Các nhà khoa học Australia vừa phát hiện, một số loại tảo có thể chuyển đổi gene để chịu được nhiệt độ cao hơn, tránh nạn tẩy trắng san hô.
Khi nhiệt độ nước tăng, tảo bị stress nhiệt, thải ra các chất độc ảnh hưởng đến cả tảo lẫn san hô tại khu vực đó. Kết quả là tảo sẽ rời san hô khiến chúng bạc màu và bị bỏ đói cho đến chết.
Các nhà khoa học Australia vừa phát hiện, một số loại tảo có thể chuyển đổi gene để chịu được nhiệt độ cao hơn, tránh nạn tẩy trắng san hô. Gene này sau khi chuyển đổi sẽ giúp sản xuất một số protein bảo vệ tảo, giúp chúng không tiếp xúc với nhiệt. Các nhà khoa học đã so sánh hai loại tảo từ hai địa điểm ấm áp và mát mẻ dọc theo rặng san hô nổi tiếng Great Barrier ở Queensland và đi đến phát hiện trên.
“Chúng tôi nhận thấy, tảo từ các rặng san hô ấm hơn có thể kích hoạt gene đặc biệt khi bị stress nhiệt. Lần đầu tiên chúng ta phát hiện ra cơ chế này. Chúng tôi phát hiện một số loại san hô có thể chuyển đổi gene để sản xuất protein trung hòa các chất độc hại. Nó giúp lý giải nguyên nhân một số loại tảo có thể chịu được nhiệt độ cao hơn và không bị tẩy trắng” - Rachel Levin - một nhà khoa học tại Đại học New South Wales, người đứng đầu nghiên cứu - cho biết.
Nghiên cứu cũng phát hiện tảo bị stress có thể chuyển từ chế độ vô tính bình thường sang sinh sản hữu tính. “Sinh sản hữu tính giúp đẩy nhanh quá trình tiến hóa và cho phép một số loại tảo thích ứng nhanh chóng, chịu đựng được sự gia tăng nhiệt độ bề mặt nước biển” - Madeleine van Oppen - thuộc Đại học Adelaide, một đồng tác giả - cho biết.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Sinh học phân tử và sự phát triển này được đánh giá là giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về cơ chế tẩy trắng san hô và tìm ra biện pháp cứu những “lá phổi sống” dưới biển này.
Việt Anh (Theo AG)