Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra DNA cổ đại trong hài cốt của một người phụ nữ đã chết cách đây 7.200 năm ở Indonesia - phát hiện này thách thức những hiểu biết trước đây về sự di cư của con người cổ đại.

Hài cốt là của một phụ nữ trẻ tuổi, được đặt tên là Bessé, được phát hiện trong hang động Leang Panninge trên đảo Sulawesi của Indonesia. Các cuộc khai quật ban đầu được thực hiện vào năm 2015.


Đây là lần đầu tiên phát hiện DNA của con người cổ đại ở Wallacea, một chuỗi đảo và đảo san hô rộng lớn ở đại dương giữa lục địa châu Á và Australia. DNA được chiết xuất từ phần nhỏ của xương thái dương của Bessé, vị trí tai trong.

Giáo sư Adam Brumm từ Đại học Griffith, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết DNA nguyên vẹn là một phát hiện hiếm trong khảo cổ học. Nhất là ở khu vực này, bởi "các vùng nhiệt đới ẩm ướt rất khó bảo tồn DNA trong xương và răng của con người cổ đại", Brumm nói. "Chúng ta mới thu được DNA cổ đại từ một hoặc hai bộ xương thời tiền đồ đá khắp lục địa Đông Nam Á."

"Ở những nơi khác trên thế giới, phân tích DNA cổ đại đang hoàn toàn thay đổi những hiểu biết của chúng ta về thời kỳ đầu của loài người: sự đa dạng di truyền của người cổ đại, sự di chuyển dân số, lịch sử nhân khẩu học," Brumm nói thêm.

Các nhà nghiên cứu mô tả Bessé như một "hóa thạch di truyền". Brumm cho biết, việc giải trình tự gen cho thấy Bessé có một lịch sử tổ tiên độc nhất, không chung với bất kỳ con người nào sống ngày nay, và cũng không chung với bất kỳ hóa thạch cổ đại đã biết nào.

Khoảng một nửa cấu tạo gen của Bessé tương tự như người Úc bản địa ngày nay và những người từ New Guinea và các đảo Tây Thái Bình Dương.

Brumm cho biết: "Tổ tiên của Bessé có thể thuộc nhóm người đầu tiên di chuyển từ lục địa châu Á qua những hòn đảo Wallacea này, tới vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Sahul, vào kỷ băng hà đây là vùng đất kết hợp giữa Australia và New Guinea".

Đáng ngạc nhiên, DNA của Bessé cũng cho thấy mối liên hệ cổ xưa với Đông Á, điều này thách thức những hiểu biết trước đây về dòng thời gian con người di cư đến Wallacea.

"Người ta cho rằng lần đầu tiên những người có tổ tiên châu Á vào vùng Wallacea là vào khoảng ba hoặc bốn nghìn năm trước, khi những người nông dân thời kỳ đồ đá đến khu vực này từ Đài Loan," Brumm nói. "Nếu chúng ta tìm thấy người có tổ tiên châu Á này ở đây từ hàng nghìn năm trước khi những người thời kỳ đồ đá mới di cư đến, điều này cho thấy sự di cư sớm hơn của một số dân cư từ châu Á vào khu vực này."

Bessé cũng là bộ xương đầu tiên được biết đến thuộc nền văn hóa Toalean, một nhóm người săn bắn hái lượm sống ở Nam Sulawesi từ 1.500 đến 8.000 năm trước.

Vào thời điểm chôn cất Bessé khoảng 17 đến 18 tuổi. Ngôi mộ của Bessé còn chứa các công cụ bằng đá thời tiền sử và xương của các loài động vật hoang dã bị săn bắn.

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2021/aug/26/genetic-fossil-intact-dna-from-woman-who-lived-7200-years-ago-discovered-in-indonesia