Ngày càng có nhiều bằng chứng về khả năng virus SARS-CoV-2, nguồn gốc phát sinh của đại dịch COVID-19, xuất phát từ dơi. Tuy vẫn cần nhiều chứng cứ thuyết phục hơn nhưng hiện tại, các nhà khoa học ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã có trong tay nhiều manh mối quan trọng.

Tiến thêm một bước truy ngược nguồn gốc

Một công trình ở dạng tiền ấn phẩm “Coronaviruses with a SARS-CoV-2-like receptor-binding domain allowing ACE2-mediated entry into human cells isolated from bats of Indochinese peninsula” của các nhà khoa học Viện Pasteur Paris và các cộng sự Lào đã cung cấp thêm bằng chứng quan trọng về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Trong quá trình nghiên cứu, họ đã đi thực địa tại các hang động ở miền Bắc Lào, nơi loài dơi lá mũi (Rhinolophus) trú ngụ, lấy mẫu nước tiểu, phân và nước bọt từ 645 con dơi. Từ ba loài dơi lá mũi, họ tìm thấy những virus có trình tự gene giống SARS-CoV-2 tới 95% và các virus này chứa các miền liên kết thụ thể gần giống hệt như ở virus SARS-CoV-2 và do đó có thể lây nhiễm lên tế bào người (miền liên kết thụ thể của SARS-CoV-2 là ACE2 cho phép nó nhảy lên bề mặt tế bào người).

Các nhà nghiên cứu lấy mẫu dơi. Nguồn: news.cgtn.com, scmp.com
Các nhà nghiên cứu lấy mẫu dơi. Nguồn: news.cgtn.com, scmp.com

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ thì dơi mới được các nhà khoa học đặt vào vòng nghi vấn. Trước công trình này, dơi đã là ứng cử viên số một cho nguồn gốc đại dịch, bên cạnh một số loài vật bị nghi ngờ như cầy hương, thậm chí là tê tê… Dơi là những ổ bệnh tự nhiên cho nhiều loại virus có khả năng nhảy từ vật sang người như loài corona virus gây bệnh đường hô hấp cấp (SARS-CoV), coronavirus gây bệnh cúm Trung Đông (MERS-CoV) và các virus gây bệnh Nipah, Hendra, Ebola… Thậm chí, người ta đã tìm thấy trên loài dơi này tới 47 loài virus corona và độ đa dạng di truyền của các loài virus trên dơi rất cao.

Vì vậy, khi căn bệnh gây viêm đường hô hấp cấp bắt đầu bùng nổ ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt dấu hỏi về dơi. “So sánh với kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của các nhà nghiên cứu Thượng Hải, Trung Quốc, người ta thấy nó tương đồng khoảng 79,6% so với chủng virus SARS-CoV gây đại dịch SARS và tương đồng gần 96% so với toàn bộ hệ gene của một chủng virus corona phát hiện ở dơi lá mũi”, PGS. TS Vũ Đình Thống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), một người có hơn 20 năm nghiên cứu về dơi, trả lời KH&PT vào tháng 3/2020.


Sự tương đồng về trình tự hệ gene giữa SARS-CoV-2 và corona virus gợi mở: dơi có thể là ổ bệnh tự nhiên của SARS-CoV-2. Tuy còn chưa rõ ràng vật chủ trung gian bắc cầu cho virus nhảy từ dơi sang người nhưng đây cũng là gợi ý để các nhà nghiên cứu khám phá về loài dơi tại một số địa điểm phân bố loài dơi lá mũi ở miền Nam Trung Quốc và một số quốc gia xung quanh, đặc biệt là Đông Nam Á bởi độ đa dạng sinh học ở khu vực này có nhiều liên quan đến các loài virus.


Từ tháng 5/2019 và tháng 11/2020, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Australia đã tới Mengla, Vân Nam, Trung Quốc thu thập 411 mẫu nước tiểu, nước bọt và phân dơi trong một khu rừng nhiệt đới, qua đó giài trình tự được 24 hệ gene corona virus và phân lập được bốn virus có sự tương quan cao với SARS-CoV-2 và ba virus liên quan tới bệnh SARS. Trong bài báo “Identification of novel bat coronaviruses sheds light on the evolutionary origins of SARS-CoV-2 and related viruses” xuất bản trên tạp chí Cell mới đây, các tác giả nhận xét “virus phân lập từ loài dơi lá mũi Rhinolophus pusillus có độ gần gũi nhất với SARS-CoV-2 trong toàn bộ hệ gene, dẫu nó có một gene protein gai đột biến nhiều hơn. Ba virus corona khác có nhiều điểm liên quan đến SARS-CoV-2 có khoảng cách gần về mặt di truyền với gene protein gai, có thể có liên kết yếu với thụ thể hACE2 trong phòng thí nghiệm. Mô hình sinh học dự đoán sự đồng tồn tại của loài dơi lá mũi Rhinolophus pusillus với 23 loài khác thuộc họ dơi lá mũi Rhinolophus phân bố từ Nam Lào, Việt Nam đến Trung Quốc”.

Tại Việt Nam, TS. Vương Tấn Tú (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã cùng các nhà khoa học Pháp phân tích các dữ liệu hệ gene dơi lá mũi sống tại 62 địa điểm ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, vốn được thu thập trong nhiều năm và sẵn có trong các cơ sở dữ liệu. Trong bài báo “Inferring the ecological niche of bat viruses closely related to SARS-CoV-2 using phylogeographic analyses of Rhinolophus species”, xuất bản trên tạp chí Scientific Report, họ cho biết đã xác định bốn loài dơi lá mũi là ổ chứa virus có liên quan chặt chẽ với SARS-CoV-2. Việc tìm hiểu các mô hình đa dạng di truyền giữa các quần thể dơi ở Đông Nam Á và Trung Quốc cho thấy, vùng sinh thái của virus có trên dơi liên quan đến SARS-CoV-2 bao gồm một số khu vực của Đông Nam Á và Trung Quốc. Ở các vùng chuyển tiếp khí hậu giữa hai vùng sinh thái (vùng Nam Vân Nam, Bắc Lào, Bắc Việt Nam), sự tái tổ hợp hệ gene giữa các virus dường như rất dễ xảy ra, các tác giả nhận xét.

Trong mối hợp tác nghiên cứu liên quốc gia, TS. Vương Tấn Tú còn cùng với các nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Pháp, Pasteur Paris và Pasteur Campuchia. Với câu hỏi về sự liên quan của virus corona có trên dơi ở Campuchia với virus SARS-CoV-2, họ đã lần giở các mẫu dơi đã được thu thập tại Campuchia từ năm 2010, trong khuôn khổ một dự án về đa dạng sinh học do UNESCO tài trợ, và phát hiện ra mối liên quan ở hai mẫu dơi Rhinolophus shameli: các virus corona trên các mẫu này trùng hợp về nucleotide với SARS-CoV-2 tới 92.6%. Trong bài báo “A novel SARS-CoV-2 related coronavirus in bats from Cambodia”, mới ở dạng tiền ấn phẩm trên Biorxiv, họ viết, việc phát hiện ra các virus ở một loài dơi không phân bố ở Trung Quốc cho thấy virus có liên quan với SARS-CoV-2 có một phân bố về địa lý rộng hơn nhiều so với hiểu biết trước đây. Nó cũng cho thấy, Đông Nam Á là một vùng quan trọng để tìm hiểu về nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Tin vào nguồn gốc tự nhiên?

Một phần trong số những kết quả nghiên cứu về dơi tại Đông Nam Á có được trong thời gian qua là kết quả từ chương trình tài trợ của USAID trị giá 3 triệu USD trong vòng sáu tháng để tìm kiếm bằng chứng về SARS-CoV-2 trong các mẫu động vật – chủ yếu là dơi, tê tê và những loài vật khác – vốn đang được lưu trữ tại nhiều phòng thí nghiệm ở Lào, Malaysia, Nepal, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tập hợp các kết quả nghiên cứu trong một bản báo cáo đầy đủ và công bố rộng rãi với mọi người.

Tuy chưa tới thời điểm đó nhưng các nhà khoa học trên thế giới đã đánh giá cao các kết quả đó. David Robertson, một nhà vi trùng học ở trường Đại học Glasgow, Anh, đánh giá phát hiện tại Lào là vô cùng “thu hút và hoàn toàn xuất sắc” còn Aaron Irving, một nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Triết Giang, Trung Quốc, cho rằng kết quả này có thể dẫn đến gợi ý là có những virus liên quan đến SARS-CoV-2 còn chưa được khám phá có thể đang nằm trong các tủ bảo quản ở nhiều phòng thí nghiệm.

Các kết quả về virus corona liên quan đến SARS-CoV-2 tìm thấy bên ngoài Trung Quốc đem lại bằng chứng cho thấy nguồn gốc của SARS-CoV-2 có thể từ dơi lá mũi (hay còn gọi là dơi móng ngựa) nhưng việc làm thế nào để những con virus này nhảy từ dơi sang người thông qua một vật chủ trung gian vẫn còn là điều bí ẩn. TS. Veasna Dương, nhà vi trùng học tại Viện Pasteur Campuchia, người tham gia vào nghiên cứu ở Campuchia, cho biết, nếu con virus này liên quan một cách mật thiết – hoặc thậm chí là tổ tiên – của virus gây đại dịch thì nó có thể cung cấp thông tin quan trọng để làm sáng tỏ điều bí ẩn này. Còn nếu trong trường hợp nó không hẳn như vậy thì nghiên cứu này cũng giúp các nhà khoa học học hỏi thêm nhiều về đa dạng sinh học của họ virus này, Etienne Simon-Loriere, một nhà vi trùng học tại Viện Pasteur Paris phụ trách phần giải trình tự gene virus phân lập từ mẫu dơi ở Campuchia, nói.

Tuy nhiên những gì chúng ta biết về các loài virus corona liên quan đến SARS-CoV-2, cũng chưa nhiều lắm, ví dụ có rất nhiều virus corona khác được tìm thấy ở các loài thuộc họ dơi lá mũi Rhinolophus, tê tê giữa những năm 2015 và 2019, và giờ các nhà khoa học mới biết là chúng có nhiều điểm gần gũi với SARS-CoV-2. “SARS-CoV-2 có thể không phải là một loài virus hoàn toàn mới. Các virus trong nhóm này đã tồn tại từ trước khi chúng ta nhận biết về chúng trước năm 2019”, Tracey Goldstein, Phó giám đốc Viện Một sức khỏe của trường Đại học California ở Davis, người cùng tham gia vào nhóm nghiên cứu ở Campuchia, nói.

Tuy nhiên, từ những bằng chứng này, các nhà khoa học vẫn chưa có thể kết luận một cách chính xác là nguồn gốc của đại dịch xuất phát từ virus corona trên dơi lá mũi. Thật khó để xác định chỉ dựa vào một mảnh ghép nhỏ trong 30.000 cặp base từ toàn bộ hệ gene của các loài virus corona đã biết, Vibol Hul, nhà vi trùng học tại Viện Pasteur Campuchia, người tham gia vào nhóm nghiên cứu lấy mẫu dơi móng ngựa tại một cửa hang vào năm 2010, nhận xét trên Nature.

Song song với các nhóm nghiên cứu tìm kiếm các virus corona trong tự nhiên hoặc trong các mẫu đông lạnh được lưu trữ tại các phòng thí nghiệm, ở một số phòng thí nghiệm có độ an toàn sinh học cấp ba với những quy chuẩn phức tạp và an toàn cao, nhiều nhà khoa học đã thử nghiệm năng lực của những virus corona mới nhảy lên tế bào người được nuôi cấy trên chuột. Các thử nghiệm này sử dụng các virus lai được tạo ra bằng một chủng giống SARS đã biết trước đây và “đính” thêm một protein gai từ virus mới để quan sát xem nó nhảy như thế nào vào các tế bào.

“Đây là một nghiên cứu vi trùng đúng tiêu chuẩn và nó sẽ góp phần giải quyết một câu hỏi thực sự quan trọng: các virus tiềm năng có thể xuất hiện khi một mối đe dọa với con người là gì và nơi nào có thể tìm ra chúng”, Kristian Andersen, nhà vi trùng học ở Viện nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, nói với National Geographic. Với ông, thông tin thu được không chỉ dấu SARS-CoV-2 đã được chỉnh sửa ở Viện Vi trùng Vũ Hán.

Nhiều nhà khoa học khác cũng tin là SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ tự nhiên. Tuy nhiên, để thuyết phục được tất cả mọi người một cách thuyết phục, vẫn cần nhiều bằng chứng khoa học hơn bởi hiện tại, vẫn có nhiều người vẫn còn nghi ngờ về khả năng con virus này thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. “Nếu truy ngược lịch sử thì chúng ta có thể có nhiều nghiên cứu để sổng virus”, TS Jesse Bloom, Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, trả lời National Geographic. “Chúng ta vẫn còn chưa biết rõ những gì đã xảy ra vì chúng ta không thể kiểm soát được tất cả mọi thứ”.