Theo danh sách xếp hạng do Nature (Nature index) mới công bố, các trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc chiếm một nửa danh sách 100 viện nghiên cứu đang có bước tiến vượt bậc trong công bố trên các tạp chí có uy tín. Điều này cho thấy khoa học Trung Quốc ngày càng gia tăng tốc độ xuất bản những công bố chất lượng cao.


Pan Ji Wei là người đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới về truyền thông lượng tử. Nguồn: China daily.

Nature Index đã phân tích công bố được xuất bản trên 82 tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên có uy tín do hai nhóm nhà khoa học độc lập đề xuất, trong đó bao gồm các tạp chí hàng đầu như Nature, Science và Cell. Bản danh sách “Những ngôi sao đang mọc” của Nature index đã chọn lọc được 100 trường đại học và nghiên cứu có nhiều đóng góp trên các tạp chí này và gia tăng số lượng công bố từ năm 2015 đến 2017 trên cơ sở tính toán phần đóng góp (fractional count FC) của các nhà khoa học trong mỗi bài báo. Một cơ sở nghiên cứu có thể được tính 1 điểm nếu 1 trong số mỗi nhà nghiên cứu của họ là tác giả duy nhất của một bài báo.

Dẫn đầu “Những ngôi sao đang mọc” là trường đại học thuộc Viện Hàn lâm KH Trung Quốc với hơn 150% về điểm số FC so với thời kỳ trước, cao gấp hai lần so với vị trí thứ hai – trường Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh. Trường Đại học Giao thông Thượng Hải đứng ở vị trí thứ ba, với sự gia tăng về điểm số FC là 61, chứng tỏ sự phát triển vượt bậc trong quá trình xuất bản công bố, dù rằng chỉ xếp hạng 225/500 trường viện xuất sắc nhất thế giới.

Hầu hết các vị trí còn lại của top 10 danh sách “Những ngôi sao đang mọc” đều là các trường, viện Trung Quốc: trường Đại học KH&CN Phương Nam (SUSTech) hạng 4, trường Đại học Vũ Hán hạng 5, trường Đại học KH&CN Trung Quốc hạng 6, trường Đại học Nam Kinh hạng 8, trường Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc hạng 9 và trường Đại học Đông Nam hạng 10.

Trường đại học duy nhất không phải từ Trung Quốc lọt vào top 10 danh sách là Viện Công nghệ Ấn Độ hạng 7, còn trường đại học đầu tiên ngoài châu Á có vị trí cao nhất trong “Những ngôi sao đang mọc” là trường Đại học California, Irvine hạng 11.

Tuy Trung Quốc lấn át trong top đầu “Những ngôi sao đang mọc” nhưng nếu xét tổng thể thì Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về phần đóng góp của các nhà khoa học với 20.000 điểm, cao gấp hai lần so với Trung Quốc. Vị trí thứ ba thuộc về Anh – quốc gia có hai trường Đại học Bristol và Edinburgh trong danh sách. Một số quốc gia khác có nhiều hơn 2 trường thuộc danh sách này là Đức, Hà Lan (4 trường), Ấn Độ (3 trường).

Bên cạnh đó, trong bảng xếp hạng 500 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới cũng của Nature Index dựa trên dữ liệu năm 2017 thì Viện Hàn lâm KH Trung Quốc - tổ chức nghiên cứu khoa học lớn nhất thế giới với khoảng 60.000 người làm việc tại 114 viện nghiên cứu trực thuộc (Viện Hóa có năng suất công bố cao nhất, xếp hạng 15 thế giới ở lĩnh vực hóa học) - cũng là viện số một thế giới, xếp trên trường Đại học Havard (Mỹ), Viện Max Plank (Đức), Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS)…

Vào đầu năm nay, một phân tích dữ liệu khác của Elservier theo đơn đặt hàng của Times Higher Education (THE) cũng nêu, Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Mỹ về chất lượng nghiên cứu vào giữa thập kỷ 2020. Các dữ liệu này là bằng chứng cho thấy sự vươn lên nhanh chóng của khoa học Trung Quốc không chỉ dựa vào số lượng xuất bản.

Nhìn tổng thể, dữ liệu cúa Nature đã đưa ra một cái nhìn gần hơn về các quốc gia đang ngày càng có nhiều đóng góp hơn vào nền học thuật thế giới như Trung Quốc, Brazil và Iran… Nó cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự vươn lên của Trung Quốc là chính sách đầu tư vào khoa học của chính phủ nước này, ví dụ đầu tư cho R&D từ ngân sách nhà nước chiếm 2,05% GDP (năm 2015).