Như một hiệu ứng dây chuyền, đợt nắng nóng ở Trung Quốc đã làm sụt giảm một nửa sản lượng thủy điện ở Tứ Xuyên, dẫn đến thiếu hụt cơ sở hạ tầng sạc xe điện trên diện rộng.
Cắt giảm công suất trạm sạc
Đợt nắng nóng bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài hơn 70 ngày ở Trung Quốc đã làm bốc hơi hơn một nửa công suất phát thủy điện ở Tứ Xuyên, một tỉnh phía tây nam thường dùng tới 81% điện từ các nhà máy thủy điện. Nguồn cung năng lượng giảm vào thời điểm nhu cầu làm mát lại tăng cao khiến các hoạt động sản xuất công nghiệp và đời sống bị đình trệ.
Trước tình trạng nguồn cung điện thiếu tin cậy, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hạn chế đối với việc sạc xe điện (EV) để ưu tiền các nhu cầu điện hàng ngày quan trọng hơn. Báo chí Trung Quốc đưa tin để tìm được một trạm sạc đang hoạt động ở Tứ Xuyên hoặc xung quanh Trùng Khánh phải mất tới hai giờ, trong khi trước đây chỉ mất vài phút. Phần lớn các trạm sạc công cộng, bao gồm cả những trạm được vận hành bởi các thương hiệu xe điện hàng đầu như Tesla, NIO và XPeng của Trung Quốc đã đóng cửa trong khu vực vì lệnh hạn chế của chính phủ đối với việc sạc và sử dụng điện thương mại.
Ngoài việc phải đối mặt với việc tạm dừng dịch vụ bắt buộc, chủ sở hữu xe điện cũng được khuyến khích hoặc buộc phải sạc trong giờ thấp điểm. Trên thực tế, nhà khai thác trạm sạc hàng đầu trong nước TLD đã đóng cửa hơn 120 trạm thu phí trong khu vực từ 8 giờ sáng đến nửa đêm, tức giờ điện cao điểm.
Công ty điện lực lớn nhất State Grid ra thông báo ngày 19/8 với khu vực ba tỉnh có hơn 140 triệu dân và 800.000 xe điện rằng họ sẽ giảm giá 50% nếu tài xế tính phí vào ban đêm. State Grid cũng đang giảm công suất của 350.000 trạm sạc trong ngày, vì vậy sẽ mất thêm năm đến sáu phút để sạc riêng cho từng phương tiện.
Tác động được thể hiện rõ nét trong các video chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc về hàng dài xe điện xếp hàng chờ ngoài trạm sạc ngay cả sau nửa đêm. Các tài xế taxi điện bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vì cuộc sống của họ phụ thuộc vào phương tiện mưu sinh. “Tôi bắt đầu xếp hàng lúc 8:30 tối qua và chỉ bắt đầu được sạc vào khoảng 5 giờ sáng nay” một tài xế taxi ở Thành Đô cho biết. “Về cơ bản, chúng tôi luôn phải chờ đợi. Giống như hôm nay, tôi thậm chí còn không kinh doanh được mấy. Và pin cũng sẽ lại nhanh chóng cạn”
Thách thức về sạc điện cũng đang đẩy một số người quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch. Một người chủ sở hữu xe Tesla ở Tứ Xuyên dự kiến sẽ đến Thành Đô để làm việc trong tuần nhưng quyết định lái chiếc xe ô tô chạy xăng của mình vì sợ sẽ không tìm được nơi nạp năng lượng trước khi về nhà. Một tài xế khác từ Thành Đô, sở hữu một chiếc xe lai chạy bằng cả xăng lẫn điện, nói rằng để đảm bảo thời gian, tuần này cô sẽ chuyển sang sử dụng xăng mặc dù bình thường cô hay dùng điện vì rẻ hơn một chút.
Khó khăn đột ngột trong việc thu phí sạc điện ở Tứ Xuyên và các tỉnh lân cận đã khiến ngành công nghiệp xe điện bất ngờ. “Tình trạng thiếu điện lan rộng này vẫn là điều mà chúng tôi chưa từng thấy [ở Trung Quốc]”, Lei Xing, nhà phân tích ngành công nghiệp ô tô và cựu tổng biên tập của tờ China Auto Review, bộc lộ. Ông nói thảm họa khí hậu đang nhắc nhở ngành công nghiệp rằng mặc dù Trung Quốc dẫn đầu thế giới về nhiều chỉ số áp dụng xe điện nhưng vẫn còn những điểm yếu về cơ sở hạ tầng cần được giải quyết.
“Có cảm giác như Trung Quốc đã có một cơ sở hạ tầng sạc tốt…nhưng khi một cái gì đó như kiểu lệnh hạn chế sạc xảy ra thì các vấn đề sẽ được phơi bày. Hiện tại, tất cả chủ sở hữu xe điện dựa phụ thuộc vào trạm sạc công cộng đều đang gặp khó khăn.” Xing chia sẻ.
Xây dựng hạ tầng điện thông minh
Nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu trong nước và mức giá thấp tới 4.000 USD/xe, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sử dụng xe điện. Tổng số xe điện ở Trung Quốc đã vượt qua con số 10 triệu xe vào tháng bảy - lớn nhất thế giới và gấp bốn lần con số ở Mỹ. Riêng trong năm 2021, số lượng xe điện được bán ra ở Trung Quốc đã nhiều hơn so với tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Nhưng khi số lượng xe điện cá nhân tăng lên, cơ sở hạ tầng sạc không bắt kịp được nhu cầu và đợt nắng nóng kỷ lục mùa hè này đã trở thành lời nhắc nhở khẩn cấp về vấn đề trạm sạc. GS. Daniel Kammen tại Đại học California, Berkeley chuyên nghiên cứu về hiện đại hóa lưới điện ở Trung Quốc nhận xét rằng một tỷ lệ lớn người Trung Quốc sống trong các chung cư. Đối với chủ sở hữu xe điện ở chung cư, ngay cả một điểm đỗ xe cố định cũng khó khăn và tốn kém chứ chưa nói gì đến một trạm sạc riêng.
Trong tình huống như đợt nắng nóng, các trạm sạc riêng (được coi như tiêu thụ điện dân dụng) sẽ cung cấp giải pháp thay thế ổn định cho các trạm sạc công cộng bị đình chỉ. Dù năm nay Tứ Xuyên đã phải đưa ra các biện pháp hạn chế sử dụng điện dân dụng nhưng thường thì việc này ít xảy ra hơn nhiều so với hạn chế điện thương mại và được coi là biện pháp cuối cùng để giải quyết tình trạng thiếu điện.
Lối sống của người Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc khó thiết lập các cơ sở sản xuất và lưu trữ điện phân tán như tấm pin mặt trời dân dụng. GS. Kammen lấy ví dụ, tại Mỹ, gia đình ông có hai chiếc xe điện, có tấm năng lượng mặt trời trên mái và một pin lưu trữ dự phòng trong gara để xe, do vậy việc sạc các phương điện điện trong ngày sẽ hợp lý hơn. Nhưng đây không phải là tiêu chuẩn nhà ở tại Trung Quốc, nơi chỉ có 2,8% mái nhà lắp điện mặt trời áp mái và tập trung nhiều ở các vùng nông thôn.
Người dân đi lại trong điều kiện thời tiết nắng nóng lên tới trên 50 độ Cở TP. Phụ Dương, tỉnh An Huy - Trung Quốc hôm 13-8. Ảnh: Reuters
Tình trạng thiếu điện cục bộ ở Trung Quốc có thể được cải thiện khi thời tiết dịu lại. Nhưng ngay cả khi đó, việc xây dựng một hệ thống điện có khả năng phục hồi lưới và đa dạng hóa phương thức sạc xe điện cũng là điều cực kỳ quan trọng để phục vụ cho ngành xe điện nội địa đang bùng nổ.
Các chuyên gia cho rằng ngành xe điện khó có khả năng thu hẹp, ngay cả sau giai đoạn đầy thách thức này. Một khi mọi người chuyển sang xe điện, họ có xu hướng sẽ tiếp tục dùng nó. Tian Yongqiu, một nhà phân tích ngành ô tô độc lập có trụ sở tại Trung Quốc cho biết: “Cá nhân tôi nghĩ rằng sẽ có tác động ngắn hạn không làm thay đổi tổng doanh số dự kiến của xe điện mới trong năm nay hoặc năm sau đó”
Về lâu dài, theo GS. Kammen, giải pháp ở Trung Quốc có thể sẽ liên quan đến một hệ thống lưu trữ năng lượng phân tán hơn và truyền tải điện đường dài tốt hơn, cũng như các nguồn năng lượng tái tạo sạch thay thế, bao gồm các trang trại điện mặt trời hoặc gió ngoài khơi quy mô lớn. Bản thân xe điện cũng có thể là một phần câu trả lời. Một số công ty xe điện đã thử nghiệm sạc hai chiều để thay vì trở thành gánh nặng cho lưới điện thì pin xe điện sẽ có tiền năng trở thành nguồn cung cấp năng lượng trở lại lưới khi cần. Tuy nhiên, khả năng ứng dụng hàng loạt của công nghệ này vẫn còn rất xa.
Ít nhất, những gì đã xảy ra trong mùa hè này sẽ cung cấp một loạt bài học quan trọng và cấp bách cho các bên liên quan. Xing ước tính đến năm 2025, hơn một nửa số ô tô mới được bán ở Trung Quốc có thể là xe điện. “Nếu có tổng cộng 30 triệu xe được bán ra thì 15 triệu trong số đó sẽ là xe năng lượng mới. Làm thế nào để lưới điện thỏa mãn được nhu cầu đó? Đó là câu hỏi dài hạn.” ông nói.
Ở Việt Nam, dự báo xu thế xe điện trong 30 năm tiếp theo cho thấy, nếu có các chính sách khuyến khích xe điện hợp lý để kích cầu sử dụng thì trong kịch bản cao nhất (tức 100% xe máy bán ra trên thị trường, 70% ôtô con và 30% xe bus, xe bán tải, xe tải hạng nhẹ và hạng trung mới chạy điện vào năm 2050), nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông có thể lên tới 71,87 tỉ kWh - tương đương công suất của 10 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Điều này sẽ tạo nên áp lực về nguồn và hệ thống lưới điện. Trong trường hợp điện dùng cho xe điện được khai thác chủ yếu từ nguồn năng lượng tái tạo thì những thách thức về hạ tầng và quản lý sẽ còn tăng lên, do điện tái tạo là nguồn năng lượng không ổn định và cần các thiết bị lưới điện thông minh để điều khiển. |