Vào tháng 4, nhóm nghiên cứu quốc tế thuộc chương trình Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT) đã công bố bức ảnh đầu tiên chụp hố đen nằm ở trung tâm thiên hà Messier 87, cách Trái đất gần 54 triệu năm ánh sáng.
Đến tháng 9, họ vinh dự nhận giải thưởng Breakthrough trị giá 3 triệu USD cho thành tựu này.
Không dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch quay phim hố đen siêu lớn Sagittarius A* nằm ở trung tâm dải Ngân hà vào năm 2020.
Dự án mới hướng tới việc quay video hố đen Sagittarius A* theo thời gian thực để quan sát hành vi của nó và cách thức nó thay đổi môi trường xung quanh.
Để thực hiện điều này, các nhà khoa học sẽ sử dụng mạng lưới 11 kính viễn vọng vô tuyến nằm ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, thay vì 8 kính viễn vọng như trước đây. Họ cũng tận dụng công nghệ máy tính mới để xử lý lượng dữ liệu lớn gấp 10 lần.
“Chúng tôi hy vọng sẽ trông thấy hố đen tiến hóa theo thời gian thực cùng với dải Ngân hà. Chúng tôi thậm chí có thể kiểm nghiệm thuyết tương đối của Einstein thông qua việc quan sát quỹ đạo của vật chất xung quanh hố đen”, Shep Doeleman, người đứng đầu dự án EHT, cho biết.
Quốc Hùng (Theo Businessinsider)