“Tôi xác định chừng nào còn làm ruộng thì sẽ còn cấy hàng biên” - bà Trần Thị Lê, ở xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc - nói. Không mất tiền đầu tư để áp dụng công nghệ mới, bà dễ dàng làm thử và được lợi thêm hàng chục triệu đồng mỗi hécta so với cách cấy cũ.

Hiệu quả kinh tế của phương pháp cấy hàng biên do KS Chu Văn Tiệp đề xuất không chỉ được các chuyên gia uy tín về lúa khẳng định (xem báo Khoa học và Phát triển số 26 và ấn phẩm điện tử Khoahocphattrien.vn), mà còn thể hiện trong thực tế canh tác ở các địa phương như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam…

Người dân xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, Thái Bình cấy vụ mùa 2016 theo phương pháp hiệu ứng hàng biên. Ảnh: Đ.Dung
Người dân xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, Thái Bình cấy vụ mùa 2016 theo phương pháp hiệu ứng hàng biên. Ảnh: Đ.Dung

Xã Nguyệt Đức, Yên Lạc, Vĩnh Phúc: Năng suất tăng 15-20%, xác định cấy dài hạn

“Xã có 12 thôn đều áp dụng cấy hàng biên, chiếm 80% tổng diện tích (khoảng 250ha)” - ông Phạm Văn Hạnh - Chủ tịch xã Nguyệt Đức - hồ hởi nói. Ông cho biết, với phương pháp này, lượng giống giảm một nửa, tốc độ cấy tăng gấp đôi do khoảng cách thưa.

Còn Chủ tịch Hội Nông dân xã Tạ Việt Hà cho biết khi áp dụng cấy hàng biên, năng suất tăng 15-20% so với cấy rối, đạt khoảng 220kg/sào, vụ chiêm thường cho năng suất cao hơn vụ mùa, trong khi lượng phân bón giảm 20-30%.

“Sau vụ đầu chỉ có 3 hộ áp dụng và có kết quả tốt, chúng tôi tổ chức hội nghị đầu bờ cho dân xem thực tế, 162 hộ đến dự thì 126 hộ làm theo. Cứ mỗi sào cấy hàng biên, xã hỗ trợ 100.000 đồng. Thấy hiệu quả rõ rệt, đến vụ thứ ba thì bà con chủ động cấy theo phương pháp này” - ông Hà kể.

Nói về sức lan tỏa của kỹ thuật này, bà Nguyễn Thị Lan - một trong 3 hộ áp dụng đầu tiên - kể: “Vụ đầu tôi cấy 1,1 sào. Hôm gặt, cô em dâu đến giúp thấy hiệu quả cao nên vụ sau cũng cấy hàng biên. Năm nay nhà tôi có 8 sào đều cấy hàng biên. Nhưng muốn hiệu quả thì phải đúng quy trình. Tôi thấy nhiều hộ cấy hàng biên nhưng vẫn tiếc đất, cấy dày, năng suất không cao”.

Ông Tạ Việt Hà khẳng định, bệnh rầy nâu không phát triển được nếu cấy hàng biên do ánh nắng đến tận gốc lúa, cây chắc khỏe, chống được cả mưa bão. “Đến nay là vụ thứ bảy, xã đang tập huấn thêm cho các chi hội, thôn dân cư... và xác định đây là phương pháp cấy dài hạn, áp dụng cho tất cả các vụ” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyệt Đức cho biết.

Xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, Thái Bình: Chủ trương nhân rộng mô hình

Kỹ thuật cấy hàng biên được áp dụng lần đầu ở Phú Lương năm 2014, với 10 hộ tham gia. Ông Nguyễn Trọng Thành - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phú Lương - cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ 100.000 đồng/sào và cam kết nếu hụt năng suất sẽ bù. Sau khi cấy, có 3 hộ vì tiếc đất đã trồng thêm quá 20 khóm/m2 nên không tính; 7 hộ còn lại cho năng suất cao nên tự tăng diện tích cấy các vụ sau”.

Vụ xuân 2015 xuất hiện dịch đạo ôn, thay vì phải phun thuốc 5-7 lần thì lúa cấy hàng biên chỉ phải phun 3-4 lần. Được mùa, các hộ cấy hàng biên tự tổ chức hiệp hội cấy thưa, hằng ngày tự làm báo cáo về việc tăng năng suất gửi HTX dù HTX không có bất kỳ hỗ trợ gì. Vụ mùa năm đó, diện tích cấy hàng biên đã tăng lên 25ha. Cuối vụ, UBND huyện tổ chức hội nghị đầu bờ tại Phú Lương, tập trung 43 chủ nhiệm HTX và các ban chuyên môn.

“Trong hội nghị đó, chúng tôi chỉ rõ hiệu quả kinh tế của cấy hàng biên: Giảm chi phí đầu vào từ 275.000-300.000 đồng/sào, năng suất tăng 10%, làm lợi hơn 400.000 đồng/sào, tương đương 12 triệu đồng/ha. Trước kia để cấy 1 sào phải gieo 3,5-4m2 mạ nền, giờ chỉ cần 1,5m2. Trước kia, một người mỗi ngày cấy được 1 sào thì với phương pháp này họ cấy được 2-2,5 sào. Đó là chưa kể việc giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, đỡ hại môi trường” - ông Thành say sưa.

Năm 2016, Phú Lương có 60ha cấy hàng biên vào vụ xuân và 100ha trong vụ mùa. Bà Lại Thị Bích Hợi - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Hưng - cho biết, cơ quan khuyến nông huyện chủ trương nhân rộng mô hình này.

Xã An Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam: Bà con không bỏ ruộng nữa

Ông Nguyễn Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ - cho biết hiện phương pháp cấy hàng biên được áp dụng đại trà ở 2 thôn Cao Cái và Cát Tường, chiếm khoảng 80% số hộ. Vụ mùa 2016, toàn xã có 160-170ha cấy hàng biên, chiếm 30% diện tích. Để thay đổi tập quán canh tác của bà con, chính quyền và khuyến nông xã phát tờ rơi, tích cực tuyên truyền.

Nói về lợi ích kinh tế của cấy hàng biên, ông Lượng liệt kê: “Lượng giống giảm 50%. Ví dụ cấy theo kiểu cũ cần 1kg/sào, nhưng cấy hàng biên nếu đúng kỹ thuật chỉ cần 5 lạng. Một lợi ích nữa là giảm sâu bệnh, nhất là bệnh khô vằn; giảm 50% công cấy, thường mỗi người cấy được ngày 1 sào, nhưng theo cách này thì được 2 sào, có người 4 sào”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ An - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bình Lục - đánh giá cao phương pháp cấy hàng biên ở khía cạnh giúp dân gắn bó với nghề nông: “Ở nông thôn Hà Nam, bà con bỏ ruộng nhiều. Việc áp dụng cấy hàng biên giúp giảm công cấy rõ rệt, bà con không bỏ ruộng nữa”.