Ba nhà nghiên cứu Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer đã được trao Nobel Kinh tế 2019 cho cách tiếp cận thực nghiệm đặc trưng của trường phái randomista – áp dụng các thí nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát để xác định hiệu quả xóa đói giảm nghèo hay cải thiện sức khỏe người dân,…

.
Các chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2019.

Giáo sư Kremer (54 tuổi) hiện đang giảng dạy tại Đại học Harvard, trong khi hai vợ chồng Banerjee (58 tuổi) và Duflo (46 tuổi) công tác tại Học viện Công nghệ Massachusetts – đều của Mỹ. Đặc biệt, Duflo chính là phụ nữ thứ hai sau cố GS. Elinor Ostrom (1933 – 2012) của ĐH UCLA (California Los Angeles) giành Nobel kinh tế, và là người trẻ tuổi nhất từng đạt được vinh dự này. Ngoài ra khác với Kremer (sinh ra tại Mỹ), Banerjee là người nhập cư gốc Ấn Độ, còn Duflo sinh trưởng và được đào tạo nhiều tại Pháp (trước khi lấy bằng tiến sỹ tại MIT dưới sự hướng dẫn của Banerjee). Số tiền thưởng trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 910 ngàn USD) sẽ được chia đều cho ba nhà kinh tế.

Theo số liệu của World Bank, khoảng 10% dân số thế giới (hiện đã đạt hơn 7 tỷ người) đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ, với lợi tức dưới 2 USD/ngày. Mặc dù hàng triệu người đã thoát nghèo nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi trong suốt mấy thập kỷ qua của các quốc gia, tổ chức phi chính phủ và chuyên gia phát triển quốc tế, song trong lĩnh vực nhận thức vẫn còn tồn tại rất nhiều nhầm lẫn hoặc hiểu biết chưa rõ ràng về phương pháp để đạt được sự tiến bộ.

Trong bối cảnh đó, Kremer, Banerjee và Duflo, những đại diện tiên phong và tiêu biểu của tư duy randomista đã vận dụng phương pháp thực nghiệm nghiêm ngặt vốn hay được thực hiện trong lĩnh vực y khoa – trong đó, một lượng lớn người tham gia sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để tiếp nhận những can thiệp hoặc đối xử đặc biệt về mặt kinh tế xã hội (dưới dạng trợ giúp y tế, giáo dục, …) và tuân thủ trong một khoảng thời gian nhất định.

Vào những năm 1990, Kremer đã cùng các đồng nghiệp tiến hành nhiều thử nghiệm thực địa tại khu vực miền Tây Kenya để kiểm chứng hiệu quả của phương pháp nhằm cải thiện kết quả học tập của học sinh nghèo. Nhóm đã phát sách giáo khoa và cung cấp thêm các bữa ăn miễn phí cho học sinh ở những ngôi trường đang thật sự cần chúng, từ đó họ nhận thấy sự can thiệp đã không mang lại nhiều khác biệt đáng kể đối với thành tích của học sinh. Trong lúc đó, với những thí nghiệm tương tự (và ngẫu nhiên) tại các trường học ở Ấn Độ, Banerjee và Duflo lại phát hiện ra: hoạt động dạy kèm (bổ túc) đã đem đến kết quả tích cực hơn. Trong một nghiên cứu rất có ảnh hưởng khác, nhóm của Kremer còn chỉ ra, phụ huynh ở các nước thu nhập thấp thường ít cho con tẩy giun đầy đủ nếu chỉ dựa vào trợ cấp, so với khi được phát thuốc miễn phí.

Sự khác biệt về năng suất giữa các quốc gia thu nhập cao và thấp cũng phụ thuộc nhiều vào chênh lệch năng suất giữa các quốc gia thu nhập thấp với nhau.
Sự khác biệt về năng suất giữa các quốc gia thu nhập cao và thấp cũng phụ thuộc nhiều vào chênh lệch năng suất giữa các quốc gia thu nhập thấp với nhau.

Trong thử nghiệm của nhóm Kremer, sách giáo khoa và những bữa ăn được cung cấp thêm đã mang lại rất ít hiệu quả đối với mục tiêu cải thiện thành tích học tập của học sinh.
Trong thử nghiệm của nhóm Kremer, sách giáo khoa và những bữa ăn được cung cấp thêm đã mang lại rất ít hiệu quả đối với mục tiêu cải thiện thành tích học tập của học sinh.
Nhiều dịch vụ tốt cùng sự khuyến khích (incentive) mạnh mẽ hơn sẽ giúp nâng cao tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Nhiều dịch vụ tốt cùng sự khuyến khích (incentive) mạnh mẽ hơn sẽ giúp nâng cao tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Các nhà khoa học này đã cố gắng đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc về tính hạn chế trong nghiên cứu của mình, chẳng hạn: liệu phương pháp và kết quả có thể được mở rộng cho nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu và bên ngoài bối cảnh của từng nền văn hóa riêng biệt, … Cũng trong một bài báo công bố năm 2015 trên tạp chí Science danh tiếng, nhóm của Banerjee và Duflo đã thử nghiệm một loạt các biện pháp can thiệp với hơn 10.000 người nghèo tại 6 nước: Ethiopia, Ghana, Honduras, Ấn Độ, Pakistan và Peru; Trong số đó, một nửa được tặng tiền, thực phẩm, đào tạo kỹ năng cùng nhiều hỗ trợ khác. Kết quả cho thấy, một năm sau khi kết thúc thử nghiệm, nhóm được nhận “đối xử đặc biệt” đã có nhiều biểu hiện tích cực hay tiến triển trên hầu hết tất cả các tiêu chí đo lường, bao gồm an ninh lương thực, thu nhập bình quân, …

“Phát hiện của các nhà khoa học đã giúp nâng cao đáng kể năng lực của nhân loại trong cuộc chiến chống đói nghèo”, Hội đồng trao giải Nobel tuyên bố. “Như là kết quả trực tiếp của một trong số những nghiên cứu này, hơn 5 triệu trẻ em tại Ấn Độ đã được hưởng lợi từ những chương trình thực sự đem lại hiệu quả như dạy kèm bổ túc ở nhà trường”, thông cáo báo chí nhấn mạnh.

Nhà kinh tế theo trường phái randomista là người theo đuổi các thí nghiệm ngẫu nhiên (giống như tung đồng xu) nhằm sắp xếp những người tham gia vào nhóm được nhận sự đối xử đặc biệt hoặc nhóm có kiểm soát. Phương pháp này thường được áp dụng trong y học, nhất là khi cần thử nghiệm các loại thuốc (dược phẩm) mới. Chẳng hạn, để biết liệu ngủ nhiều có giúp chúng ta hạnh phúc hơn không, bạn có thể sẽ cần đến 200 người tham gia và tung đồng xu; 100 người nhận mặt ngửa sẽ được đề nghị ngủ thêm mỗi đêm 1 tiếng, đồng thời nhờ những người khác đánh giá mức độ hạnh phúc của họ. Nếu kết quả thu được là tích cực thì bạn có thể kết luận, việc ngủ nhiều sẽ giúp chúng ta trở nên yêu đời hơn.

Một ví dụ khác liên quan đến phương pháp chữa bệnh scorbut gây chảy máu chân răng (do thiếu vitamin C) được bác sĩ hải quân James Lind (1716 – 1794) người Scotland khám phá ra. BS. Lind đã thực hiện rất nhiều thử nghiệm đối với một loạt các phương thuốc, bao gồm cả dấm, nhưng thứ thật sự cho tác dụng tốt nhất lại là trái quýt. Trong nhiều thập kỷ sau đó, Hải quân Hoàng gia Anh đã sử dụng quýt để chữa bệnh scorbut cho binh lính; và trong trận hải chiến Trafalgar (1805) với Hải quân Pháp, người Anh đã giành chiến thắng và làm phá sản kế hoạch thôn tính châu Âu của Napoleon (1769 – 1821), một phần cũng nhờ phương pháp thực nghiệm ngẫu nhiên giúp nâng cao hiệu quả cải thiện sức khỏe trong quân đội.

Tham khảo cuốn Randomistas: How radical researchers are changing our world? (Randomistas, các nhà nghiên cứu cấp tiến đã thay đổi thế giới của chúng ta như thế nào?) của tác giả Andrew Leigh – hiện là dân biểu (MP), nắm giữ cương vị Shadow Assistant Treasurer do liên minh chính trị đối lập chỉ định để giám sát Bộ trưởng Ngân khố trong Nội các chính thức của Úc. Ngoài ra, ông còn là cựu giáo sư ngành kinh tế học tại ĐH Quốc gia Úc (ANU).