Đây là một phần trong nỗ lực của NASA nhằm bảo vệ các rạn san hô trên thế giới đang bị suy giảm do chịu các tác động xấu của môi trường.
Theo tờ Guardian Australia số ra ngày 14/9, dự án của NASA kéo dài trong 3 năm với giá trị đầu tư lên tới 15 triệu USD. Dự án này sẽ giúp các nhà khoa học khám phá những điều bí hiểm xung quanh yếu tố cấu tạo nên rạn san hô, qua đó họ sẽ có được giải pháp để bảo vệ rạn san hô trước nguy cơ bị thoái hóa.
Để thực hiện dự án này, NASA sẽ hỗ trợ Viện Hải dương học Bermuda máy bay có trang bị thiết bị cảm biến hình ảnh tiên tiến nhất.
Chuyên gia Eric Hochberg thuộc viện trên cho hay thiết bị này còn được gọi là phổ kế điều khiển từ xa, có khả năng thu thập dữ liệu hình ảnh có độ phân giải cao và chi tiết như hình ảnh chụp ở cự ly gần. Với công cụ này, các nhà khoa học sẽ biết được mật độ khu vực được bao phủ bởi san hô, cát và tảo tại rạn san hô Great Barrier.
Sau đó, quá trình nghiên cứu này sẽ được thực hiện tại quần đảo Hawaii, quần đảo Marianas và Paulau, nơi cũng tập trung nhiều rạn san hô. Máy bay của NASA sẽ thực hiện hành trình bay kéo dài đến cuối tháng 10 năm nay qua 6 khu vực có rạn san hô, xuất phát từ khu vực phía Nam đảo Heron rồi kết thúc tại đảo Torres Strait của Australia.
Theo ông Hochberg, những hình ảnh chụp ở độ cao 8,5km so với mặt nước biển sẽ cho thấy cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của cấu trúc sinh vật lớn nhất thế giới này.
Trải dài khoảng 2.600 km và bảo phủ lên diện tích gần 344.400 km2, Great Barrier được coi là rạn san hô lớn nhất thế giới với 3.000 tảng đá ngầm và 900 hòn đảo.
Rạn san hô Great Barrier được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981. Tuy nhiên, do sự tác động của môi trường, gần 1/4 diện tích san hô của rạn san hô này tại các khu vực phía Bắc xa xôi ở Cairns, Queensland đã bị tổn thương và biến mất.