Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, nhà khoa học tại các trường đại học có xu hướng công bố tốt hơn so với nhà khoa học làm việc tại viện nghiên cứu, trái với nhận định phổ biến cho rằng nhà khoa học làm việc tại viện nghiên cứu tập trung nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu khoa học nên có kết quả nghiên cứu tốt hơn, theo một nghiên cứu mới.

Dự án NVSS dùng phương pháp phân tích lưới phương pháp phân tích lưới (network analysis) để nghiên cứu mối quan hệ giữa tác giả các bài báo. Nguồn: thanhtay.edu.vn
Dự án NVSS dùng phương pháp phân tích lưới (network analysis) để nghiên cứu mối quan hệ giữa tác giả các bài báo. Nguồn: thanhtay.edu.vn

Đó là nghiên cứu về chủ đề năng suất của các nhà nghiên cứu người Việt trong lĩnh vực khoa học xã hội của nhóm tác giả bao gồm Hồ Mạnh Tùng, Nancy Napier, Nguyễn Tô Hồng Kông, Nguyễn Việt Hà… vừa được xuất bản trên tạp chí Studies in Higher Education (NXB Taylor & Francis), tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục SSCI, có chỉ số IF 1.5.

Nghiên cứu so sánh năng suất khoa học của các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội Việt Nam có công bố trên các ấn phẩm thuộc danh mục Scopus trong khoảng thời gian 2008-2017 đến nay và khảo sát hai nhân tố chính ảnh hưởng đến năng suất khoa học bao gồm: môi trường làm việc (trường đại học hoặc viện nghiên cứu) và mô hình hợp tác (đồng tác giả trong công bố) của các nhà khoa học.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 10 năm này, trong số 492 nhà khoa học được khảo sát, chỉ có 86 người (chiếm 17%) có năng suất nghiên cứu cao, từ 5 công bố trở lên; 79% còn lại đều có năng suất nghiên cứu thấp, ít hơn 5 bài.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nhà khoa học tại các trường đại học có xu hướng công bố tốt hơn so với nhà khoa học làm việc tại viện nghiên cứu. Cụ thể, ở nhóm có năng suất nghiên cứu cao, trung bình một giảng viên đại học công bố 11,09 bài/10 năm từ 2008-2017; trong khi cùng giai đoạn này, một nghiên cứu viên tại viện nghiên cứu công bố được trung bình 10,69 bài. Con số tương ứng với nhóm có năng suất nghiên cứu thấp là 3,64 so với 3,62. Điều này dường như trái với nhận định phổ biến cho rằng các nhà khoa học làm việc tại các viện nghiên cứu tập trung nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu khoa học nên có kết quả nghiên cứu tốt hơn.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế giúp các nhà khoa học người Việt thuộc lĩnh vực khoa học xã hội có năng suất nghiên cứu tốt hơn; mặc dù vậy, xu hướng này có vẻ mờ nhạt đối với các nhà khoa học có năng suất nghiên cứu cao (từ 5 bài trở lên), kết quả nghiên cứu chỉ ra.

Hàm ý chính sách từ các kết quả nghiên cứu bao gồm cần sớm có biện pháp thu hẹp sự tách rời giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, vốn thừa hưởng từ mô hình Liên Xô trước đây đã trở nên lỗi thời. Các viện nghiên cứu cần hợp tác chặt chẽ hơn với các trường đại học; đồng thời cũng cần kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu nhiều hơn, nhằm nâng cao kết quả năng suất nghiên cứu, và hiệu quả đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Về khía cạnh hợp tác, nghiên cứu này tái khẳng định vai trò của hợp tác quốc tế là vô cùng cần thiết, nhất là đối với các nhà khoa học ít kinh nghiệm, chưa có nhiều kết quả nghiên cứu. Các chính sách của Việt Nam trong thời gian sắp tới cần định hướng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học thông qua các chương trình đồng nghiên cứu với nhà khoa học nước ngoài.

Đây là nghiên cứu thứ 5 thuộc dự án Mạng lưới Các nhà khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam - NVSS - được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục SSCI/ESCI/Scopus.

Dự án NVSS được đồng tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu và Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED, Trường Đại học Thành Tây và Văn phòng Vương & Cộng sự và bắt đầu triển khai từ tháng 2/2017 đến nay.