nghệ mới. Họ cũng phải thay đổi cách thức thực hiện nhiệm vụ, công việc hằng ngày và sự tương tác của họ với công dân.
Tại các nước đang phát triển, nhu cầu về dịch vụ điện tử không cao, cả từ bên trong và bên ngoài chính phủ. Người dân thường không lên tiếng về nhu cầu phát sinh của mình do họ thiếu tin tưởng khu vực công, và bởi họ không có đủ các kênh giao tiếp để thông tin về nhu cầu của mình. Kết quả là các lãnh đạo trong khu vực công chịu quá ít áp lực buộc họ phải thay đổi từ phía người dân.
Việc thiết kế và quản lý một chương trình chính phủ điện tử đòi hỏi năng lực hành chính ở mức cao. Tuy nhiên, các nước đang phát triển cần chính phủ điện tử nhất cũng là những nước có ít năng lực nhất để vận hành nó, do đó tạo ra nguy cơ “quá tải hành chính”.
Giải pháp xây dựng chính phủ điện tử
Hầu hết dự án chính phủ điện tử tại các nước đang phát triển đều cố gắng sao chép những gì đã thành công ở nơi khác nên có thể không phù hợp với văn hóa địa phương và không nhận được sử ủng hộ mạnh mẽ của người dân – những người có thể được hưởng lợi từ chính phủ điện tử. Do đó, các dự án trước tiên cần phải đảm bảo có sự đồng ý và phối hợp thực hiện của cả chính phủ lẫn người dân.
Ngoài ra, chính sách của chính phủ được phản ánh trong luật pháp, các quy định và chương trình xã hội cần phải thay đổi để thích ứng với những công cụ kỹ thuật số mới. Sự thành công của chính phủ điện tử ở một số quốc gia Bắc Âu là kết quả từ những cải cách khu vực công rộng lớn. Tại Mỹ, việc đầu tư vào công nghệ thông tin của sở cảnh sát – giúp làm giảm tỷ lệ tội phạm –được hỗ trợ bởi những thay đổi đáng kể về mặt tổ chức.
Vấn đề cần lưu ý khi xây dựng chính phủ điện tử là chúng ta sẽ mất một thời gian dài để hoàn thành việc số hóa cơ bản trong một khu vực công. Nhiều nước đang phát triển đang cố gắng đạt được trong khoảng thời gian một vài thập kỷ những thành tựu mà các quốc gia phát triển hiện nay đã mất hàng thế kỷ để đạt được, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA).
Lãnh đạo địa phương tại các quốc gia đang phát triển và đối tác tài trợ cần phải có tầm nhìn dài hạn, thừa nhận sự phức tạp vốn có của chính phủ điện tử và chia chúng thành các yếu tố dễ quản lý hơn. Những cải cách cơ bản của chính phủ điện tử đòi hỏi phải có sự nỗ lực liên tục, cam kết và lãnh đạo qua nhiều thế hệ.