Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA.
JWST sử dụng bộ công cụ quan sát ánh sáng hồng ngoại hiện đại để nghiên cứu những ngôi sao và thiên hà đầu tiên trong vũ trụ. Ngoài ra, nó còn giúp các nhà thiên văn quan sát các hành tinh, mặt trăng và tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời và vô số ngoại hành tinh trong vũ trụ.
Do JWST có cấu tạo phức tạp và cần được thử nghiệm nhiều hơn, nên sự ra mắt của JWST đã bị trì hoãn nhiều lần.
Hôm 28/3, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo rằng, việc khởi động JWST sẽ bị hoãn lại thêm lần nữa cho đến tháng 5 năm 2020.
Quyết định này được đưa ra sau khi có sự đánh giá độc lập của Ủy ban Đánh giá Thường trực (SRB) đối với các công việc còn lại, bao gồm việc tích hợp các thiết bị quang học và thiết bị khoa học vào kính thiên văn, sau đó thử nghiệm chúng để đảm bảo rằng chúng sẽ hoạt động khi ở trong không gian.
“Kính thiên văn Không gian James Webb là dự án được ưu tiên cao nhất đối với Ban giám đốc Nhiệm vụ Khoa học của NASA, đồng thời là dự án khoa học vũ trụ quốc tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chúng tôi đang tập trung các nỗ lực cuối cùng để hoàn thành chiếc kính thiên văn tham vọng và phức tạp này”, Robert Lightfoot, nhà quản lý nhiệm vụ JWST của NASA, nhấn mạnh.
NASA cũng thông báo rằng, họ sẽ thành lập một Ủy ban Đánh giá Độc lập bên ngoài (IRB) để phân tích các vấn đề về tổ chức và kỹ thuật. Kết quả của IRB cùng với dữ liệu của SRB sẽ giúp NASA xem xét để công bố ngày ra mắt cụ thể hơn cho JWST.