Trở lại quá khứ và lật giở những ký ức bi thương về một giai đoạn đen tối trong lịch sử dân tộc - nạn đói năm Ất Dậu, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Australia đã cùng tìm hiểu về tác động lâu dài của nạn đói tới số phận của những người đã trải qua nạn đói và cả thế hệ con cái của họ.

Có lẽ ở thời điểm hiện nay, khó có thể hình dung ra được hết sự khủng khiếp của sự kiện lịch sử này. Công trình “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” do giáo sư Văn Tạo và GS. Furuta Moto chủ trì đã trích dẫn câu nói đau xót của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời điểm đó: “Nạn đói nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ trong sáu năm chiến tranh, nước Pháp chết 1 triệu người, nước Đức chết chừng 3 triệu người. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn 2 triệu người” (trên tổng dân số Việt Nam lúc đó là 25 triệu người - PV).


Diễn ra vào năm 1944-1945 nhưng nạn đói còn lưu lại dấu vết đến mấy chục năm sau. Vào đầu những năm 1990, khi đến từng làng xã thực địa, đoàn nghiên cứu của giáo sư Văn Tạo và Furuta Moto vẫn còn được nghe lại những ký ức đau buồn: “Ở xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, gia đình ông Tô Trạch (còn gọi là Tô Nuôi, vì đi làm con nuôi người khác mà được cứu sống) có 4 người chỉ còn lại một mình ông. Hay như gia đình cụ Hoàng Phác, bốn thế hệ chung sống với nhau cộng tất cả là 31 người, chết đói 26 người, chỉ còn sống sót 2 người, và 2 người tha phương cầu thực, đến nay vẫn còn mất tích 1 người”. Riêng tỉnh Thái Bình, theo điều tra của Ban Lịch sử, Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), “cả tỉnh chết đói mất 280.000 người”, các tỉnh khác như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình lần lượt chết đói 212.218 người, 50.398 người, 37.939 người.

Chính ở đỉnh điểm của nạn đói, Việt Minh đã đứng bên cạnh dân nghèo, cùng họ phá các kho thóc Nhật để cứu đói. Điều đó đã giúp Việt Minh có được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, vận động được dân nghèo đi theo cách mạng. Trên báo Cứu Quốc, số 20 ra ngày 5/5/1945, lời hiệu triệu đã tuyên “Những ai còn thóc không đủ ăn! Những ai kiếm tiền không đủ đong gạo! Những ai sống vất vưởng chờ ngày chết đói! Đừng rụt rè, đừng sợ giặc đàn áp. Phải tìm cái sống trong cái chết”. Đó là thời điểm cả dân tộc đứng lên đấu tranh, thoát khỏi kiếp nô lệ, và cũng là thời điểm bước ngoặt của dân tộc Việt Nam bước sang một trang sử mới với chiến thắng lẫy lừng: Việt Nam giành được độc lập, chiến thắng giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt.

Đánh giá ảnh hưởng lâu dài từ các mốc lịch sử

Nhìn vào những nghiên cứu lịch sử này, chúng ta có thể hình dung ra ngay tác động trực tiếp và bi thảm của nạn đói đối với những phận người, phận đời lam lũ, nghèo túng. Nhưng liệu tác động của sự kiện lịch sử đen tối này có tác động đến những thế hệ sau? Độ lùi về mặt thời gian của hơn sáu thập niên có thể cho chúng ta thấy điều gì?

Nhiều trẻ em miền núi không được chăm lo đầy đủ. Ảnh: baoquangngai.vn

“Các biến cố như nạn đói, chiến tranh, dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng để lại những thông tin rất quan trọng về tác động lên đời sống con người mà bình thường không ai dám làm thực nghiệm như vậy cả”, TS. Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, nói. Theo cách như vậy, anh và cộng sự ở Australia đã tìm về nạn đói năm Ất Dậu để đánh giá tác động của nó đến những nhân chứng của nạn đói và con cái của họ. Kết quả đã được công bố trên tạp chí Health Economics, top 5 nhóm ngành kinh tế sức khỏe (“Long-term effects of malnutrition on early-life famine survivors and their offspring: New evidence from the Great Vietnam Famine 1944–1945” [Ảnh hưởng lâu dài của việc thiếu dinh dưỡng đến những người còn sống từ nạn đói và con cái họ: Bằng chứng mới từ nạn đói của Việt Nam năm 1944-1945]).

“Theo các lý thuyết y khoa về sự phát triển của con người thì việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời sẽ tác động lớn tới sự phát triển của não bộ, khả năng nhận thức của trẻ em sau này. Lý thuyết này gợi ý rằng nạn đói có thể đã tác động tới người sống sót sau nạn đói nhiều năm sau đó, chứ không chỉ là số lượng người chết đói nhìn thấy được”, anh giải thích. Đây chính là lý do mà anh cùng cộng sự quyết định sử dụng dữ liệu điều tra dân số, dữ liệu điều tra hộ gia đình và tìm kiếm dữ liệu hành chính trong lịch sử ở giai đoạn xảy ra nạn đói để tìm ra những tổn thất do nạn đói gây ra mà chưa ai nhìn thấy. Để đánh giá được ảnh hưởng của nạn đói, diễn ra từ tháng 10/1944 đến tháng 5/1945, lên những người sinh ra vào thời gian này, TS. Hoàng Xuân Trung tập trung vào khảo sát nhóm những người sinh ra từ tháng 10/1942 đến tháng 3/1946. Những người sinh ra trong thời điểm này sẽ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong khi đó thời kỳ 1000 ngày đầu tiên của trẻ em (bao gồm cả thời kỳ trong bào thai) là quan trọng nhất cho sự phát triển đầy đủ của não bộ.

Tháng 6/1940, Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Lợi dụng cơ hội này, phát xít Nhật gây sức ép lên chính quyền Pháp tại Đông Dương nhằm thế chân Pháp. Ngày 30/8/1940, Pháp và Nhật ký Hiệp định chính trị Tokyo, trong đó Pháp chấp nhận hầu hết các yêu sách của Nhật. Đây cũng là thời điểm phát xít Nhật gia tăng quy mô chiến tranh, ký hiệp ước kinh tế với Pháp. Một quyết định ảnh hưởng lớn tới nguồn cung lương thực cho người dân vào năm 1941- 1942, Chính phủ Pháp đã cam kết cung cấp cho Nhật khoảng một triệu tấn gạo trắng từ Đông Dương, buộc nông dân phải bán gạo cho chính quyền. Ước tính số lượng gạo mà nông dân ở các vùng chịu ảnh hưởng của nạn đói ở miền Bắc đã buộc phải bán cho Nhật vào khoảng 130-180 nghìn tấn gạo, trong đó có nhiều nông dân không đủ gạo bán còn phải mua trên thị trường với giá cao để đủ “chỉ tiêu” bán cho nhà nước.

Thật không may cho người dân Bắc Bộ khi đây cũng là thời điểm khí hậu Bắc Bộ khắc nghiệt cùng cực. Trong lịch sử khí hậu Việt Nam thì lũ lụt là một loại thiên tai nguy hiểm nhất và gây hậu quả nặng nề nhất ở Bắc Bộ. Theo nghiên cứu của giáo sư Gregg Huff, trường Đại học Oxford, lượng mưa từ tháng 8 đến tháng 10/1944 cao hơn 50% so với mức trung bình hằng năm. Lượng mưa nhiều đã dẫn đến vỡ đê và lũ lụt, sản lượng gạo bị thiếu hụt nghiêm trọng ở Miền Bắc. Thêm vào đó, mùa đông lạnh giá bất thường năm 1944-1945, nhiệt độ giảm xuống còn 60C đã phá hủy một lượng lớn các cây lương thực, hoa màu khác ngoài lúa. Lượng gạo tích trữ thấp một phần là do mùa thu năm 1943 nông dân đã bị ép buộc bán gạo dự trữ cho chính quyền Pháp. Trong khi đó, hệ thống cung cấp lương thực từ miền Nam ra miền Bắc bị đứt gãy do Mỹ ném bom làm hỏng hệ thống đường sắt và đường bộ ở vỹ tuyến 17. Và hệ quả là tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng, giá gạo ở miền Bắc tăng 1400%.

Ai chịu ảnh hưởng?

Với mốc thời gian đã định hình như vậy, TS. Hoàng Xuân Trung và cộng sự đã phân loại những người chịu ảnh hưởng của nạn đói Ất Dậu. Nhóm sinh ra chịu ảnh hưởng của nạn đói trong ba năm từ lúc hoài thai và đầu đời được so sánh với hai nhóm đối chứng là những người sinh ra từ tháng 5/1939 đến tháng 9/1942 (nhóm này đã qua giai đoạn 1.000 ngày tuổi khi nạn đói bắt đầu xảy ra vào tháng 10/1944 nên việc thiếu dinh dưỡng sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của não) và nhóm sinh ra từ tháng 4/1946 và tháng 7/1949 (đây là nhóm sinh sau khi nạn đói đã diễn ra nên không bị tác động của việc thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn 1000 ngày). Việc so sánh hai nhóm – nhóm bị ảnh hưởng bởi nạn đói và nhóm đối chứng - ở trong cùng bối cảnh xã hội như nhau, chỉ khác nhau ở điểm có hoặc không phải chịu đựng nạn đói sẽ giúp các nhà nghiên cứu loại bỏ được các yếu tố nhiễu có thể ảnh hưởng đến kết quả ước lượng để thấy rõ tác động của nạn đói.

Từ dữ liệu các cuộc tổng điều tra dân số và điều tra mức sống hộ gia đình các năm 1989, 1993, 1998, 2009, các nhà nghiên cứu đã lọc ra 30% số mẫu quan sát nằm trong vùng bị ảnh hưởng của nạn đói, 70% còn lại là nhóm trước và sau nạn đói. Một trong những kết quả quan trọng họ phát hiện ra là nạn đói đã ảnh hưởng lên thể trạng của người phải hứng chịu nạn đói. Những con số hữu hình đã giúp chúng ta hình dung được điều này: hơn 50 năm sau, những người sinh ra đã hứng chịu nạn đói có chỉ số khối cơ thể (BMI) giảm 5,6% –8,4%, chiều dài sải tay giảm 4,5% –6,7% (1,1–1,7 cm), chiều cao 2,2% –3,2% (3,4–5 cm ) và trọng lượng giảm 10% –14% (4,7–6,9 kg) so với các nhóm đối chứng. Nếu không có nạn đói này, những người Việt Nam sinh ra trong giai đoạn 10/1942-3/1946 không chỉ cao hơn từ 3 đến 5 cm mà còn mạnh khỏe hơn và có chất lượng sống tốt hơn hẳn. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra những người sinh ra và bị ảnh hưởng bởi nạn đói có tỷ lệ biết đọc, biết viết thấp hơn so với những người sinh ra cũng thời kỳ nhưng không bị ảnh hưởng bởi nạn đói.

Khi thể trạng con người kém hơn, trình độ giáo dục thấp hơn thì về sau này thu nhập của họ cũng kém hơn. Quả thực, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hơn 50 năm sau nạn đói, hộ gia đình có người bị ảnh hưởng của nạn đói có thu nhập và chi tiêu phi lương thực thấp hơn so với hộ gia đình không có người bị ảnh hưởng bởi nạn đói.

Tuy nhiên, những tác động về mặt thể chất còn không phải là tác động lớn nhất. Nạn đói để lại những ảnh hưởng dai dẳng lên cơ hội học tập về sau của chính những nạn nhân nạn đói và con cái họ”, TS. Hoàng Xuân Trung nói. Nhóm nghiên cứu đã tính toán và tìm thấy cơ hội đi học của trẻ em trong độ tuổi đi học từ 7-17 tuổi nhưng có mẹ bị ảnh hưởng bởi nạn đói thấp hơn 6% so với trẻ em có mẹ không bị ảnh hưởng bởi nạn đói.

Với các nhà nghiên cứu, việc nhìn lại quá khứ không chỉ để đánh giá được những tác động lâu dài, dai dẳng của một giai đoạn đáng nhớ trong lịch sử dân tộc. TS. Hoàng Xuân Trung cho biết, “Từ những bằng chứng này, nhà nước cần có những điều chỉnh chính sách hỗ trợ các nhóm nghèo đói ngay từ lúc họ chuẩn bị sinh con và có con”. Dù nhà nước hiện có các chương trình hỗ trợ chăm sóc y tế, trợ cấp cho người cao tuổi, miễn phí khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi và hỗ trợ suất ăn cho trẻ em ở độ tuổi tới trường tại các vùng sâu vùng xa nhưng từ các kết quả nghiên cứu có thể thấy, cần có sự tập trung trong chính sách hỗ trợ vào giai đoạn từ lúc người mẹ mang thai tới lúc trẻ 2 tuổi. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng và sẽ ảnh hưởng lâu dài tới thể chất của trẻ, tương lai của trẻ cũng như khả năng học tập và cơ hội việc làm của trẻ sau này.

Do vậy, anh khuyến nghị "nếu Việt Nam muốn tiếp tục xóa đói giảm nghèo hay giảm bất bình đẳng cho người dân tộc thiểu số, người nghèo đói một cách bền vững thì nên bổ sung thêm các chính sách cung cấp thức ăn cho những trẻ em dưới 2 tuổi sống ở trong hộ nghèo đói. Đối với phụ nữ có thai thuộc hộ nghèo được điều trị, khám thai định kỳ, miễn phí, cũng như trợ cấp thu nhập để những phụ nữ đó ăn uống đủ dinh dưỡng cho bào thai". Chính sách ấy tốt hơn nhiều so với việc đợi đến khi đứa trẻ lớn lên chính phủ mới hỗ trợ cho đi học. Hiệu quả của đồng tiền hỗ trợ lúc đó sẽ không hiệu quả bằng khi hỗ trợ chính đứa trẻ ấy khi còn trong bào thai và dưới hai tuổi.

Nếu Việt Nam muốn tiếp tục xóa đói giảm nghèo hay giảm bất bình đẳng cho người dân tộc thiểu số, người nghèo đói một cách bền vững thì nên bổ sung thêm các chính sách cung cấp thức ăn cho những trẻ em dưới 2 tuổi sống ở trong hộ nghèo đói.

TS Hoàng Xuân Trung

Tài liệu tham khảo
Huff, G. (2019). Causes and consequences of the Great Vietnam famine, 1944-1945. The Economic History Review, 72(1), 286–316.