Ngày 25/3 tại TPHCM, Bộ KH&CN phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức hội thảo phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Hội thảo có tên “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ”, diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, và lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM. Khoảng 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến tại các điểm cầu trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN, mà còn cần sự đồng hành, sát cánh của các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học,…

b
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: KA

TS Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, Chương trình Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030 (thuộc đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ), đặt mục tiêu hỗ trợ kết nối chuyển giao 100 công nghệ; 30 công nghệ tiên tiến được giải mã, làm chủ phục vụ tạo ra một số sản phẩm chủ lực, trọng điểm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường; xây dựng được mạng lưới 400 đối tác công nghệ trong nước và quốc tế, 8.000 hồ sơ công nghệ tiên tiến của nước ngoài phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp;… Trong khi đó, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đặt mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15 – 20%/năm; năng suất lao động của doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5 – 2 lần;…

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ KH&CN sẽ triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới như tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ; xây dựng, duy trì, khai thác mạng lưới tìm kiếm và cơ sở dữ liệu công nghệ nước ngoài; hỗ trợ các dự án chuyển giao, làm chủ, phát triển, đổi mới công nghệ; xây dựng cổng thông tin tìm kiếm và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài; đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn;…

b
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: KA

Ông Dũng cho rằng, hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, các hỗ trợ hiện nay của Nhà nước chưa đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp. Các chương trình nói trên sẽ hình thành hành lang pháp lý và tập hợp các nguồn lực cần thiết trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.

PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng Ban KH&CN, Đại học Quốc gia TPHCM thì đề xuất, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ, tăng cường nhập khẩu công nghệ cao. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận các công nghệ tiên tiến, đặt hàng các trường, viện nghiên cứu giải mã công nghệ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm và tập thể khoa học mạnh tại các trường, viện nghiên cứu trọng điểm.

Dưới góc độ một doanh nghiệp tăng trưởng nhờ tham gia các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia từ năm 2018, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (Long An) chia sẻ, doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đổi mới công nghệ như thiếu thông tin về công nghệ, các chương trình hỗ trợ của nhà nước; chưa có nhiều ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ,… Vì vậy, ông kiến nghị, cần có cơ sở dữ liệu về chuyên gia, công nghệ trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu tiếp cận công nghệ mới của doanh nghiệp; đồng thời, có các ưu đãi đối với sản phẩm từ chuyển giao, đổi mới công nghệ.

Trong khi đó, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, đề xuất Bộ KH&CN tăng cường cập nhật thông tin về các công nghệ có sẵn, giới thiệu các xu hướng công nghệ bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ tiếp cận; và hình thành hệ sinh thái chuyển giao công nghệ, trong đó có các doanh nghiệp chuyên đào tạo và tư vấn chuyển giao công nghệ.

G
Đại biểu chia sẻ, đóng góp ý kiến cho Hội thảo. Ảnh: KA

Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, “các góp ý của đại biểu tại Hội thảo là thông tin tham khảo quan trọng để Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan”, và cho biết, trước mắt sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai sớm các chương trình chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đổi mới công nghệ,… nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, góp phần phát triển KT – XH của đất nước.