Các cán bộ kiểm lâm tại vườn quốc gia Cát Tiên vừa phát hiện và xử lý xác của một con bò tót nặng khoảng 1 tấn đã bị tử vong tại tiểu khu 38, cách trụ sở vườn quốc gia Cát Tiên khoảng 10km.

Trao đổi với phóng viên báo Khoa học & Phát triển, tiến sĩ Phạm Hữu Khánh – Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, trong lúc đi tuần tra vào sáng ngày 11/9 vừa qua, các cán bộ kiểm lâm của vườn quốc gia Cát Tiên đã phát hiện một con bò tót chết không rõ nguyên nhân. Được biết, đây là cá thể bò tót đực, nặng khoảng 1 tấn với chiều dài thân gần 3m, cao khoảng 2m và đã tử vong trước đó 3 ngày.

Khi phát hiện, xác của con bò tót này đang trong tình trạng phân hủy nặng và bốc mùi hôi thối. Điều này khiến cơ quan chức năng của vườn quốc gia Cát Tiên buộc phải đem chôn, nhằm tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Bầy bò tót đang ăn cỏ tại vườn quốc gia Cát Tiên. Nguồn: Vườn quốc gia Cát Tiên.

Hiện tại, vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân khiến con bò tót này bị tử vong, nhưng theo ông Phạm Hữu Khánh, chú bò tót đực này có thể đã chết vì quá già.

Bởi vì, sau khi khám nghiệm xác chết, các nhân viên của vườn và bác sĩ vẫn không phát hiện được dấu hiệu bị bắn hoặc bị dính bẫy. Tuy vậy, nhằm đảm bảo cho tính chính xác của vụ việc, các cơ quan chức năng vẫn tiến hành mổ xác chết của con bò lấy 1 số mẫu vật về xét nghiệm để sớm tìm ra nguyên nhân.

“Đây là một con bò tót đực, nặng khoảng 1 tấn và đã chết cách đây 3 ngày. Hiện tại, nhân viên của vườn quốc gia Cát Tiên đã xử lý xác chết và đem chôn ngay tại nơi phát hiện ra con bò tót này chết.” – ông Phạm Hữu Khánh chia sẻ.

Tính đến thời điểm này, vườn quốc gia Cát Tiên có khoảng 100 – 110 cá thể bò tót đang sinh sống trong điều kiện tự nhiên, chiếm 1/4 số lượng bò tót trong cả nước. Tại đây, số lượng bò tót phân bố thành nhiều đàn khác nhau. Trong đó, những đàn lớn có thể lên tới 10-15 cá thể, còn đàn nhỏ thì có từ 3 đến 4 cá thể. Ngoài ra, cũng có một số cá thể bò tót đực trưởng thành sống đơn độc.

Bò tót hay còn gọi là con Min (danh pháp khoa học Bos gaurus), là một loài động vật cực kỳ quý hiếm thuộc nhóm IB trong sách đỏ Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở vùng đồi của Ấn Độ và Đông Nam Á. Vào năm 1986, chúng đã được sách đỏ thế giới (IUCN) ghi nhận là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện tại, loài thú móng guốc lớn này được luật pháp Việt Nam bảo vệ, cấm săn bắn với mọi hình thức.