Sở hữu thương hiệu đá thạch anh cao cấp VICOSTONE đứng thứ 4 trên thế giới, từ lâu Tập đoàn PHENIKAA đã đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất và mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn.

Ngày 9/8/2018 tới đây, với việc ra mắt 2 Viện nghiên cứu là PRATI cùng TIAS, PHENIKAA tiếp tục thể hiện sự cam kết cũng như sự đầu tư mạnh mẽ với định hướng phát triển này.

Theo ông Hồ Xuân Năng, Tổng giám đốc tập đoàn Phenikaa hai viện nghiên cứu PRATI & TIAS sẽ tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng, cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao, bao gồm: Các lĩnh vực khoa học cơ bản, ứng dụng; Công nghệ vật liệu (polymer, nano, gốm); Công nghệ in 3D; Tự động hóa, cơ điện tử; Điện tử, điện tử hữu cơ; Trí tuệ nhân tạo; Công nghệ thông tin; y, sinh, dược học; Nông nghiệp

Trực thuộc trực tiếp Tập đoàn Phenikaa, PRATI tập trung thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ, và các dịch vụ khoa học và kỹ thuật khác. Viện PRATI đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước trong việc tiến hành các nghiên cứu đổi mới phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các công nghệ thích hợp.

Nhân viên kỹ thuật tại trung tâm R&D của Phenikaa.

TIAS, với sứ mệnh là một đơn vị hạt nhân cho sự phát triển của trường Đại học Thành Tây, mục tiêu của TIAS là trở thành một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản, có vị thế và tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế với các công trình khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín hàng đầu, các công nghệ ứng dụng trong thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao và có ảnh hưởng tích cực, các công nghệ gốc và sản phẩm công nghệ cao. Viện TIAS đồng thời là nơi chọn lọc, nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ định hướng phát triển bền vững của trường Đại học Thành Tây, Tập đoàn Phenikaa nói riêng và xã hội nói chung.

Với mô hình “học tập gắn kết với nghiên cứu khoa học”, trường Đại học Thành Tây sẽ phát triển theo định hướng trở thành một trường đại học mang tầm quốc tế, lấy nghiên cứu khoa học và đào tạo chất lượng cao làm nền tảng phát triển, được xây dựng và kiểm định theo các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá đại học quốc tế, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành; giảng dạy, đào tạo với nghiên cứu khoa học… nhằm đảm bảo sinh viên sẽ được bồi dưỡng tài năng, tri thức, kỹ năng, tính độc lập, thực tiễn, chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Tập đoàn PHENIKAA cam kết đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học. Hiện nay với sự hội tụ và chung tay của trên 50 nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, hai Viện PRATI và TIAS có cơ sở để trở thành địa chỉ thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến làm việc, hợp tác nghiên cứu, nhằm tạo ra các ý tưởng khoa học, sáng tạo công nghệ, và sản phẩm mới hướng tới phục vụ tốt nhất sự phát triển của Tập đoàn nói riêng và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung.

Việc các tập đoàn công nghiệp đầu tư xây dựng các viện nghiên cứu, trường đại học là một mô hình đã chứng minh được tính hiệu quả trên thế giới điển hình như: Đại học SKKU của Tập đoàn Samsung, Đại học Ulsan của Tập đoàn Huyndai… Sự đầu tư của Tập đoàn Phenikaa vào hai viện PRATI, TIAS và trường Đại học Thành Tây sẽ tạo ra một sự liên kết chặt chẽ từ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sáng tạo công nghệ mới, và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất - nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động ra mắt của hai Viện PRATI & TIAS, ngày 9/8/2018, tại Khách sạn JW Marriott Hà Nội ,Tập đoàn PHENIKAA sẽ tổ chức chuỗi 3 sự kiện nối tiếp nhau bao gồm: 1. Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Công nghệ Tiên tiến; 2. Phiên họp Hội đồng khoa học hai Viện nghiên cứu PRATI & TIAS sẽ có sự tham dự của gần 100 nhà khoa học, trong đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới như: GS.TS. Mark H Rummeli - Viện Nghiên cứu Chất rắn và Vật liệu Leibniz Cộng hòa Liên bang Đức; GS. TS. Dirk Poelman - Đại học Ghent, Vương Quốc Bỉ; GS. TS. Sanglae Cho - Đại học Ulsan, Hàn Quốc; TS. Ferrari - Viện Quang tử và Công nghệ Nano, Cộng hòa Ý; Giáo sư Philippe Dollfus - Đại học Paris-Sud, Cộng hòa Pháp; và 3. Lễ ra mắt hai Viện PRATI & TIAS cùng Lễ ký kết hợp tác giữa PRATI & TIAS với một số đối tác trong nước và quốc tế như: Đại học Việt Pháp, Tập đoàn Walker của Đức, Effucell Inc. của Hàn Quốc…