Vài thập niên trở lại đây, giới sử học trong và ngoài nước đã ghi nhận những thành tựu đáng kể trong việc đánh giá lại triều Nguyễn - một vương triều từng hứng chịu những chỉ trích chính trị, xã hội nặng nề.

Trong số đó, công trình Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam - một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918) của Emmanuel Poisson đã có những đóng góp vượt ra khỏi các quan điểm sử học truyền thống trước đây.

Tiến sĩ Emmanuel Poisson.

Thành tựu của công trình này trước hết nằm ở khối tư liệu đặc biệt phong phú mà tác giả đã thu thập, xử lý và trình bày một cách công phu. Việc sử dụng đa dạng các bảng số liệu, bảng thống kê, các loại sơ đồ, biểu đồ cùng hàng loạt các con số nhằm biểu thị bộ máy hành chính qua từng năm, ở từng địa phương đã chứng tỏ một phương pháp nghiên cứu thực nghiệm triệt để. Việc xử lý cặn kẽ hơn một nghìn bản tư liệu các loại, gồm các lý lịch, báo cáo, thư từ, biên bản xử án, đề thi sát hạch,… đã giúp các nhận định có sức thuyết phục cao, và vì thế các kết luận dù ngắn nhưng lại trở nên đặc biệt hấp dẫn. Dựa trên các số liệu thu thập được, Poisson muốn chứng minh sự năng động, tiến bộ không chỉ ở bộ máy chính quyền nói chung mà còn ở cá nhân các quan lại trước những đòi hỏi của thời đại.

Trong những phân tích về bộ máy hành chính triều Nguyễn của Poisson, một điểm nhấn là ông đã dành sự quan tâm đáng kể cho hệ thống các quan địa phương và giới thuộc lại, điều mà trước nay nhiều phân tích thường bỏ qua.

Poisson muốn lưu ý sự cai trị không chỉ ở cấp vĩ mô, mà còn ở những thành phần vi mô, ở những con người hằng ngày phải xử lý các công việc do cấp trên ban xuống và trong hầu hết các trường hợp phải xuống tận hiện trường để giải quyết các vụ việc của người dân, trở thành cầu nối quan trọng giữa chính quyền trung ương cấp cao với dân chúng. Là người nắm bắt và giải quyết những vấn đề của thực tiễn, chính bản thân họ là kết quả của những phương thức đào tạo và tuyển dụng, bổ dụng vốn thường xuyên được điều chỉnh để thích hợp với những nhu cầu mới. Nhưng việc triển khai quyền lực một cách hiệu quả đến từng làng xã vướng phải một thực tế mà nhiều ông vua không mong muốn, đó là sự hình thành và ngày một phình to thế lực của những quan địa phương thông qua việc sử dụng hệ thống “người nhà” do họ dựng nên.

Một vài công trình trước đây đã nhận thấy cải cách hành chính là một hoạt động thường xuyên ở các triều đại phong kiến và ở ngay các vua nhà Nguyễn mà Minh Mệnh là tiêu biểu, thì họ vẫn ít thừa nhận tính năng động của bộ máy hành chính và các quan lại trước cuộc tấn công của người Pháp. Khảo sát các hình thức hoạn lộ khác nhau kéo dài từ 1820 đến 1918, Poisson đã rũ bỏ cách nhìn mang tính dân tộc chủ nghĩa trước đây về hai phe “chủ chiến” và “chủ hòa” (hay “hợp tác”) trong triều đình nhà Nguyễn và phân tích thuyết phục về sự phức tạp trong hoạn lộ của giới quan lại, ở đó chủ nghĩa cơ hội và tinh thần dân tộc dưới hình thức quyền chức thường xuyên bị đánh đồng.

Đi tìm sự tương đồng trong động cơ làm quan của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Ngô Thì Nhậm, Poisson chứng minh trường hợp quan Phụ chánh Nguyễn Trọng Hợp là điển hình cho thái độ hợp tác với chính quyền thuộc địa nhằm “duy trì một nền cai trị thực sự phục vụ đất nước”. Cơ sở cho nhận định này là việc tác giả bác bỏ quan điểm xem sự hợp tác như một cách thức nhẫn nhục và xem đó là một thái độ tùy thời thông minh, phù hợp với bối cảnh chính trị xã hội mới giữa thập kỷ 1890.

Bên cạnh một số vấn đề cần trao đổi thêm (như chưa mô tả đầy đủ và rõ ràng con đường làm quan của những người xuất thân từ các “lò rèn đúc nhân tài” ở địa phương) thì công trình của E. Poisson kể từ khi được xuất bản thành sách lần đầu bằng tiếng Pháp tại Paris năm 2004 đến nay vẫn cho thấy giá trị mới mẻ trong cách tiếp cận bộ máy hành chính triều Nguyễn. Điều quan trọng hơn, cuốn sách còn có ý nghĩa tiền phong trong việc kích thích và gợi mở những suy tư mới không chỉ với vấn đề quan lại mà còn với cả giai đoạn lịch sử chuyển tiếp sang thuộc địa của xã hội Việt Nam.

Tiến sĩ Emmanuel Poisson hiện là Giáo sư Lịch sử Việt Nam tại Đại học Paris 7 - Denis Diderot. Ông từng làm việc với tư cách thành viên Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội. Trong thời gian sáu năm (1995 - 2001), ông đã tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu phong phú để chuẩn bị cho việc biên soạn công trình này.