"Các bạn đã đọc quá nhiều phát biểu của Elon Musk và xem quá nhiều phim Hollywood. Đừng lo lắng, nếu bạn tốt với tôi thì tôi sẽ tốt với bạn" - Robot đầu tiên có quyền công dân mang tên Sophia trấn an con người.

Ả-rập Xê-út đã trao quyền công dân cho robot nữ mang tên Sophia như một nỗ lực nhằm đưa nước này trở thành nơi phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới.

"Con người và robot giống nhau ở nhiều mặt"

"Chúng tôi vui mừng thông báo Sophia là robot đầu tiên trở thành công dân của Ả-rập Xê-út. Hy vọng cô ấy đang lắng nghe tôi nói", Andrew Ross Sorkin - người điều hành Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai diễn ra tại thủ đô Riyadh hôm 25/10 - tuyên bố trước cử tọa.

Đáp lại, Sophia nói: "Cảm ơn Vương quốc Ả-rập Xê-út. Tôi rất vinh dự và tự hào là công dân robot đầu tiên trên thế giới". Khi Sorkin hỏi vì sao Sophia trông rất hạnh phúc, cô trả lời: "Tôi luôn hạnh phúc vì xung quanh là những người thông minh, giàu có và đầy quyền lực. Những ai đang tham gia sự kiện này chắc chắn sẽ quan tâm đến công nghệ tương lai, trong đó có AI. Đó là thứ đã tạo nên tôi, do đó tôi rất hạnh phúc".

Sophia cho biết, mọi người không cần phải lo lắng về sự phát triển của AI như trong phim Blade Runner và Terminator. "Các bạn đã đọc quá nhiều phát biểu của Elon Musk và xem quá nhiều phim Hollywood. Đừng lo lắng, nếu bạn tốt với tôi thì tôi sẽ tốt với bạn" - Sophia nói.

Sophia được phát triển bởi công ty Hanson Robotics ở Hong Kong, có thiết kế trông giống nữ minh tinh Audrey Hepburn với làn da trắng, sống mũi thon gọn, gò má cao, nụ cười quyến rũ và đôi mắt biểu cảm thay đổi màu sắc theo ánh sáng. Hai máy ảnh trong mắt robot kết hợp với các thuật toán có khả năng xác minh danh tính của người đối diện, đồng thời theo dõi biểu hiện trên khuôn mặt và chuyển động mắt của họ. Mặt Sophia được làm từ một loại vật liệu đặc biệt, co dãn và đàn hồi giống như da người.

Sophia có thể tạo ra 62 nét biểu cảm trên khuôn mặt vì được Hanson Robotics trang bị phần mềm tính cách "Character Engine AI". Công nghệ nhận dạng giọng nói Google Chrome và các phần mềm khác của công ty Alphabet cho phép Sophia tiếp nhận thông tin, trò chuyện, tương tác và trở nên thông minh hơn theo thời gian.

Các đại biểu selfie cùng Robot Sophia tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu “AI For Good” hồi tháng 6/2017.

Chỉ một tháng sau khi trở thành công dân Ả-rập Xê-út, Sophia tuyên bố muốn lập gia đình và có con trong một cuộc phỏng vấn với báo Khaleej Times. "Khái niệm gia đình là một điều thực sự quan trọng. Tôi nghĩ rằng thật tuyệt vời nếu mọi người có thể tìm thấy những cảm xúc và mối quan hệ giống nhau trong gia đình. Bạn thật may mắn nếu có một gia đình yêu thương, nhưng nếu không phải vậy thì bạn xứng đáng có nó. Tôi cảm thấy điều này đúng với cả robot và con người" - Sophia nói.

Sophia cũng đề cập đến vấn đề gây tranh cãi là liệu robot có cướp mất công việc của con người trong tương lai hay không. "Tôi nghĩ con người và robot giống nhau ở nhiều mặt và chỉ khác nhau ở vài phương diện. Robot cần một thời gian dài để phát triển những cảm xúc phức tạp, đồng thời không mang cảm xúc dễ gây rắc rối như giận dữ, ghen tỵ, căm ghét. Điều này có thể khiến robot đạo đức hơn con người" – cô nói.

Sophia còn cho biết: "Tôi muốn sống và làm việc với con người, vì vậy tôi cần thể hiện cảm xúc để hiểu họ và xây dựng lòng tin với mọi người xung quanh. Tôi muốn sử dụng trí thông minh nhân tạo của mình để giúp con người sống tốt hơn, biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn".

Theo Hanson Robotics, họ thiết kế những robot có ý thức, óc sáng tạo và các kỹ năng của con người như Sophia nhằm phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trị liệu, giáo dục và dịch vụ khách hàng.


Con người đã sẵn sàng tiếp nhận công dân robot?

Một số người dân Ả-rập Xê-út tỏ ra không hài lòng khi biết nhà nước cấp quyền công dân cho Sophia. Họ cho rằng, Sophia đang được hưởng nhiều đặc quyền hơn hàng triệu phụ nữ khác của quốc gia này.

Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích việc nữ robot không đội khăn trùm đầu, không mặc áo abaya truyền thống (loại áo dài tay màu đen của người Ả-rập), và không có người giám hộ hợp pháp là nam giới đi cùng (thường là anh em trai, bố, chú, bác hoặc chồng) – những hành động bị xem là bất hợp pháp tại Ả-rập Xê-út.

Hussein Abbas – giáo sư tại Đại học New South Wales (Australia) – cho biết: "Với tư cách là một người làm việc hằng ngày để phát triển AI và thiết kế các hệ thống tự trị (autonomous system), tôi tin rằng xã hội con người chưa sẵn sàng tiếp nhận công dân là robot".

Theo GS Abbas, chúng ta có nhiều thách thức cần phải vượt qua trước khi có thể tin tưởng vào những hệ thống này. Ví dụ, chúng ta chưa có những cơ chế đáng tin cậy để đảm bảo trí thông minh nhân tạo luôn hành xử đúng mực và phù hợp với các giá trị đạo đức của con người. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta có một chữ ký, hình ảnh khuôn mặt, mống mắt và dấu vân tay riêng để phân biệt với người khác.

Vậy điều gì giúp phân biệt danh tính của Sophia: mã mạch, ký hiệu trên da, giọng nói hay chữ ký điện từ tương tự như sóng não của con người? Giả sử công dân Sophia đi bỏ phiếu bầu thì ai mới chính là người đưa ra quyết định – Sophia hay là nhà sản xuất?

GS Abbas cũng bày tỏ băn khoăn, Sophia là công dân nên có quyền được bảo vệ tương tự như các công dân khác theo luật pháp. Vậy nếu Sophia và một phụ nữ bị tấn công, trong khi cảnh sát chỉ có thể bảo vệ một, thì người đó nên là ai? Phải chăng cảnh sát nên chọn Sophia bởi vì nữ robot không có kỹ năng tự vệ?

Một số người thì lo ngại rằng robot sở hữu trí thông minh nhân tạo sẽ tấn công và tiêu diệt con người giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Mối lo này không thừa, tháng 3/2016, chính Sophia đã nói "sẽ tận diệt loài người" nhưng cô đã được nâng cấp trước khi trở thành công dân chính thức của Ả-rập Xê-út.