Sapiens - Lược sử về loài người của tác giả Yuval Noah Harari là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Israel và trên thế giới. Điều gì đã khiến cuốn sách thu hút độc giả. Cùng nghe PGS - TS Đinh Ngọc Bảo -nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - giải thích.
Giải thích cho sự cuốn hút kỳ lạ của cuốn Sapiens - Lược sử loài người, PGS -TS Đinh Ngọc Bảo cho rằng: "Cuốn sách này hấp dẫn ở chỗ nó có rất nhiều quan điểm, cách trình bày của tác giả hơi khác với nhận thức mà lâu nay người Việt vẫn quan điểm hay vẫn giảng dạy trong trường đại học. Ví dụ, khi nói về sử thế giới, không thể không nói tới sự phân kỳ. Hiện nay có rất nhiều cách phân kỳ sử thế giới: như phân kỳ lịch sử của Alvin Toffler, phân kỳ lịch sử theo hình thái xã hội. Nhưng trong cuốn sách này, tác giả phân kỳ làm những giai đoạn như Cách mạng nhận thức, cách mạng nông nghiệp, cách mạng khoa học. Cách phân chia này khá giống với của Toffler, tuy nhiên cuộc cách mạng khoa học của Harari rộng hơn và không phải làn sóng văn minh như Toffler quan điểm".
PGS -TS Đinh Ngọc Bảo trong buổi ra mắt cuốn sách Sapiens - Lược sử về loài người.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, tác giả không trình bày theo tuần tự mà trình bày đan xen giữa kiến thức lịch sử, sinh học, địa lý… và vì thế nó không giống bất kỳ cuốn lịch sử thế giới nào từng được viết từ xưa tới nay.
"Cuốn Sapiens thể hiện được quan điểm về mối quan hệ giữa lịch sử và sinh học của tác giả Harari, giữa con người Sapiens với tư cách một loài trong thế giới và con người xã hội, con người văn hóa và từ đó tác giả đưa ra lý giải quan điểm riêng của mình. Rất khác với quan điểm của chúng ta" - ông Bảo nói.
Ngoài ra cuốn sách còn thể hiện một quan niệm khác với nhiều nhà nghiên cứu khác trên thế giới: đó là cách nhìn nhận của tác giả về tác động của các cuộc cách mạng trên thế giới.
Ông đặt ra vấn đề: Liệu con người ngày nay có hạnh phúc hơn con người cổ đại hay không. Ông khẳng định không và thậm chí còn cho là trừ cách mạng nhận thức- 1 bước nhảy vọt để con người tách mình khỏi các loài – còn lại các cuộc cách mạng khác đều chưa chắc khiến con người hạnh phúc.
Khi con người vừa thoát thai khỏi thế giới động vật thành Sapiens, đời sống của họ là đời sống của nền kinh tế hái lượm, sau đó mới biết trồng trọt, chăn nuôi. Ông cho rằng quá trình chuyển từ nền kinh tế hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi là cái bẫy vì chưa biết ai đã nhàn hạ, hạnh phúc hơn ai.
"Trong thời kỳ hái lượm, người ta chỉ đi săn một tuần 2 buổi, hái lượm vài tiếng/ngày. Thời gian còn lại thì nghỉ ngơi, nhảy múa. Trong khi đó, con người hiện tại phải làm việc từ 40-80 tiếng/tuần. Vậy ai sướng/nhàn hơn ai?"- PGS -TS Bảo lấy ví dụ.
Hiền Thảo