Nghiên cứu hàn lâm đầu tiên về tranh giả được thực hiện bởi người Việt vừa được công bố trên một tạp chí ISI về nghệ thuật.
Hội họa từ lâu đã là một niềm tự hào của nghệ thuật Việt Nam với thế giới. Các tác phẩm của thế hệ họa sỹ tốt nghiệp từ Trường Mỹ thuật Đông Dương luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao và được đấu giá tại các nhà đấu giá lớn như Sotheby’s hay Christie’s. Mặc dù vậy, cùng với sự tăng trưởng về giá tranh, vấn đề tranh giả trở nên nổi cộm và liên tục được bàn luận trên báo chí.
Sử dụng chất liệu từ những câu chuyện về tranh giả Việt Nam trên thị trường, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Khoa học xã hội liên ngành ISR, Đại học Thành Tây, mới đây đã công bố nghiên cứu với tựa đề “
Paintings Can Be Forged, But Not Feeling”: Vietnamese Art - Market, Fraud, and Value (tạm dịch: “Bức tranh có thể làm giả, nhưng cảm xúc thì không”: Nghệ thuật Việt Nam - Thị trường, giả nhái, và giá trị) trên tạp chí
Arts – một tạp chí trong cơ sở dữ liệu ISI Web of Science (ESCI). Nghiên cứu thuộc số đặc biệt về tội phạm nghệ thuật "Advances in Art Crime Research (2018)" do hai chuyên gia Hoa Kỳ A.B. Balestrieri (Virginia Commonwealth University) và Tess Davis (The Antiquities Coalition — New York) biên tập.
Trong quãng thời gian hơn 6 tháng, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu và phân tích định tính về 35 trường hợp tranh giả được chú ý trên truyền thông Việt Nam cùng ý kiến của các chuyên gia. Trong đó có nhiều sự việc tốn rất nhiều giấy mực của báo chí như vụ phát hiện bức “Mơ về một ngày mai” của Tô Ngọc Vân đấu giá tại Christie’s Hongkong là tranh giả.
Kết quả phân tích cho thấy giá trị kinh tế của tranh Việt Nam vẫn khá cao bất chấp tính chất gây tranh cãi của nó. Ví dụ, một bức về đề tài gia đình của Lê Phổ được đấu giá tại Sotheby’s với giá 535.207 USD nhưng vẫn bị nghi ngờ là tranh giả.
Bên cạnh trường hợp này, nghiên cứu cũng tìm thấy 12 trường hợp gây tranh cãi khác được đấu giá tại các nhà đấu giá quốc tế. Có thể thấy, các nhà đầu tư, nhà đấu giá ngoại quốc đang đẩy cao giá tranh Việt nhưng lại chưa hẳn có căn cứ chuẩn xác về lịch sử và chất lượng của tác phẩm. Trong bối cảnh đó, rất hiếm trường hợp có sự can thiệp xác quyết từ các cơ quan Việt Nam có thẩm quyền.
Dựa trên các tìm hiểu về vấn đề tranh giả, nhóm nghiên cứu đã có những nhận định xa hơn về môi trường nghệ thuật, vấn đề về tội phạm nghệ thuật hay nhận thức về nghệ thuật tại Việt Nam từ nhiều góc độ như kinh tế, hay văn hóa, hay pháp lý. Các tác giả đánh giá nền tảng văn hóa là điều khiến hội họa Việt Nam độc đáo; nhưng mặt khác, thái độ chấp nhận ‘sống chung với lũ’ trước vấn đề tranh giả cũng là điều đáng lo ngại. Chính vì thế sự đổi mới ngay từ thái độ đối với các vấn đề giả mạo, sao chép sẽ mang lại những lợi ích lớn cho nghệ thuật Việt Nam.
Đồng tác giả TS. Trần Kiên, giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), chia sẻ: “Dự án nghiên cứu về nghệ thuật này là một sản phẩm rất liên ngành. Tham gia sâu vào dự án luôn mang đến những cái nhìn mới mẻ mà đến bản thân tôi còn không biết mình thay đổi quan điểm khi nào hay thuyết phục được người khác nghe theo quan điểm của mình thế nào.”
Được biết, đây là nghiên cứu hàn lâm đầu tiên về tranh giả được thực hiện bởi người Việt. Với sức hút của nghệ thuật và góc nhìn liên ngành lí thú, nghiên cứu đã thu hút gần 1.000 lượt đọc tóm tắt và toàn văn ngay trong ngày đầu được công bố.
*Thông tin thư viện:Vuong, Q.-H., Ho, M.-T., Nguyen, H.-K.T., Vuong, T.-T., Tran, K. & Ho, M.T. (2018). “Paintings can be forged, but not feeling”: Vietnamese art—market, fraud, and aalue. Arts 2018, 7(4), 62. DOI: 10.3390/arts7040062. *URL:
https://www.mdpi.com/2076-0752/7/4/62