Những vướng mắc từ người canh tácBên cạnh việc thừa nhận hiệu quả tăng năng suất, giảm đầu tư của phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên do kỹ sư (KS) Chu Văn Tiệp sáng tạo (
xem báo Khoa học và Phát triển các số 26, 29 và báo điện tử Khoahocphattrien.vn), một số nông dân cũng nêu vài điểm mà họ chưa thực sự hài lòng.
Ông Nguyễn Văn Toàn - thôn Cát Tường, xã An Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam - cho rằng với việc cấy hàng biên, khâu bón phân sẽ vất vả hơn vì phải đi theo hàng để bón vào gốc lúa chứ không thể vãi cả ruộng.
Bà Lại Thị Bích Hợi - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Hưng, Thái Bình - có nhận được phản ánh tương tự. Ngoài ra, một số bà con “kêu” do cấy thưa, ruộng nhiều ánh sáng nên cỏ phát triển nhanh. Bà Nguyễn Thị Mỹ An - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bình Lục, Hà Nam - cũng coi tốn công làm cỏ là nhược điểm của cách cấy này.
Còn ông Nguyễn Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ - cho rằng cấy hàng biên không phù hợp với người trên 50 tuổi vì phải cúi, gây đau lưng: “Bà con quen cấy giật lùi, không tốn sức, còn cấy hàng biên phải lội hết cả ruộng”. Lý giải về chuyện bà con kêu cấy hàng biên vất vả, ông Hoàng Công Thắn - Giám đốc HTX dịch vụ Cao Cát, xã An Mỹ - nói: “Những hộ không có đủ 2 người thì không theo được phương pháp này vì phải có 2 người lội từ đầu ruộng đến cuối ruộng để căng dây sau mỗi hàng cấy”.
Cấy khó là do thói quenTiến sỹ (TS) Nguyễn Văn Biếu - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Hà Nội - nói: “Việc bà con nói cấy hàng biên không hợp với người trên 50 tuổi vì phải cúi chỉ là do chưa quen. Cấy theo cách cũ thì vẫn phải cúi, lại còn phải cấy đến 40-50 khóm/m2, so với 12-14 khóm/m2 ở cấy hàng biên. Chuyện phải có 2 người mới cấy được cũng không đúng. Trên thực tế nhiều gia đình chỉ có một người cấy, hết hàng này thì chuyển dây xuống vị trí mới rồi cấy tiếp hàng kia. Hiện nay do chủ trương dồn điền đổi thửa, có những ruộng rất rộng, bà con rất sáng tạo căng dây ước lượng cấy 1/2-1/3 ruộng trước, sau đó cấy tiếp phần còn lại”.
KS Tiệp cho biết, cách dùng thước 2 dây sẽ thuận lợi hơn thước 1 dây mà bà con Bình Lục, Hà Nam đang làm: Khi cấy đến cuối hàng, chỉ cần chuyển đầu dây lên là cấy hàng tiếp theo, cứ thế luân phiên, chỉ một người cũng cấy khỏe.
Tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc - nơi đầu tiên cấy hàng biên - nông dân không thấy phương pháp này khó thực hiện. Bà Nguyễn Thị Lan - người đã 7 vụ cấy hàng biên - nói: “Quen tay rồi, tôi cấy rất nhanh mà vẫn đảm bảo. Một mình tôi cũng cấy được, cứ đem dây ra tự chăng rồi cấy”.
Bà Phạm Thị Liên - người cùng xã, đã cấy hàng biên 5 vụ - nói: “Lúc mới nghe phổ biến tôi cứ sợ khó, không làm được, sau vụ đầu tiên đã quen nên tôi cấy rất nhanh và đều”. Ông Tạ Việt Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã - cũng khẳng định nhiều người thậm chí cấy không cần căng dây.
Bón phân, làm cỏ đúng cách sẽ nhànKS Tiệp cho biết, sự vất vả trong khâu bón phân xuất phát từ sự hiểu lầm của nông dân: “Tôi từng hướng dẫn bà con chỉ bón vào hàng hẹp, hàng sông lớn không bón. Chỉ cần đứng giữa 2 hàng, 2 tay vung nắm phân vãi đều dọc theo hàng, mỗi lần khoảng 4-5m, như thế 1 sào chỉ mất 25 phút. Nhưng nhiều người lại bón vào từng gốc lúa, mất thời gian, tốn phân mà còn làm chết lúa”.
Theo GS-TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương - thói quen bón vãi gây chai đất, lãng phí phân. Việc bón theo hàng chỉ khó lúc đầu, quen rồi sẽ rất nhanh.
“Chúng tôi đang thử nghiệm ở diện rộng công nghệ vừa cấy vừa bón, chỉ bón một lần cho đến lúc thu hoạch, dùng phân NPK hữu cơ nhả chậm trong 6 tháng, khi ném xuống đất thì gắn vào đất, không bị trôi. Mỗi sào chỉ cần 25kg, rẻ hơn nhiều so với cách bón cũ, có thể áp dụng với phương pháp cấy hàng biên vì độ lan tỏa của phân rất lớn” - ông Quý nói.
Về chuyện cỏ dại phát triển nhanh khi cấy hàng biên, GS-TSKH Trần Duy Quý cho rằng điều đó chỉ xảy ra trong khoảng 45 ngày đầu. Khi lúa phát triển khép tán thì hàng hẹp sẽ không đủ ánh sáng cho cỏ dại phát triển, bà con chỉ việc làm cỏ cho hàng rộng, rất dễ dàng.
Còn KS Chu Văn Tiệp cho biết ông đang vận động bà con làm cào giống cào thóc nhưng rộng hơn: “Dùng cào này đẩy đi đẩy lại giữa hàng sông lớn, chỉ 40 phút là xong một sào lúa. Còn hàng hẹp thì không phải làm vì khi lúa khép tán, cỏ bên dưới không đủ ánh sáng để phát triển, nếu mọc cũng rất ít”.