Vừa rồi, bản tin dành riêng cho cộng đồng các công dân điện tử (e-resident) của quốc gia Estonia gửi đi thông điệp chào mừng thành viên mới nhất, và đặc biệt nhất: Giáo hoàng Francis. Ông cũng là công dân Vatican đầu tiên tham gia cộng đồng e-resident của Estonia, vốn đã thu hút hơn 45.000 người từ 157 quốc gia trên toàn thế giới đăng ký.

Như Báo Khoa học Phát triển đã có chuyên đề về hiện tượng này, Estonia xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia cũng như thông điệp hữu nghị một cách hiệu quả với chính sách công dân điện tử, cho phép mọi người trên thế giới có thể tiếp cận và sử dụng hệ thống chính quyền điện tử mà quốc gia này đã xây dựng.


Khi Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid trao “chìa khóa” có chứa mã số công dân điện tử của Estonia cho Giáo hoàng – người đứng đầu quốc gia Vatican và toàn bộ giáo hội Công giáo thế giới, thì người ta tin rằng câu chuyện của một công ty khởi nghiệp tại một quốc gia rất ít dân đã trở thành một sự thay đổi lớn lao đối với cục diện chung của cả thế giới.

Trong thông báo phát đi, đại diện của Tòa thánh cho rằng, ý tưởng của một quốc gia nhỏ mong muốn xây dựng một cộng đồng toàn cầu để cổ vũ cho việc kết nối con người xuyên biên giới, truyền cảm hứng cho những doanh nhân còn gặp vấn đề bởi các yếu tố địa lý có thể có thêm những giá trị toàn cầu đã được Vatican chia sẻ và đồng thuận cao.

Tại Việt Nam, có ít nhất là 6 người đã trở thành công dân điện tử của Estonia, trong đó có bà Nguyễn Phi Vân – chủ tịch SIHUB, cộng tác viên của Báo Khoa học và Phát triển và biên tập viên Trần Nguyên của Báo Khoa học Phát triển.