Theo các nhà nghiên cứu chính sách về năng lượng, việc phát triển xe điện ở Việt Nam phải đi kèm với giải bài toán về nguồn điện.
Tại tọa đàm trực tuyến “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam” do Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) và Lab 100RE tổ chức sáng 21/12, TS Nguyễn Quốc Khánh - chuyên gia năng lượng, đại diện nhóm nghiên cứu "Phát triển xe điện: Dự báo xu thế và hàm ý cho Việt Nam" cho biết, với kịch bản cao nhất, tức 100% xe máy bán ra trên thị trường, 70% ôtô con và 30% xe bus, xe bán tải, xe tải hạng nhẹ và hạng trung mới chạy điện vào năm 2050 - thì nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông có thể lên tới 71,87 tỉ kWh, tương đương công suất của 10 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Trong khi đó, tại kịch bản điện hóa giao thông ở mức thấp hơn - xe máy điện mới chiếm 65% và ô tô điện mới chiếm 30% vào năm 2030 - thì nhu cầu điện cho năm 2030 tương đương với 1/2 nhà máy thủy điện Hòa Bình, và cho năm 2050 tương đương 2 nhà nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Ở kịch bản thấp nhất, khi các phương tiện điện lưu hành mới ở Việt Nam chủ yếu là xe máy điện và chiếm từ 18-40% trong giai đoạn 2030-2050, thì nhu cầu điện cho giao thông chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Để đưa ra dự báo, nhóm của TS Nguyễn Quốc Khánh dùng công cụ
Calculator 2050 - một mô hình mã nguồn mở trực tuyến hỗ trợ hoạch định chính sách về năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính do Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Vương quốc Anh xây dựng.
Ông nhấn mạnh việc ước tính nhu cầu điện tiềm năng từ hoạt động điện hóa trong giao thông sẽ chỉ ra sự cần thiết trong việc phát triển nguồn điện và các yêu cầu về hạ tầng, vận hành trong tương lai.
Trên thực tế, Việt Nam thường mất từ 3-5 năm để xây dựng một nhà máy điện mới và đường truyền tải lên lưới. Mặt khác, xe điện phải sử dụng trạm sạc và việc vận hành trạm sạc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ thống điện như tăng áp, quá tải.
Trong trường hợp điện dùng cho xe điện được khai thác chủ yếu từ nguồn năng lượng tái tạo thì những thách thức về hạ tầng và quản lý sẽ còn tăng lên, do điện tái tạo là nguồn năng lượng không ổn định và cần các thiết bị lưới điện thông minh để điều khiển.
Ông Phan Công Tiến, chuyên gia năng lượng độc lập, cho rằng giảm phát thải chỉ có ý nghĩa khi xe điện chạy bằng năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) và đặc thù của loại năng lượng này là phải phát triển phân tán giống như phát triển cấp nước, do vậy cần có những tổng công ty phân phối và những công ty điện lực nhỏ hơn ở tỉnh để phân phối về các trạm sạc.
"Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị thí điểm Chương trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo bán trực tiếp cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên phát triển thêm chương trình bán lẻ, làm công tác kinh doanh trạm sạc điện cùng đầu tư xây dựng nguồn điện phân tán để đáp ứng cho khu vực mình kinh doanh. Và khi người tiêu dùng sử dụng chỉ cần phải trả chi phí cho đơn vị kinh doanh này. Chính sách này sẽ tạo ra thị trường tự do, đồng thời giúp khách hàng có được giá điện sạc xe tốt hơn và bài toán nguồn điện cũng được đảm bảo" - ông Tiến gợi ý.
Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), việc phát triển xe điện hóa ở các quốc gia nói chung phụ thuộc vào cơ cấu năng lượng nguồn điện nhưng các ưu đãi của Chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng. VAMA tin rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển xe điện và có thể đạt mức 100% phương tiện cá nhân và xe bus chạy điện vào năm 2045. Tuy nhiên, để làm được điều đó, nhà nước cần ra những chính sách hỗ trợ về tài chính cho quá trình R&D và sản xuất, các khoản ưu đãi thuế với người tiêu dùng và cụ thể hóa những quy định về xử lý các sản phẩm thải bỏ liên quan đến xe điện.