Theo ông Nguyễn Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - lúa cấy hàng biên có năng suất không kém cũng không vượt so với cấy truyền thống. Bà Lại Thị Bích Hợi - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Hưng, Thái Bình - cũng phản ánh, ở nhiều ruộng cấy hàng biên, năng suất tăng không đáng kể. Tuy nhiên theo bà, nguyên nhân là nông dân không làm đúng hướng dẫn, do tiếc đất nên cấy dày thêm.
“Không dễ để bà con từ bỏ tập quán canh tác cũ. Việc thay đổi nếp tư duy truyền thống ngay cả với các nhà khoa học cũng khó chứ đừng nói nông dân” - TS Nguyễn Văn Biếu - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Hà Nội - nói. “Ngay trên bao bì lúa giống bán cho bà con vẫn ghi cấy 40-50 khóm/m2, mặc dù chính tác giả của giống lúa từng phổ biến rằng với giống này, nên cấy theo hiệu ứng hàng biên. Tôi vẫn hay dùng khái niệm “lúa quyền” - tức cây lúa cũng có quyền phát triển một cách tối ưu, nhưng trên thực tế chúng ta vẫn cứ dồn ép cấy dày, khiến cây lúa không sinh trưởng đầy đủ”.
TS Biếu cho biết, theo các khảo nghiệm khoa học có đối chứng mà ông đã thực hiện, cấy hàng biên cho năng suất tăng 40% so với gieo sạ và tăng 25% so với cách cấy dày 40-50 khóm/m2.
KS Chu Văn Tiệp cũng chia sẻ: “Vụ mùa 2013 và vụ xuân 2014, cơ quan khuyến nông xã Tam Đa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đều báo cáo với lãnh đạo huyện là năng suất cấy hàng biên chỉ tăng 5-6%. Tôi và TS Biếu xuống địa phương cho gặt đối chứng 2 ruộng có cùng giống lúa PC15. Ruộng tốt nhất cấy theo mật độ 24-26 khóm/m2 cho năng suất thấp hơn 25% so với ruộng cấy 12,5 khóm/m2, tức chênh nhau gần 1,9 tấn/ha lúa tươi”.
Cũng nhấn mạnh cái khó trong thay đổi tư duy của người dân, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc - nói: “Trước kia bà con đang quen mật độ cũ rồi nên khi thay đổi kỹ thuật, phải thay đổi thói quen cấy dày là điều khó. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình cho bà con, đồng thời mở rộng diện tích cấy hàng biên ở nhiều huyện như Tam Đảo, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô…”.