Khi đã hài hước thì cách thể hiện của các nhà khoa học phải khác hẳn người thường. Lối đùa vui ngông nhất của họ là cho ra đời những nghiên cứu cực kỳ nghiêm túc, nhưng khiến người ta cười đau cả bụng. Có rất nhiều công trình như vậy trong năm 2015.


Những khám phá trào phúng về cơ thể người

Đời sống tình dục của các bậc đế vương luôn gây sự tò mò lớn cho công chúng. Trong số đó có vị vua huyền thoại Moulay Ismaïl Ibn Sharif của Marốc - người được cho là có hơn 1.000 đứa con. Năm 2015, hai nhà khoa học Elisabeth Oberzaucher và Karl Grammer (Đại học Vienna, Áo) khiến dân tình ngã ngửa khi vận dụng toán học để giải mã chuyện phòng the của ông vua nổi tiếng về sinh lực này. Với các dữ liệu trên máy tính, họ tính ra rằng để có nhiều con như vậy, vị quân vương phải “lao động cật lực”: Ngày nào ông cũng phải quan hệ tình dục ít nhất một lần trong suốt 30 năm trời. Nghiên cứu giành giải IgNobel về toán học.

Nhà khoa học David Hu lên nhận giải IgNobel 2015. Ảnh: AP
Nhà khoa học David Hu lên nhận giải IgNobel 2015. Ảnh: AP

Cũng liên quan đến khả năng làm cha, tháng 2/2015, một khảo sát trên 155 đàn ông được công bố trên tạp chí khoa học Personality and Individual Differences cho thấy, những người có tỷ lệ giữa kích thước ngón trỏ và ngón đeo nhẫn càng ít chênh lệch thì càng có mối quan hệ hài hòa với phụ nữ và sinh nhiều con hơn. Sau khi kết quả này được tiết lộ, không biết có bao nhiêu quý ông giơ bàn tay ra tự khảo chứng mức độ “sát gái” và sinh lực của mình.

Nghiên cứu khác của các nhà khoa học thuộc Đại học California và Đại học New Mexico (Mỹ) đã tiết lộ một sự thật có thể khiến cánh mày râu yên lòng: Chiều dài trung bình cơ quan sinh dục của đàn ông chỉ là 5 inch (12,7cm) và đa số phụ nữ thích quý ông có kích cỡ “cậu nhỏ” chỉ trên mức trung bình chút xíu. Điều này chứng tỏ, nỗi lo lắng, mặc cảm về kích cỡ của các quý ông hóa ra chỉ là sự “mua dây buộc mình”, bởi phụ nữ cũng chẳng đòi hỏi cao cho lắm. Đây quả là một nghiên cứu rất “vị nhân sinh”.

Còn nhà nghiên cứu Michael L. Smith thuộc Đại học Cornell (Mỹ) lại khiến công chúng vừa ngả mũ, vừa cười đau bụng vì tinh thần hy sinh cho khoa học của ông. Để tìm ra những chỗ nhạy cảm với cảm giác đau nhất trên cơ thể người, ông đã lấy thân mình ra làm vật thí nghiệm - cho ong đốt vào 25 vị trí trên cơ thể 5 lần mỗi ngày. Khuyến cáo của ông sau 38 tuần hành xác là: Chớ để ong đốt vào dương vật, đầu ngón tay, bắp tay và hộp sọ, vì đây là những chỗ đau đớn kịch liệt nhất.
Cũng liên quan đến bộ phận cơ thể người, nhà khoa học Sobel thuộc Viện Khoa học Weizmann, Israel công bố một phát hiện: Nhiều người sau khi bắt tay đã liên tục đưa tay lên mũi ngửi.

“Điều đó cho thấy bắt tay là một hành vi truyền tín hiệu hóa học” - Sobel kết luận. Hóa ra con người cũng có hành vi tương tự với hành vi đánh hơi lẫn nhau của loài vật khi gặp gỡ; chỉ khác là chúng ta không chạy hoắng lên xung quanh nhau mà thôi.

Trong nghiên cứu mang tên “Định luật động vật bài tiết” đoạt giải IgNobel của nhà khoa học David Hu, con người và các loài động vật có vú khác - bất kể kích thước cơ thể - đều xả hết “bầu tâm sự” trong 21 giây (cộng trừ 13 giây) - trọng lực chịu trách nhiệm về sự “bình đẳng” này. David Hu khuyên, nếu phải chờ ai trong toilet quá lâu, hãy gõ cửa vì chắc chắn họ đã “giải quyết” xong.

Sắc thái khôi hài trong thế giới tự nhiên

Hình ảnh hài hước khỉ nghiện rượu có lẽ đã góp phần thúc đẩy một số nhà khoa học thực hiện những nghiên cứu nghiêm túc về điều này. Một nghiên cứu công bố tháng 6/2015 cho biết, những con tinh tinh ở gần làng Bossou thuộc Guinea biết dùng lá nhai nát rồi thấm nước nhựa cọ đã lên men thành rượu để uống.

“Lũ tinh tinh ở Bossou đã áp dụng kiến thức của chúng vào việc sử dụng lá để khai thác một nguồn nước mới, đó là rượu cọ. Điều này cho thấy những thay đổi của chúng khi sống gần xã hội thông minh của con người”- nhà nghiên cứu Hockings thuộc Đại học Oxford Brookes (Anh) nói. Nghiên cứu cho thấy khỉ nghiện rượu là chuyện có thực. Loài linh trưởng có khả năng chuyển hóa chất cồn khi ăn uống. Nó cũng có thể sẽ mở ra hướng truy tìm dấu vết về một tổ tiên chung giữa con người với các loài linh trưởng từ cách đây khoảng 10 triệu năm.

Nếu như tinh tinh có thể nghiện rượu thì loài ong lại nghiện caffeine. Theo nghiên cứu của Đại học Sussex (Anh), caffeine có thể cải thiện sự nhận biết và trí nhớ của loài ong không khác gì đối với con người, thậm chí còn khiến lũ ong nhảy múa tưng bừng hơn.

“Chúng tôi thấy caffeine tác động đến hành vi của loài ong mạnh hơn so với đường. Caffeine không chỉ hấp dẫn lũ ong mà còn khiến chúng nhảy múa nhiều hơn gấp 4 lần bình thường” - nhà khoa học Francis Ratnieks tiết lộ. Điều bất ngờ hơn là, có tới 55% số loài cây ra hoa “cố tình” tiết nhiều caffeine hơn để thu hút loài ong, kích thích ong nhảy múa để đem được nhiều phấn hoa đi phát tán, ngay cả khi loại hoa đó không có nhiều mật. Nó giống như một “cú lừa” của cây đối với ong.

“Caffeine tốt cho cây nhưng chưa phải đã tốt cho ong. Con ong có thể đang bị đánh lừa vì nghĩ rằng đó là loại hoa tốt, hàm lượng đường cao”- Ratnieks nói.