Là người nghiên cứu sâu và có nhiều công tình nhất về Phan Bội Châu, PGS.TS Chương Thâu thường nói vui rằng, tên Chương Thâu đọc ngược lại là “Châu Thương”, nghĩa là được cụ Phan Bội Châu thương và ưu ái.

Nói như cố GS Vũ Ngọc Khánh, “có một người đã đi và đến với Phan Bội Châu, người mà không ai có thể thay thế được. Con người ấy là Chương Thâu”.

Mối lương duyên “tiền định”

Người phụ nữ hơn 80 tuổi vóc người nhỏ bé, tay mân mê lần giở từng trang sách, giọng bùi ngùi: “Tôi sống cùng ông được 4 năm. Năm tôi 8 tuổi thì ông mất. Những kỷ niệm, hồi ức về ông trong tôi khá nhạt nhòa, nhưng nhờ những cuốn sách này và nhờ tâm huyết cả một đời của ông ấy mà tôi cũng như gia đình hiểu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông” - bà Phan Thị Thanh - cháu nội nhà yêu nước Phan Bội Châu - kể.

Người mà bà Thanh nhắc tới với lòng biết ơn sâu sắc đó chính là PGS.TS Chương Thâu - người được giới chuyên môn đánh giá là nhà Phan Bội Châu học hàng đầu hiện nay.

PGS Chương Thâu hiện sống trong căn nhà 3 tầng trong con ngõ nhỏ phố Thái Thịnh giống như một thư viện nhỏ với 5 phòng sách và 27 tủ sách đồ sộ thuộc đủ chủng loại.

Nhà nghiên cứu Phạm Như Thơm - nguyên cán bộ Viện Sử học - không khỏi trầm trồ khi nói rằng “đây là một thư viện cá nhân đồ sộ nhất mà tôi từng biết và không phải nhà nghiên cứu sử nào cũng có được”. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với bất cứ ai lần đầu bước vào ngôi nhà ấy chính là bức ảnh khá to của nhà yêu nước Phan Bội Châu được treo trang trọng ở phòng khách.

Bằng giọng trầm ấm nhưng cũng đầy hào sảng của người Nghệ Tĩnh, PGS Chương Thâu kể về sự bén duyên lạ lùng với cái nghiệp mà ông theo đuổi bao nhiêu năm qua: “Hình như mỗi con người trong cuộc đời đều có cái duyên. Duyên đã ghép ‘đệ tử’ Chương Thâu với danh nhân Phan Bội Châu. Đó như là mối lương duyên tiền định vậy: Cùng quê hương, rồi sau này khi đi học, những người thầy của tôi, đặc biệt là GS Đặng Thai Mai, đã giao trách nhiệm cho tôi nghiên cứu về Phan Bội Châu. Thậm chí, nhiều người còn nói rằng, Chương Thâu là Châu Thương, rằng cụ Phan Bội Châu thương ông Chương Thâu và tôi thương cụ Phan Bội Châu. Cái vần, cái tên cứ loanh quanh vậy đó và cứ vận vào mình”.

Nhà nghiên cứu Chương Thâu là tác giả của 20 cuốn chuyên đề dày hàng chục nghìn trang về Phan Bội Châu. Ảnh: Loan Lê

60 năm làm nghiên cứu, không chỉ về Phan Bội Châu, đến nay đã ngoài 80, ông vẫn cần mẫn, miệt mài làm việc bởi vẫn còn quá nhiều dự định đang ấp ủ dẫu cho sức khỏe không cho phép. Hằng ngày, ông dành 2 giờ làm việc, thậm chí ban đêm, nghĩ ra ý gì, ông cũng bật ngay dậy để viết. “Tôi tự làm một cái bàn từ mảnh ghỗ kê tạm ngay đầu giường để có thể tranh thủ lúc nào cần là ngồi vào bàn làm việc ngay lúc đó.”

“Nơi nào có dấu chân của cụ Phan, tôi đều tìm đến”

Là tác giả của 20 cuốn chuyên đề dày hàng chục nghìn trang về cụ Phan, trong đó tiêu biểu nhất là bộ “Phan Bội Châu toàn tập” gồm 10 cuốn và 2 tập Bổ di, nhưng PGS Chương Thâu chỉ tự nhận mình là “người nhặt của rơi, của vãi” của danh nhân thế kỷ. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đó chỉ là cách nói khiêm nhường ở một nhân cách lớn.

Quá trình sưu tầm tài liệu cũng là quá trình mà PGS Chương Thâu tìm lại những dấu chân của Phan Bội Châu. Ông cố gắng đến tất cả những nơi mà Phan Bội Châu từng đặt chân đến. “Cụ Phan Bội Châu đi đến đâu, tôi đi đến đấy, đặc biệt ở Trung Quốc thì tôi cày nát những chỗ nào cụ đã qua: Quảng Châu, Hàng Châu, Hồ Nam, nơi thành lập Việt Nam Quang phục hội… Khắp đất nước, nơi nào có dấu châu của cụ Phan tôi đều đi hết”.

Ông cho biết, khi ông bắt tay vào nghiên cứu Phan Bội Châu, chưa có bất kỳ đề tài, chương trình hay dự án nghiên cứu nào về cụ Phan và ông đều phải tự túc kinh phí cho các nghiên cứu của mình. Có những lần đi sưu tầm mà túi rỗng không, vợ ông phải đem bán cả nhẫn cưới để đưa ông 200.000 đồng đi sao chụp tài liệu. Nhiều khi tìm thấy tài liệu nhưng không có tiền mua, cũng không thể xin hay mượn chụp lại, khiến ông đến giờ vẫn day dứt, ân hận, “tất cả cũng tại mình nghèo mà thôi”.

Sau lần để ‘tuột mất’ cuốn “Phật học đăng” của Phan Bội Châu, ông không cho phép mình mắc thêm sai lầm nào nữa. “Những gì của Phan Bội Châu, liên quan đến cụ Phan tôi đều vơ vét bằng hết.” Có tài liệu, ông phải “săn” suốt 10 năm mới có được.

Việc ông tự bỏ tiền túi, lặn lội sang Pháp để tìm bản chép tay bản thẩm vấn Phan Bội Châu sau khi bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải năm 1925, dày 500-600 trang, hầu như bất kỳ ai ở Viện Sử học thời đó cũng biết. Ông Phạm Như Thơm nhớ lại, năm đó PGS Chương Thâu đã 64 tuổi.

“Kế hoạch sang Pháp của tôi chỉ khoảng 3 tháng nhưng sang đến nơi, do bản thảo nằm ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại mà theo quy định của trung tâm là không được sao chụp tài liệu nên tôi đành phải chép tay mà cũng chỉ được chép 20 trang một ngày. Thế là tôi phải ở lại Pháp thêm gần 2 tháng nữa, gia đình phải gửi tiền trợ cấp sang. Cũng may sau này tôi nhờ được một nghiên cứu sinh giúp đỡ chép nốt” - PGS Chương Thâu hồi tưởng.

Với ông, làm tư liệu không hề đơn giản. “Có người xem đó không phải là công việc trí tuệ, không mang tính nghiên cứu nhưng thực ra để có 300 trang tài liệu xuất bản, người làm phải khảo sát, xử lý số tài liệu nhiều gấp 10 lần”.

Cũng chính vì thế mà nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cố GS Vũ Ngọc Khánh từng viết trong lời tựa cho một cuốn sách của PGS Chương Thâu: “Có một người đã đi và đến với Phan Bội Châu, người mà không ai có thể thay thế được. Con người ấy là Chương Thâu. Đến nay trong việc nghiên cứu lịch sử hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu, tư tưởng, văn chương của Phan Bội Châu, anh đã tự nhân tạo nên một khu vực riêng, đã được cảm tình của giới nghiên cứu”.

Không chỉ được cảm tình của giới nghiên cứu, với sự tâm huyết, tận tâm của mình, “PGS Chương Thâu từ bao giờ đã trở thành một thành viên trong gia đình chúng tôi rồi” - bà Phan Thị Thanh nói.

PGS.TS Chương Thâu sinh năm 1934 tại Hà Tĩnh. Ông có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến các vấn đề lịch sử cận, hiện đại như: “Đông Kinh nghĩa thục”, “Thơ văn yêu nước và cách mạng: Đầu thế kỷ XX (1900-1930)”… nhưng xuyên suốt và chiếm trọn niềm đam mê và tâm huyết của ông chính là những nghiên cứu về Phan Bội Châu.

Bên cạnh bộ sách “Phan Bội Châu toàn tập” (10 tập và 2 tập Bổ di), ông còn nhiều công trình nghiên cứu khác về Phan Bội Châu như: “Nghiên cứu về Phan Bội Châu”, “Phong trào Đông du và Phan Bội Châu”, “Phan Bội Châu - nhà yêu nước - nhà văn hóa lớn”, “Phan Bội Châu và một số vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị”…