Sau khi đăng ký và được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, nhiều giống cây trồng do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo đã được thương mại hóa thành công, được bán bản quyền cho doanh nghiệp với mức giá lên tới 10 tỷ đồng.

Thanh long ruột tím hồng LĐ5

Giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 là kết quả chọn lọc và lai hữu tính giữa giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 và giống thanh long ruột trắng Chợ Gạo, do nhóm nghiên cứu thuộc phòng Chọn tạo giống, Viện Cây ăn quả Miền Nam (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện. Tháng 12/2010, giống thanh long này được trồng khảo nghiệm rộng rãi tại nhiều tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Ngay sau khi công bố bản quyền và thương mại hóa ngày 12/9/2013, giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 đã được Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) mua bản quyền với giá 2 tỷ đồng. Công ty được quyền sử dụng giống này trong 20 năm.


Cây thanh long ruột tím hồng LĐ5 có khả năng ra hoa mạnh và gần như quanh năm. Hoa có khả năng tự thụ phấn để tạo quả. Thời gian từ khi trồng đến khi ra hoa lần đầu tiên là khoảng 9-11 tháng. Thời gian ra hoa chính vụ là từ tháng 3 đến tháng 8. Cây có khả năng ra hoa tự nhiên vào mùa nghịch từ tháng 10 đến tháng 2. Trong vụ chính, năng suất thực tế mỗi vụ đạt trung bình 10,34kg/trụ (cây 16 tháng tuổi).

Quả thanh long ruột tím hồng LĐ5 có trọng lượng trung bình 350-400gr, vỏ màu đỏ tươi, sáng, khá bóng, tai quả có màu xanh đến xanh đỏ và khá cứng. Thịt quả có màu tím hồng và khá chắc, vị ngọt chua nhẹ.

Siêu lúa hoa phượng đỏ NPT3

Giống siêu lúa hoa phượng đỏ NPT3 là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần siêu năng suất cho các tỉnh phía bắc” mang mã số KC-06-04/11-15 do Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương và các cộng sự thực hiện.

Giống lúa NPT 3 của Giáo sư Trần Duy Quý được trồng ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ảnh: Bích Phượng
Giống lúa NPT 3 của Giáo sư Trần Duy Quý được trồng ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Ảnh: Bích Phượng

Nhóm đã chọn tạo, hoàn thiện giống lúa này nhờ phương pháp gây đột biến thực nghiệm bằng tia gamma trên nền giống ĐH18. Kết quả khảo nghiệm 3 vụ tại mạng lưới khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia ở 8 tỉnh đều đánh giá NPT3 là giống có triển vọng để đưa vào bộ giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt. Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp Hải Phòng đã ký hợp đồng mua bán bản quyền giống lúa NPT3.

GS-TS Trần Duy Quý cho biết thêm về kết quả khảo nghiệm tại các hợp tác xã nông nghiệp Tân Phong, Phú Xuân, Bình Xuyên, Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), Dân Lý (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trên 8ha: Năng suất vụ xuân đạt bình quân 9,5-10 tấn/ha. Các chuyên gia tại hội nghị đầu bờ tham quan mô hình trình diễn giống NPT3 đánh giá, năng suất lúa NTP3 cao hơn giống đối chứng (giống thiên ưu 8) tới 18 tạ/ha. Mỗi bông có trung bình từ 500-700 hạt. Ngoài ra, giống lúa này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả kinh tế tăng.

Ngô lai LVN885

Giống ngô lai LVN885 được các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu ngô (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu thành công, bản quyền được bán cho Công ty cổ phần đầu tư hạt giống Việt Nam với giá 3,8 tỷ đồng.

Giống ngô này có thời gian sinh trưởng 120 ngày, chống chịu sâu bệnh tốt, bộ rễ chân kiềng vững chắc, tỷ lệ hạt/bắp cao, lõi ngô nhỏ, màu sắc đẹp, năng suất đạt 74,7 tạ/ ha. Giống được đánh giá là có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện canh tác của các địa phương.

Thực tế sản xuất thử ở xã Hoằng Xuân (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho thấy, LVN885 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 5-10 ngày so với các giống ngô khác cùng trà đang được trồng phổ biến trên địa bàn, nhưng năng suất tương đương và cao hơn. Kết quả sản xuất thử vụ xuân cho năng suất tới 3,5 tạ/sào Trung Bộ. Giai đoạn đầu, cây sinh trưởng và phát triển bình thường. Từ giai đoạn 6-7 lá, cây phát triển khoẻ, màu sắc và chất lượng hạt không thua kém các giống ngô nhập ngoại.


Lúa lai hai dòng TH3-3

Đây là giống do PGS-TS Nguyễn Thị Trâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - chọn tạo và được Công ty TNHH Cường Tân mua bản quyền với giá 10 tỷ đồng - mức giá cao chưa từng có đối với bản quyền giống lúa tại Việt Nam.

Ưu điểm của giống này là thời gian sinh trưởng ngắn (vụ mùa 105-110 ngày, vụ xuân 115-120 ngày), thích hợp trồng nhiều vụ, phổ thích ứng rộng, chất lượng gạo cao hơn đại đa số giống lúa lai Trung Quốc đang có ở Việt Nam. Năng suất TH3-3 có thể đạt 7-8 tấn/ha. Giống lúa này thích hợp với nhiều vùng khí hậu khác nhau, chất lượng gạo thơm ngon
và kháng được nhiều loại bệnh.

Tuy năng suất không cao bằng các giống lúa lai 3 dòng nhập từ Trung Quốc nhưng TH3-3 phù hợp với túi tiền của người nông dân vì được sản xuất hoàn toàn trong nước, lại có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, thân cây cứng và không cao nên ít bị đổ do gió bão.

Hiện nay, có hàng chục tổ hợp giống lúa lai được sử dụng tại Việt Nam, nhưng rất ít trong số chúng được sản xuất hoàn toàn trong nước. Bởi vậy, việc chuyển giao thành công công nghệ sản xuất hạt lai F1 của tổ hợp lai Việt Nam TH3-3 đã mở ra triển vọng mới trong việc chủ động và đảm bảo chất lượng nguồn giống lúa trong nước.