Bỏ Sài Gòn lên Đà Lạt “ở ẩn”, làm “cô nông dân ngày ngày trồng hoa, thưởng trà”. Nhẩn nha trồng, tỷ mẩn chăm sóc, không quan tâm tới năng suất hay lợi nhuận. Quy trình làm vườn hữu cơ sau khi thử nghiệm thành công sẽ chuyển giao miễn phí cho người dân địa phương…

Câu chuyện về phong cách sống của Nguyễn Tường Miên còn lôi cuốn hơn cả việc loài hoa lavender đỏng đảnh đã được chị thuần hóa như thế nào.

Khu vườn nhen lên từ một giấc mơ

Khu vườn 4.000m2 được Nguyễn Tường Miên đặt tên là Tùng Hạ - có nghĩa là Nơi ở ẩn - nằm bên cạnh đèo Tà Nùng, cách thành phố Đà Lạt khoảng 7 km. Miên quê Sài Gòn nhưng chọn Đà Lạt để thực hiện ước mơ của mình về một khu vườn với những loài hoa thơm ngát sinh trưởng và nở hoa tự nhiên.

“Tôi luôn xem cây cối giống như con người và biết rằng nó cũng có cảm nhận khi được yêu thương, chăm sóc” - Miên nói như vậy về khu vườn, nơi chị dành phần lớn diện tích trồng hai loài oải hương là Lavandula và Spanish.

Mỗi sáng, người con gái 37 tuổi thức dậy trong mùi thơm của các loài thảo mộc, đun nước, pha trà rồi đi làm vườn, như giấc mơ được nhen lên từ 17 năm trước.

Hồi đó, chị được người bác là tiến sỹ toán học kể cho nghe về những khu vườn thảo dược và cây gia vị organic ở Pháp và Thụy Sỹ. Việc bác mua khu vườn Tùng Hạ và kiên trì trồng lavender hay rosemary nhưng không thành công khiến Miên nghĩ rằng mình phải làm gì đó.

Nguyễn Tường Miên - cô chủ ân cần của khu vườn Tùng Hạ. Ảnh: Mí Nguyễn

Vậy là khi vào đại học, Miên chọn học ngành công nghệ sinh học và xin đi thực tập tại Đà Lạt. Những ngày lang thang quanh các khu vườn để tìm hiểu về thảo dược và tiến hành nhân giống nuôi cấy mô ở tế bào thực vật hay nhân giống vô tính đã giúp Miên càng có thêm niềm tin rằng “đây thật sự là công việc mình thích”. Nhưng thích làm và làm được hay không lại là hai việc khác nhau. Loài cây lavender mà Miên đem lòng yêu mến xuất
xứ từ Địa Trung Hải nên khá “đỏng đảnh” khi trồng ở Việt Nam.

“Ban đầu tôi rất chật vật. Những cây giống được mang về từ Mỹ, Pháp dễ bị bệnh do chưa quen môi trường mới. Lơ ngơ không biết, tôi dùng thuốc hóa học để phun. Cây khỏi bệnh nhưng yếu và hoa xấu và không thơm” - Miên nói.

Có những khi cây bị thối rễ hoặc chết vì mưa nhiều, Miên cũng nản lòng và muốn bỏ giữa chừng. Nhưng lý do khiến chị tiếp tục chỉ đơn giản là vì “nhìn những cái cây cứ thấy tội tội”.

May mắn, đến cuối năm 2016, bạn thân của Miên là Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam đã phân lập thành công chủng Tricorderma mới có tác dụng tốt hơn các chủng cũ trước đó và Miên đã sử dụng loại phân hữu cơ này cho vườn oải hương của mình. Nhờ vậy, hoa oải hương ra thơm hơn, màu tím hơn và có thể để lâu hơn. Hoa tươi có thể cắm được 10 ngày còn hoa khô để được hơn 10 tháng.


Người làm vườn ân cần

Nguyễn Tường Miên bình lặng sống trong căn nhà nhỏ giữa khu vườn và lên kế hoạch chi tiết cho những bước đi của mình. Như là đầu năm nay, chị sẽ tới Mỹ để học cách trồng lavender nói riêng và các cây thảo mộc một cách bài bản hơn. Bên cạnh đó, quy trình trồng và chăm sóc lavender theo phương pháp hữu cơ cũng được chị hoàn thiện dần để chuyển giao cho bà con nông dân ở Đà Lạt.

Miên bảo, lavender tuy đỏng đảnh nhưng đang được thuần hóa dần. Nhẩn nha trồng, tỷ mẩn chăm sóc, dành nhiều thời gian và công sức cho khu vườn nhưng Tường Miên lại không hề quan tâm tới lợi nhuận hay năng suất. Thứ duy nhất chị quan tâm là “cây cho bông đẹp, thơm và tinh dầu tốt”. Vì thế, chị không ép cây ra hoa bao giờ.

Ở Tùng Hạ, ngoài lavender, Miên còn trồng thêm các cây thảo dược khác như sả, bạc hà, hương thảo rồi tự tay chiết xuất tinh dầu từ đó. Sản phẩm của Miên được nhiều người ưa chuộng nhưng cô gái này vẫn chậm rãi làm. “Tiền thu được từ bán hoa tươi và tinh dầu, tôi dùng để tái đầu tư, trả lương cho công nhân và thực hiện các chương trình giúp trẻ em nghèo” - Miên kể.

Giữa vườn hoa thơm ngát ở Tà Nung, Tường Miên đầu đội nón, chân mang ủng cùng 5 chú mèo, đi tới từng khóm cây thăm nom. Xa xa, có vài người công nhân cũng đang làm những công việc tương tự. Họ làm việc chăm chú, ân cần.

Trong tương lai, khi hoàn thiện quy trình trồng lavender theo hướng hữu cơ, Miên sẽ chuyển giao kỹ thuật lại cho bà con và cùng bạn bè thành lập Trung tâm Ứng dụng thảo dược Việt Nam thuộc Viện Công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam. Miên tin rằng, hướng đi này của mình có thể góp sức trong việc thuần hóa lavender ở Việt Nam và cung cấp thêm nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng, nhất là trẻ em.