Ông Phan Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Petech - cho biết, hệ thống này có công suất 300 tấn/ngày, dây chuyền khép kín nhờ tích hợp kỹ thuật tự động hóa, vận hành bằng máy tính, có thể điều khiển và giám sát từ xa.
Hệ thống RmS, giám sát điều khiển và vận hành tự động của công nghệ XLR plasma.
Ưu điểm nổi bật của nó là xử lý triệt để chất thải hữu cơ và vô cơ. Lượng khí sinh ra được xử lý sạch chất độc trước khi thải ra môi trường. Khí nhiên liệu được tái sử dụng, thu hồi năng lượng. Chất thải sau khi đốt là xỉ thủy tinh rắn dùng để sản xuất gạch block, bêtông...
Lò plasma cũng có thể xử lý hầu hết các loại chất thải, gồm rác sinh hoạt, rác y tế, rác công nghiệp nguy hại - mà không cần phân loại.
Theo ông Dũng, rác thải sinh hoạt ở Việt Nam thuộc dạng “hỗn độn”, khó xử lý triệt để bằng các công nghệ thường (đốt ở nhiệt độ dưới 12000C). Việc ứng dụng công nghệ plasma sẽ giúp giải quyết tốt tình trạng này.
Chi phí đầu tư cho lò xử lý rác plasma cao gần gấp đôi so các lò đốt rác thường (giá thiết bị công nghệ 50.000USD/tấn). Tuy nhiên, nếu tính hiệu quả kinh tế lâu dài cho cộng đồng thì bằng, thậm chí lợi hơn những công nghệ khác nhờ giảm diện tích chôn lấp, ít hao tốn nhiên liệu, diện tích mặt bằng cho hệ thống cũng chỉ chiếm 10m2/tấn rác thô.