Hoạt động xuất khẩu rác thải nhựa từ Mỹ sang các nước đang phát triển đã tăng mạnh từ sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác, một nghiên cứu mới cho thấy. Theo đó, nửa đầu năm nay, lượng rác thải nhựa mà Mỹ xuất sang Thái Lan đã tăng 2.000%, sang Malaysia tăng 273%, và sang Việt Nam tăng 46%.

Trong sáu tháng đầu năm 2018, gần một nửa lượng rác thải nhựa xuất đi từ Mỹ được chở đến Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, theo phân tích của Unearthed, bộ phận điều tra nghiên cứu của tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace), dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ [cơ quan chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu về con người và nền kinh tế Mỹ]. Hồi năm ngoái, Mỹ xuất hơn 70% lượng rác thải nhựa của mình đến Trung Quốc và Hongkong.

Lệnh cấm nhập khẩu rác do Chính phủ Trung Quốc ban hành năm nay khiến các nước phương tây phải tìm cách thoát khỏi số rác còn tồn đọng của mình – trước đó, Trung Quốc vốn là nước nhập khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Mỹ - cùng với Anh, Đức, Nhật và Mexico - là những nước xuất nhiều phế thải nhựa đến Trung Quốc nhất.

Theo những nhà hoạt phong trào, phân tích của Unearthed cho thấy Mỹ lợi dụng các nước đang phát triển, nơi thiếu bộ khung các quy định nhằm bảo đảm rác thải nhựa được xử lý một cách thân thiện với môi trường.

“Thay vì chịu trách nhiệm về lượng rác do chính họ thải ra, các công ty của Mỹ lại lợi dụng các nước đang phát triển thiếu các quy định để tự bảo vệ mình,” John Hocevar, giám đốc Chiến dịch Đại dương thuộc Greenpeace Mỹ, nói.

Rác thải, mà một phần trong đó là rác sinh hoạt đã được phân loại để tái chế, bao gồm chai nhựa sử dụng một lần, túi nhựa, và bao gói thực phẩm, Hocevar cho biết. Nó có thể chứa các chất liệu độc hại.

“Vấn đề của nước Mỹ và các nước phát triển khác là họ thường xuyên sản xuất các vật liệu độc hại mà bản thân họ không thể hoặc sẽ không chịu trách nhiệm.”

Hocevar cho rằng quyết định không chấp nhận rác thải thêm nữa của Trung Quốc đã làm lộ ra quy mô cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu: “Chúng ta đang sản xuất quá nhiều vật liệu nhựa mà chúng ta không biết cách làm sao để quản lý nó.

“Khi một người bình thường vứt một mảnh nhựa vào một thùng rác [có phân loại phục vụ tái chế], họ cho rằng nó đang được tái chế, chứ không phải được chở đến Trung Quốc hay bây giờ là Đông Nam Á, nơi nó sẽ được đốt hoặc chôn lấp.”

Biểu đồ lượng rác thải nhựa Mỹ xuất sang Trung Quốc, Hongkong, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan từ năm 2013 đến năm 2018. Lập biểu đồ: The Guardian; Nguồn dữ liệu: Greenpeace
Biểu đồ lượng rác thải nhựa Mỹ xuất sang Trung Quốc, Hongkong, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan từ năm 2013 đến năm 2018. Lập biểu đồ: The Guardian; Nguồn dữ liệu: Greenpeace

Dữ liệu mà Unearthed nắm được từ Cục Thống kê Dân số Mỹ cho thấy trong nửa đầu năm 2018, lượng rác Mỹ xuất đi đã giảm 1/3 so với năm ngoái, từ 949.789 tấn xuống còn 666.780 tấn. Lượng rác Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 92%, sang Hongkong giảm 77%.

Cùng lúc đó, lượng rác thải nhựa Mỹ xuất sang Thái Lan tăng gần 2.000%, lên đến 91.505 tấn. Lượng rác thải nhựa Mỹ xuất sang Malaysia tăng 273%, lên 157.299 tấn; sang Việt Nam tăng 46%, lên 71.220 tấn. Giai đoạn này, lượng rác thải nhựa Mỹ xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc cũng tăng đáng kể.

Các báo cáo cho thấy, các nước ở Đông Nam Á đang chật vật xử lý và quản lý làn sóng rác thải ập đến sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm.

“Do lượng rác thải nhập khẩu tăng, chúng ta đang chứng kiến những nước này bắt đầu phản ứng lại,” Hocevar nói. “Quan trọng là, chúng ta cần giảm lượng rác thải này từ nguồn.”

Ở Thái Lan, nơi vụ việc một chú cá voi hoa tiêu thiệt mạng chứa trong bụng đến 80 cái túi nhựa hồi tháng 7 năm nay, tỏ rõ sự nguy hại của rác thải nhựa trong đại dương, truyền thông Thái Lan cho biết chính phủ nước này đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu tất cả các loại rác, sau khi những bất thường ở các nhà máy tái chế rác bị phát hiện. Tháng 5 năm nay, Việt Nam cũng tạm thời cấm nhập khẩu rác thải nhựa sau khi hai bến cảng của nước này bị “ngập” trong phế thải nhựa nhập về.

Trong khi đó, Malaysia cũng thu hồi một số giấy phép nhập khẩu rác thải nhựa, sau khi các nhà máy tham gia tái chế rác ở thị trấn Banting ở phía tây nam Kuala Lumpur bị buộc phải đóng cửa, xuất phát từ những ca thán của người dân về tình trạng ô nhiễm nước và không khí ở đây.

Daniel Hoornweg, phó giáo sư Khoa Hệ thống năng lượng và Khoa học hạt nhân tại Đại học Công nghệ Ontario, nói về việc Mỹ tăng cường xuất khẩu rác sang các nước Đông Nam Á: “Tình cờ đây cũng là cơ hội. Tôi đồ rằng, chỉ một thời gian nữa thôi, những nước này sẽ dẹp bỏ việc nhập khẩu và chế biến rác.

“Người Canada, Mỹ và châu Âu cần nhận ra rằng đây là vấn đề lớn hơn việc nói không với túi nhựa ở quầy thanh toán mua hàng. Nó đòi hỏi việc xem xét lại một cách cơ bản nền kinh tế của chúng ta.

“Điều thú vị là những gì Mỹ đẩy đi dưới dạng nhựa tái sinh cuối cùng lại được gửi trả về Mỹ và được bán dưới dạng đồ chơi nhựa ở các siêu thị.”

Adina Renee Adler, giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề quốc tế tại Viện Các ngành công nghiệp tái chế phế liệu (ISRI), một hiệp hội thương mại có trụ sở ở thủ đô Washington, nói, ngành công nghiệp rác thải nhựa của Mỹ “không chôn rác ở Đông Nam Á” bởi thị trường rác thải nhựa là thị trường hợp pháp.

“Điều chúng ta đang nói đến là vật liệu có thể tái chế hay rác phế liệu được mua, chứ không phải bị bán,” bà nói. Các lệnh cấm tạm thời và các vấn đề khác ở những nước này, theo bà, xuất phát từ vấn đề với những công ty chuyển khỏi Trung Quốc và hoạt động bất hợp pháp, không được kiểm soát thích đáng.

“Chúng tôi hy vọng những lệnh cấm này chỉ là tạm thời bởi hoạt động thương mại này là hợp pháp.”

Các thị trường chế biến nhựa tái sinh ở Mỹ và Canada cũng đang phát triển, Adler nói thêm.

Nguồn:

https://www.theguardian.com/global-development/2018/oct/05/huge-rise-us-plastic-waste-shipments-to-poor-countries-china-ban-thailand-malaysia-vietnam