Mặc dù có tỉ trọng việc làm chiếm tới 35,3%, là ngành có đóng góp lớn nhất vào nền kinh tế Việt Nam (tăng từ 40,7% GDP năm 2010 lên 44,6% GDP năm 2019) nhưng năng suất lao động ngành dịch vụ vẫn thấp, chỉ tương đương với Bangladesh. Thông tin từ Báo cáo Điểm lại tháng 3/2023: Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng của Worldbank công bố.

kinhtevadubao.vn
Nguồn: kinhtevadubao.vn

Tuy nhiên, năng suất lao động và hiệu quả việc làm của ngành dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác trong khu vực. Năng suất lao động ngành dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) là 5.000 USD (USD không đổi) trên mỗi lao động vào năm 2019, chỉ tương đương với Bangladesh, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khối ASEAN, như Malaysia (20.900 USD), Philippines (9.300 USD), và Indonesia (7.300 USD).

Là nguồn việc làm lớn nhất, ngành này đã hấp thụ một phần đáng kể lao động từ ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn lao động trong ngành dịch vụ làm các công việc có kỹ năng thấp, chỉ có 6,4% trong tổng việc làm tại khu vực dịch vụ của Việt Nam tham gia các loại hình dịch vụ quan trọng đòi hỏi kỹ năng cao, thuộc nhóm các dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Báo cáo khuyến nghị cần phải có các chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy sử dụng công nghệ, tăng cường kỹ năng người lao động để nâng cao năng suất ngành dịch vụ. Hiện nay tất cả các nền kinh tế thu nhập cao đều có đặc trưng sở hữu một khu vực dịch vụ lớn, vừa là nơi thu hút việc làm lớn nhất vừa tạo giá trị gia tăng, đóng vai trò thiết yếu để nâng cao năng suất.