Không riêng Việt Nam, hai quốc gia khác là Thái Lan và Brazil cũng đang đặt kỳ vọng vào khả năng kháng virus SARS-CoV-2 của vaccine được sản xuất bằng công nghệ virus vector dựa trên trứng gà có phôi.

Có mặt trong liên minh quốc tế với các trường đại học Mỹ và các tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan nghiên cứu và phát triển tiên tiến về y sinh học (Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Mỹ) do PATH, một tổ chức phi chính phủ điều phối, Việt Nam, Thái Lan và Brazil đều học được “nghề” sản xuất vaccine cúm trên trứng gà có phôi, một công nghệ đã có tuổi đời gần 80 năm. Với việc làm chủ công nghệ này, cả ba nhà sản xuất là Công ty Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Viện Nghiên cứu y sinh Butantã ở São Paulo, Brazil và Công ty Dược phẩm nhà nước GPO, Thái Lan đều có cơ hội tiếp cận “nguyên liệu” là virus Newcastle biểu hiện protein gai của virus SARC-CoV-2 của các nhà khoa học Mỹ trong liên minh để có thể chủ động sản xuất vaccine chống đại dịch COVID-19.


Thái Lan: HXP–GPOVac và chiến lược tự cường vaccine

Sau cơn choáng váng về đại dịch, vào tháng 3/2020, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một chính sách ứng phó với tình trạng khẩn cấp gồm ba trụ cột: 1. Phát triển các vaccine nội địa thông qua nghiên cứu tại các trường đại học lớn như Chulalokorn, Mahidol và King Monkut; 2. Sử dụng cơ chế COVAX để thương thảo các nguồn vaccine. Chương trình này do Liên Hợp quốc điều phối để gia tăng khả năng tiếp cận vaccine của nhiều quốc gia, tuy nhiên Chính phủ Thái Lan phải theo sát cơ chế phân phối vaccine này bởi vấn đề chi phí và sự bất định về thời gian giao nhận; 3. Hợp đồng với các nhà sản xuất để được quyền cung cấp vaccine, ví dụ ký hợp đồng với AstraZeneca, Sinovac thì rẻ hơn là nhận cung cấp từ Mỹ.

Với sự khuyến khích đó của chính phủ, cũng như nhiều nhà sản xuất vaccine khác, công ty GPO đã nhập cuộc một cách nhanh chóng. Họ cũng có may mắn là đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ từ nhiều năm trước để “duy trì mức giá dược phẩm và vật tư y tế cần thiết cho xã hội Thái, đảm bảo cho mọi người đều có thể tiếp cận được các sản phẩm này”. Khi bắt tay vào phát triển và sản xuất các vaccine cúm – một phần trong chiến lược tự lực và phát triển bền vững của quốc gia, họ được cấp một khoản ngân sách là 1.116,19 triệu baht để xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP. Đây cũng là công nghệ mà công ty GPO dùng để tạo ra HXP–GPOVac.

Nền tảng được chuẩn bị nhiều năm đó đã góp phần giúp công ty GPO có thể sản xuất ra những lô sản phẩm HXP–GPOVac mẫu đầu tiên vào tháng 12/2020, cùng thời điểm với IVAC của Việt Nam và Viện Butantã ở Brazil. Thông tin công ty GPO có được lô vaccine COVID đầu tiên lan tỏa khắp Thái Lan. Phát biểu trên tờ Bangkokpost, Bộ trưởng Bộ Y tế công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho rằng, sự phát triển vaccine nội địa là một bước tiến rất quan trọng cho y tế công cộng quốc gia vì nó cho phép Thái Lan có thể tự lực mà không cần phải phụ thuộc vào vaccine nhập khẩu. Mặt khác, việc phát triển vaccine nội địa cũng giúp Thái Lan quản lý chiến lược vaccine của mình một cách hiệu quả hơn, “ngay cả khi chúng ta có thể sản xuất nhiều loại vaccine từ chuyển giao công nghệ cũng như nhận sản xuất theo hợp đồng với nhiều hãng khác nhau”.


Trong buổi họp báo thu hút sự tham gia của báo giới Thái Lan và quốc tế vào tháng 3/2021, ông Piyasakol Sakolsatayadorn, chủ tịch hội đồng trường Đại học Mahidol – nơi đảm nhiệm việc thử nghiệm lâm sàng HXP–GPOVac, đặt mục tiêu “vaccine này sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi vào năm tới”, sau khi đảm bảo được các yêu cầu về thử nghiệm lâm sàng. Công ty GPO hi vọng sẽ sản xuất được 30 triệu liều, với việc sản xuất ở quy mô lớn tại quận Kaeng Khoi ở Saraburi bắt đầu vào giữa năm 2022. Thông tin từ các pha thử nghiêm lâm sàng trên người sẽ được dùng để đưa vào hồ sơ đăng ký sản phẩm với Cơ quan quản lý Thực phẩm và dược phẩm Thái Lan (FDA).

Đợt thử nghiệm lâm sàng trên tình nguyện viên của HXP–GPOVac bắt đầu vào tháng ba và sau khi có kết quả về hiệu quả và an toàn trong phát sinh miễn dịch của giai đoạn một, vaccine này đã được phê chuẩn cho thử nghiệm giai đoạn hai vào trung tuần tháng tám, thông cáo báo chí của công ty GPO cho biết. Cũng như COVIVAC của IVAC, những tín hiệu khả quan đang chờ đợi HXP–GPOVac, tuy rằng sẽ phải mất một vài tháng nữa để có được kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai, yếu tố quan trọng để FDA chấp thuận thực hiện gối đầu giai đoạn ba.

Tuy nhiên, HXP–GPOVac không phải là vaccine chống COVID duy nhất của Thái Lan. Bên cạnh nó còn có ba vaccine được phát triển thành công trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau và đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và hai, theo thông tin từ tuần báo tiếng Anh The Phuket News: ChulaCov19 do trường Đại học Chulalongkorn phát triển dựa trên công nghệ tiên tiến nhất là mRNA, Baiya SARS-CoV-2 Vax 1 của Công ty Dược phẩm Baiya Phytopharm dựa trên công nghệ tiểu đơn vị protein và COVIGEN, của công ty Bionet Asia, Technovalia hợp tác với trường Đại học Sydney dựa trên công nghệ DNA.

Brazil: ButanVac là vaccine nội địa chống COVID đầu tiên

Tương tự như việc phát triển vaccine của IVAC và GPO, Butantã có điểm thuận lợi đầu tiên là thuần thục với công nghệ sản xuất vaccine cúm mùa dựa trên trứng gà có phôi từ nhiều năm nay. Vì vậy trong năm 2020, họ đã có trong tay vaccine dự tuyển mang tên ButanVac, với đầy đủ các đặc điểm tương tự hai người anh em COVIVAC và HXP–GPOVac.

Được thành lập từ năm 1901, Butantã là nhà sản xuất các sản phẩm liên quan đến miễn dịch và dược phẩm sinh học lớn nhất châu Mỹ Latin và có những huyết thanh kháng độc, dược chất, vaccine chống lại nhiều loại bệnh, trong đó có lao, bạch hầu, uốn ván...

Brazil là một trong những quốc gia chịu nhiều áp lực COVID-19 khi số ca ngày một gia tăng vào đầu năm 2021. Do đó, không thể nói hết niềm tự hào của Butantã nói riêng và São Paulo nói chung: ButanVac là vaccine đầu tiên của Brazil và dự báo là yếu tố quyết định giúp họ vượt qua thử thách cam go của đại dịch. Reuters đã dẫn lời Thống đốc bang São Paulo, João Doria, khi ông loan báo rằng thời điểm Viện Butantã phát triển và sản xuất thử nghiệm ButanVac là “thời khắc lịch sử quan trọng cho Brazil. ButanVac là vaccine nội địa 100%, được Butantã phát triển và sản xuất hoàn toàn ở Brazil, vì vậy đây là niềm tự hào của Brazil”.

Thông cáo báo chí của Viện Butantã cho biết, họ đã có 10 triệu liều sẵn sàng trong kho và hi vọng trong tháng mười tới có được 40 triệu liều để sẵn sàng sử dụng. Butantã còn thông báo thêm một chỉ số lạc quan là trong thử nghiệm tiền lâm sàng thì ButanVac hiệu quả với biến thể Gamma – biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil nhưng đã lan rộng ra hơn 10 quốc gia khác.

Thông qua thử nghiệm tiền lâm sàng, ButanVac hiệu quả tới 85%. Ông Ricardo Palacios, giám đốc phụ trách nghiên cứu lâm sàng của Butantã vui mừng cho biết, vaccine này có độ tin cậy vô cùng cao bởi “Chúng ta biết cách tạo ra ButanVac, chúng ta nắm được công nghệ. Kết quả tiền lâm sàng rất tuyệt”.

Tuy nhiên, câu chuyện về thử nghiệm lâm sàng vaccine chống COVID của Viện Nnghiên cứu Y sinh Butantã ở São Paulo mang nhiều màu sắc khác biệt. Tưởng chừng sau cuộc loan báo đầy hoan hỉ này, Viện Butantã đã có thể bắt tay ngay vào thử nghiệm lâm sàng, theo kế hoạch là vào đầu tháng tư tại Riberao Preto, một thành phố của bang São Paulo với sự cho phép của Cơ quan Giám sát Y tế quốc gia (Anvisa). Hai pha thử nghiệm ban đầu dự kiến sẽ có khoảng 6.000 tình nguyện viên tham gia (pha một là 400 người). Theo thông lệ, ở cả pha một và hai sẽ đều chia thành ba nhóm A, B và C để so sánh hiệu quả miễn dịch, hiệu quả bảo vệ theo các mức liều khác nhau của ButanVac với giả dược.

Rắc rối đến đúng vào thời điểm chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng pha một. Sự bùng phát của đại dịch, việc cắt giảm kinh phí và tình trạng hỗn độn về quy định khiến Butantã không đủ lượng tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm, theo nhận định của Nexo Jornal. Đó là lý do trong vòng ba tháng, Butantã đã phải chạy đôn chạy đáo để thay đổi kế hoạch thử nghiệm lâm sàng phù hợp với tình hình thực tế. Để thay đổi tình thế, họ đã quyết định không tiêm giả dược mà thay vào đó là CoronaVac (Sinovac) của Trung Quốc mà họ nhận sản xuất. Sự thay đổi này nhằm giải quyết một vấn đề đạo đức trong y học: người tình nguyện có thể bị nhiễm virus corona tại thời điểm nóng bỏng của dịch và São Paulo muốn tăng cường tiêm chủng.

Rút cục, đề xuất này của Butantã đã được Anvisa chấp thuận vào ngày 9/6 và sau chuỗi ngày bị trì hoãn thì pha một thử nghiệm lâm sàng cũng bắt đầu và diễn ra trong vòng 15 ngày. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một cho thấy nhiều hứa hẹn cho hai pha tiếp theo.

Dự kiến vào cuối năm nay, việc nghiên cứu lâm sàng sẽ kết thúc và , sau khi Anvisa chấp thuận, Butantã sẽ chính thức xuất xưởng ButanVac vào đầu quý một năm 2022. Ông Covas cho biết, Butantã cũng sẽ được cung cấp cho Liên minh Gavi cũng như tham gia sáng kiến Covax.