Các cơ quan tình báo của chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch xây dựng những máy tính bên trong DNA và các phân tử hữu cơ khác để phục vụ mục đích lưu trữ dữ liệu.
IARPA – nhóm nghiên cứu chuyên phát triển công nghệ cao cấp trực thuộc Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, đã công bố dự án chế tạo loại máy tính bảng có thể lưu trữ và phục hồi dữ liệu từ những khối polyme lớn – thuật ngữ chỉ một loạt các phân tử có hình dạng sợi dài. Được biết polyme có khả năng lưu trữ dữ liệu theo chuỗi những nguyên tử riêng biệt hoặc các nhóm nguyên tử.
Theo báo cáo của Nextgov, dự án trên là một phần của những nỗ lực nhằm giải quyết một vấn đề cơ bản nhất trong thời đại hiện đại: đó là chi phí lưu trữ dữ liệu khổng lồ và ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Independent, các trung tâm dữ liệu (datacenter) toàn cầu đã tiêu thụ khoảng 416,2 terawatt điện trong năm 2016 – chiếm 3% nguồn cung của thế giới, cũng như phát thải lượng khí nhà kính bằng khoảng 2%. Các chuyên gia cũng nói với Independent rằng thế giới không thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của các trung tâm dữ liệu theo cấp số nhân.
Một công bố trên tạp chí BioMed Research International cũng cho biết: DNA có khả năng lưu trữ thông tin máy tính đặc biệt, nhiều hơn, đòi hỏi năng lượng tiêu thụ ít hơn, và tồn tại ở nhiệt độ cao lẫn thấp hơn so với ổ cứng thông thường. Các tác giả cũng báo cáo về sự nghiên cứu thành công ra những nguyên mẫu máy tính ADN sử dụng các phân tử di truyền cho lưu trữ dài hạn lẫn bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có ai tìm ra cách để thực hiện lưu trữ dữ liệu DNA trên quy mô lớn.
Các quan chức của IARPA cho biết, nỗ lực mới – Dự án Lưu trữ thông tin phân tử – sẽ được chia thành ba giai đoạn, bao gồm một chương trình nghiên cứu trong vòng hai năm để tìm ra cách lưu dữ liệu vào trong DNA hoặc các phân tử khác ở tốc độ cao, và cần thêm hai năm nữa để phát triển một hệ điều hành có khả năng chạy trên các DNA đó.
Tuy nhiên, do nhiều công nghệ mà IARPA mong muốn phát triển đã không thể được kiểm chứng trên quy mô lớn, cho nên không rõ phải mất bao lâu thì những thiết bị máy tính bảng như đề xuất trên mới trở thành sự thật.
Hải Đăng (Theo Live Science)