Nghiên cứu mới của dự án Carbon toàn cầu và Đại học East Anglia (Anh) cho thấy, mức phát thải carbon gần như không đổi suốt 3 năm qua.

Thực ra, lượng carbon dioxide phát thải từ việc dùng nhiên liệu hóa thạch năm 2016 được dự đoán sẽ tăng khoảng 0,2% so với năm 2015; lượng khí phát thải toàn cầu sẽ ở mức 36,4 tỷ tấn - tức là năm thứ ba liên tiếp thay đổi không đáng kể.

Theo các nhà khoa học, vẫn còn quá sớm để kết luận thế giới đã đạt đến đỉnh cao trong việc giảm phát thải carbon. Họ cũng chưa rõ sự đi ngang của chỉ số này là một đốm sáng tạm thời hay xu hướng lâu dài.

Các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu hóa thạch là nguồn phát thải carbon quan trọng. Ảnh: USA Today

Theo Giáo sư David Reay thuộc Đại học Edinburgh, Anh, trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mối liên hệ giữa việc tăng khí thải carbon và lợi ích kinh tế phải được phá vỡ. “Đã có những tín hiệu đầu tiên cho thấy mọi chuyện đang trở nên lạc quan hơn” - ông Reay nói.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, sự sụt giảm tiêu thụ than ở Trung Quốc kể từ năm 2012 là nguyên nhân giảm khí phát thải carbon trên toàn thế giới. “Cho đến nay, việc giảm phát thải carbon được thúc đẩy bởi Trung Quốc” - Glen Peters, đồng tác giả nghiên cứu, nói.

Theo ông, chính sách chống biến đổi khí hậu của Trung Quốc sẽ có vai trò rất quan trọng trong tương lai, bởi nước này đứng thứ hai (sau Mỹ) về lượng khí thải toàn cầu - chiếm gần 30%.

Nghiên cứu trên cho biết lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc giảm 0,7% trong năm 2015 và ước tính sẽ giảm thêm 0,5% trong năm 2016.

Ông Peters tin rằng tốc độ tăng trưởng của lượng khí thải carbon trong những năm tới sẽ phụ thuộc vào chính sách về khí hậu và năng lượng của các nước để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris.