Tại đây, các nhà khoa học đã tìm thấy ba loại virus ở dơi giống với SARS-CoV-2 hơn bất kỳ loại virus nào đã biết, củng cố thêm giả thuyết SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên.

Các kết quả, đang ở dạng bản thảo, được đăng trên máy chủ Research Square. Điều đặc biệt đáng quan tâm là các virus mới chứa các miền liên kết thụ thể (bộ phận của virus để bám vào tế bào người) gần giống với các miền của SARS-CoV-2, và do đó có thể lây nhiễm sang người.

Những con dơi Rhinolophus trong một hang động ở Thái Lan.

Nguồn gốc tự nhiên

Để thực hiện nghiên cứu mới này, Marc Eloit, nhà virus học tại Viện Pasteur Paris, và các đồng nghiệp ở Pháp và Lào đã lấy mẫu nước bọt, phân và nước tiểu của 645 con dơi trong các hang động ở Bắc Lào. Ở dơi móng ngựa (Rhinolophus), họ đã tìm thấy ba virus giống SARS-CoV-2 đến 96,8%. Nhóm đặt tên cho ba virus này là BANAL-52, BANAL-103 và BANAL-236.

“Khi SARS-CoV-2 được giải trình tự lần đầu tiên, vùng liên kết thụ thể của virus không thực sự giống bất cứ thứ gì chúng ta đã thấy trước đây,” Edward Holmes, nhà virus học tại Đại học Sydney ở Úc, cho biết. Điều này khiến một số người suy đoán rằng virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Nhưng các virus corona mới tìm thấy Lào xác nhận những phần này của SARS-CoV-2 tồn tại trong tự nhiên, Holmes nói. Linfa Wang, nhà virus học tại Trường Y Duke – NUS ở Singapore, đồng ý: “Tôi tin chắc hơn bao giờ hết rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên."

Cùng với họ hàng của SARS-CoV-2 được phát hiện ở Thái Lan, Campuchia, và Vân Nam thuộc miền nam Trung Quốc, phát hiện mới lần này ở Lào càng khẳng định rằng Đông Nam Á là “điểm nóng đa dạng của các loại virus liên quan đến SARS-CoV-2,” Alice Latinne, nhà sinh học tiến hóa tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Việt Nam, nói.

Nhóm Eloit, bằng kết quả trong phòng thí nghiệm, cũng chỉ ra rằng các vùng liên kết thụ thể của những virus này có thể gắn vào thụ thể ACE2 trên tế bào người một cách hiệu quả như một số biến thể ban đầu của SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy BANAL-236 để tiếp tục nghiên cứu cách thức gây bệnh của virus trong các mô hình động vật.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã mô tả một họ hàng gần khác của SARS-CoV-2, gọi là RaTG13, được tìm thấy trên loài dơi ở Vân Nam. Về tổng thể, RaTG13 giống đến SARS-CoV-2 đến 96,1% và hai loại virus này có thể có chung tổ tiên cách đây 40–70 năm.

Những thông tin còn thiếu

Nghiên cứu ở Lào cung cấp thêm bằng chứng sâu sắc về nguồn gốc của đại dịch, nhưng vẫn còn thiếu một số mối liên hệ giữa virus mới phát hiện và SARS-CoV-2. Ví dụ: virus ở Lào không mang vị trí phân cắt furin trên protein gai, bộ phận này hỗ trợ thêm SARS-CoV-2 và các virus corona khác trong quá trình xâm nhập tế bào người.

Nghiên cứu cũng không làm rõ bằng cách nào mà một tổ tiên chung của virus này với SARS-CoV-2 có thể đã đến Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi ghi nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên - hay liệu virus khi đó đã đến Trung Quốc thông qua một động vật trung gian.

Các nghiên cứu tiếp theo, lấy mẫu nhiều loài dơi và động vật hoang dã khác ở Đông Nam Á, có thể sẽ cung cấp những thông tin này.

Một bản thảo khác cũng được đăng trên Research Square và chưa được bình duyệt, đã lấy mẫu khoảng 13.000 con dơi từ năm 2016 đến năm 2021 trên khắp Trung Quốc. Nhưng họ không tìm thấy bất kỳ họ hàng gần nào của SARS-CoV-2 và kết luận rằng họ hàng của SARS-CoV-2 là "cực kỳ hiếm gặp ở loài dơi ở Trung Quốc". Nhưng các nhà nghiên cứu khác nghi ngờ tuyên bố này. Holmes nói: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến cho rằng họ hàng của SARS-CoV-2 không lưu hành ở loài dơi ở Trung Quốc, vì những loại virus như vậy đã được mô tả ở Vân Nam."

Wang nói rằng cả hai nghiên cứu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường lấy mẫu ở các khu vực bên ngoài Trung Quốc để giúp tìm ra nguồn gốc của đại dịch.

Nguồn: