Bằng các dữ liệu công khai về những ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc, nhà khoa học Michael Worobey - một chuyên gia hàng đầu về truy vết tiến hóa của virus ở ĐH Arizona (Hoa Kỳ) khẳng định cuộc điều tra quan trọng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng ba năm nay rất có thể đã nhầm lẫn về sự khởi phát của đại dịch.

Phát hiện mới cho thấy bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 là một người bán hàng ở chợ Hoa Nam tại Vũ Hán, không phải là nhân viên kế toán sống cách đó nhiều dặm.

Một số chuyên gia, trong đó có các nhà điều tra đại dịch của WHO, cho biết kết quả điều tra của TS. Worobey rất xuất sắc và ca nhiễm COVID-19 đầu tiên rất có thể là một người bán hải sản.

Tuy nhiên số khác lại cho rằng, các bằng chứng vẫn chưa đủ để giải quyết dứt điểm câu hỏi lớn hơn về việc đại dịch bắt đầu như thế nào. Họ cho rằng virus có thể đã lây nhiễm sang một “bệnh nhân số 0” vào thời điểm nào đó trước trường hợp người bán hải sản, sau đó tăng lên số lượng lớn và phát tán rộng rãi trong khu chợ. Các nghiên cứu về sự thay đổi trong bộ gene virus - gồm cả một nghiên cứu do TS. Worobey thực hiện - cho thấy trường hợp lây nhiễm đầu tiên xảy ra vào khoảng giữa tháng 11/2019, vài tuần trước khi người bán hải sản mắc bệnh.

Việc xác định người đầu tiên nhiễm bệnh sẽ là bước tiến gần hơn đến mục tiêu tìm ra nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Nguồn: nationalgeographic.com

“Tôi không đồng tình với phân tích này”, Jesse Bloom, nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Hoa Kỳ) nói. “Tôi nghĩ rằng không có bất kì dữ liệu nào đủ mạnh để tự tin đưa ra bất cứ kết luận gì, ngoại trừ việc chợ hải sản Hoa Nam rõ ràng là một sự kiện siêu lây nhiễm”. TS. Bloom cũng nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên người ta phát hiện ra sai sót trong báo cáo của WHO, với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, bao gồm cả nhầm lẫn về các mối liên hệ tiềm ẩn giữa những bệnh nhân đầu tiên với khu chợ.

“Thật hoang mang khi mọi trường hợp luôn có sự mâu thuẫn về thời điểm bắt đầu”, ông nói.

Sai lầm trong thu thập thông tin

Vào cuối tháng 12/2019, các bác sĩ ở một số bệnh viện tại Vũ Hán đã phát hiện ra những trường hợp viêm phổi bí ẩn xuất phát từ những người làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam, một không gian ẩm thấp và kém thông thoáng, nơi bán hải sản, gia cầm, thịt và động vật hoang dã. Vào ngày 30/12, các cơ quan y tế công cộng yêu cầu các bệnh viện báo cáo bất kì ca bệnh mới nào liên quan đến khu chợ này.

Đoàn chuyên gia của WHO đến điều tra tại Vũ Hán. Nguồn: asahi.com

Với nỗi lo tái phát dịch SARS từng xuất hiện từ các chợ động vật tại Trung Quốc vào năm 2002, chính quyền đã yêu cầu đóng cửa chợ Hoa Nam từ ngày 1/1/2020. Bất chấp điều này, các ca bệnh mới ở Vũ Hán vẫn gia tăng. Vào ngày 11/1/2020, các nhà chức trách Vũ Hán cho biết những ca nhiễm bắt đầu từ ngày 8/12. Đến tháng 2, họ xác định bệnh nhân đầu tiên là một nhân viên kế toán họ Chen sống ở Vũ Hán, mắc bệnh vào ngày 8/12 và không có mối liên hệ nào với chợ Hoa Nam.

Các quan chức Trung Quốc và một số chuyên gia bên ngoài nghi ngờ rằng ban đầu tỷ lệ những ca bệnh liên quan đến khu chợ ở mức cao có thể do sự tình cờ về mặt thống kê, gọi là sai số xác định. Theo đó, việc yêu cầu báo cáo các ca bệnh liên quan đến khu chợ có thể khiến các bác sĩ bỏ qua những trường hợp không có mối liên hệ này.

Vào mùa xuân năm 2020, chính quyền Trump đã thúc đẩy nghiên cứu một kịch bản khác về nguồn gốc của đại dịch: virus đã thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán, nằm cách chợ Hoa Nam khoảng 8 dặm, ở phía bên kia sông Dương Tử.

Vào tháng 1/2020, WHO đã cử một nhóm các nhà nghiên cứu đến Trung Quốc và phỏng vấn một nhân viên kế toán - người có triệu chứng nhiễm COVID-19 vào ngày 8/12. Họ đã công bố một báo cáo quan trọng vào tháng 3/2021 khẳng định rằng đây là ca bệnh đầu tiên được phát hiện. Nhưng Peter Daszak, một nhà sinh thái học về bệnh tật tại EcoHealth Alliance, thuộc nhóm nghiên cứu của WHO, cho biết ông thấy ý kiến của TS. Worobey thuyết phục hơn.

Ông cho biết, nhóm nghiên cứu của WHO chưa bao giờ hỏi nhân viên kế toán họ Chen rằng các triệu chứng của anh ta bắt đầu từ ngày nào. Thay vào đó, họ thu thập thông tin từ các bác sĩ ở bệnh viện Tân Hoa Hồ Bắc, nơi đã điều trị những ca bệnh đầu tiên khác chứ không chăm sóc ông Chen vào ngày 8/12. “Sai lầm nằm ở đó”, TS. Daszak nói.

Ông cũng cho biết cuộc phỏng vấn do các chuyên gia của WHO thực hiện đã đi vào ngõ cụt: Nhân viên kế toán không có mối liên hệ rõ ràng nào với một khu chợ động vật, phòng thí nghiệm hay một tụ điểm đông người. Anh ta nói rằng thích dành thời gian lên mạng và chạy bộ, không đi du lịch nhiều.

Trong khi các bác sĩ ở Bệnh viện Tân Hoa Hồ Bắc cho biết bệnh tình của nhân viên kế toán bắt đầu từ ngày 8/12, một bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, nơi ông Chen đã điều trị, đã trả lời một tờ báo Trung Quốc rằng ông Chen xuất hiện các triệu chứng vào khoảng ngày 16/12.

Khi được hỏi về trường hợp của ông Chen, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết họ dựa trên những bình luận của Lương Vạn Niên, trưởng nhóm chuyên gia Trung Quốc, thuộc nhóm điều tra WHO - Trung Quốc, người đã dẫn đầu cuộc phỏng vấn với các bác sĩ Bệnh viện Tân Hoa Hồ Bắc. Trong một cuộc họp báo vào tháng hai năm nay, ông Lương cho biết ca mắc COVID-19 sớm nhất xuất hiện các triệu chứng vào ngày 8/12 và “không liên quan” đến chợ Hoa Nam.

Nhầm lẫn và mâu thuẫn

Báo cáo của các chuyên gia ở WHO kết luận, rất có thể virus đã lan truyền từ động vật sang người, nhưng họ chưa thể xác nhận nguồn gốc là chợ Hoa Nam. Ngược lại, họ cho rằng việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “vô cùng khó xảy ra”.

Nhiều người đã chỉ trích sai lầm và thiếu sót trong báo cáo này. Vào tháng bảy vừa qua, tờ Washington Post phát hiện báo cáo đã liệt kê nhầm mẫu virus của một số bệnh nhân đầu tiên - bao gồm ca nhiễm chính thức sớm nhất - và liên kết nhầm nhóm ca bệnh gia đình đầu tiên với chợ Hoa Nam.

Vào tháng năm hai tháng sau khi WHO và Trung Quốc công bố báo cáo, 18 nhà khoa học xuất sắc, bao gồm cả TS. Worobey, đã hồi đáp bằng một lá thư trên Science khẳng định, nhóm nghiên cứu của WHO đã đưa ra câu trả lời qua loa về giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm. Họ cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định xem liệu lời giải thích nào thuyết phục hơn.

Là chuyên gia về nguồn gốc bệnh cúm và HIV, TS. Worobey đã cố gắng ghép những ngày đầu tiên của đại dịch COVID-19 lại với nhau. Khi đọc một nghiên cứu vào tháng 5/2020 về những ca bệnh đầu tiên do các bác sĩ địa phương và quan chức y tế ở Vũ Hán công bố, ông thấy bối rối vì có đoạn mô tả giống nhân viên kế toán họ Chen: một người đàn ông 41 tuổi không tiếp xúc với chợ Hoa Nam. Nhưng nhóm tác giả lại ghi rằng triệu chứng của người đàn ông này bắt đầu vào ngày 16/12 chứ không phải là ngày 8/12.

Sau đó, TS. Worobey tìm thấy nguồn thông tin độc lập khác chứng minh cho thời điểm muộn hơn: chính ông Chen. “Tôi bị sốt trong suốt cả ngày 16”, một người đàn ông được xác định là ông Chen trả lời trong cuộc phỏng vấn video vào tháng 3/2020 với The Paper. Đoạn video cho biết ông Chen 41 tuổi, làm việc ở phòng tài chính của một công ty và chưa bao giờ đến chợ Hoa Nam.

TS. Worobey cho rằng thông tin từ video có thể giải thích báo cáo của WHO - Trung Quốc đã kết luận sai ngày như thế nào. Trên video, ông Chen suy đoán rằng ông có thể đã nhiễm COVID-19 “khi đến bệnh viện”.

Tờ Washington Post nhấn mạnh, các dữ liệu do WHO cung cấp về ca nhiễm ngày 8/12 có vẻ phù hợp với cơ sở dữ liệu liên quan đến một ca bệnh vào ngày 16/12. Đáp lại, WHO cho biết họ đang xem xét sự khác biệt. Một phát ngôn viên của WHO trả lời The New York Times rằng sẽ “khó bình luận” về trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh vì nhóm nghiên cứu của WHO bị hạn chế quyền truy cập các dữ liệu y tế. Ông cho biết điều quan trọng là phải tiếp tục tìm kiếm những ca nhiễm sớm hơn.

Những liên kết mờ mịt

Theo công bố của TS. Worobey, ca mắc sớm nhất không phải là ông Chen mà là một người phụ nữ bán hải sản tên là Wei Guixian, xuất hiện triệu chứng vào khoảng ngày 11/12. (Trong cùng video của The Paper, bà Wei cho biết các triệu chứng nghiêm trọng bắt đầu vào ngày 11/12 và bà ấy trả lời The Wall Street Journal rằng bắt đầu cảm thấy mệt vào ngày 10/12. Báo cáo của WHO - Trung Quốc đã liệt kê một trường hợp vào ngày 11/12 có liên quan đến khu chợ).

TS. Worobey nhận thấy các bệnh viện đã báo cáo hơn một chục ca nhiễm có khả năng xảy ra trước ngày 30/12, thời điểm chính quyền Vũ Hán cảnh báo các bác sĩ phải đề phòng các trường hợp liên quan đến chợ Hoa Nam. Trong đó, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán và Bệnh viện Tân Hoa Hồ Bắc từng ghi nhận bảy trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân trước ngày 30/12 và sau đó được xác nhận là COVID-19. Tại mỗi bệnh viện, bốn trong số bảy ca nhiễm có liên quan đến khu chợ.

Bằng cách tập trung vào những trường hợp này, TS. Worobey cho biết có thể loại trừ khả năng sai số xác định khiến kết quả nghiêng về phía có lợi cho khu chợ.

Tuy nhiên, những nhà khoa học khác cho biết còn lâu mới có thể khẳng định chắc chắn rằng đại dịch bắt đầu từ chợ Hoa Nam. “Anh ấy đã tái tạo những gì có thể từ các dữ liệu sẵn có một cách xuất sắc, và đó là một giả thuyết hợp lý như bất kì giả thuyết nào”, TS. W. Ian Lipkin, nhà virus học tại Trường Y tế công cộng Mailman thuộc ĐH Columbia, cho biết. “Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ biết chuyện gì đang xảy ra, bởi vì đã hai năm rồi và mọi thứ vẫn còn mờ mịt”.