Dựng phòng lab trong nhà riêng
Một ngày của nhà khoa học tuổi 70 Nguyễn Thị Chính bắt đầu từ 5h đến 23h, chủ yếu dành cho công việc. “Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều nên phải cố làm, cống hiến được tí nào hay tí đó” - bà phân bua về chuyện không chịu nghỉ ngơi.
Phòng thí nghiệm trong nhà là nơi gắn bó nhất với TS Chính. Nhắc đến nó, bà hồ hởi khoe: “Bây giờ tôi đã có lab chuẩn với đủ trang thiết bị, từ máy nghiền, máy xay, mấy sấy, máy đóng gói tự động đến nồi lên men, giàn giáo”.
Phòng lab này ra đời những năm 1970, bắt đầu từ một trục trặc nhỏ, khi TS Chính mang chủng nấm từ nước ngoài về, muốn trồng trong phòng lab của Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng bị từ chối bởi “đây là khoa vi sinh, làm giấm thì được, làm nấm thì không”. Thế là bà biến ngay căn hộ tập thể 16m2 của mình thành phòng thí nghiệm.
“Tôi có thể làm bất cứ lúc nào, không phụ thuộc ai, chỉ cần một cái đèn cồn và que cấy. Mẻ đầu tiên, nấm bung trắng xóa như hoa, tôi đã vỡ òa trong niềm vui sướng” - bà kể.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Thị Chính giới thiệu loại nấm đầu khỉ do bà nuôi cấy.
Ảnh: Đ. Dung
Không ngờ, hàng xóm thấy TS Chính cứ lọ mọ trong nhà với “hành vi bí ẩn” thì nghi có chuyện phi pháp. Thế là một hôm, công an xuất hiện trước căn hộ của nhà khoa học yêu cầu kiểm tra, để rồi ngạc nhiên trước những gì được thấy và thích thú nghe bà giải thích về quy trình chuyển xenlulo ở rơm rạ thành nấm.
Lần công an “khám nhà” đó hóa ra lại là một nhân duyên. Ít lâu sau, có sĩ quan công an đến gặp bà, nhờ hỗ trợ các trại giam triển khai trồng nấm để trại viên có nghề kiếm sống khi mãn hạn. Vị sĩ quan đó là ông Lê Minh Hương - sau này là Bộ trưởng Bộ Công an. “Rất nhiều cán bộ trại giam đã đến học nghề trồng nấm từ cơ sở của tôi” - bà kể.
Buộc phải thành doanh nhân
Năm 1987, bảo vệ xong luận án tiến sỹ và nhận bằng sáng chế của Tiệp Khắc về công nghệ sản xuất nấm trên rơm rạ không thanh trùng, TS Chính đã áp dụng nó rộng rãi ở Việt Nam, mở ra hướng sản xuất lớn cho các cơ sở trồng nấm vì dễ làm, năng suất cao. Lúc này, bài toán đặt ra là tiêu thụ sản phẩm, bởi mỗi ngày có đến vài tạ nấm đổ về chỗ bà.
“Tôi không biết làm gì với số nấm đó. Đầu tiên, tôi chế salad nấm, hy vọng đưa vào siêu thị sẽ dễ tiêu thụ vì đây là món ngon, giàu dinh dưỡng; nhưng tôi đã tính sai vì dân mình không quen ăn” - TS Chính nhớ lại.
Mua 10.000 lọ thủy tinh đựng salad, mỗi ngày bà sản xuất hàng nghìn lọ dù chưa có đầu ra, bởi đã hứa với các hộ trồng nấm là sẽ tiêu thụ cho họ. “Đó là tết năm 1991, tôi không đi đâu được, các lọ salad nấm chất đầy nhà, sau đó phải đổ hoặc cho lợn ăn. Bài học kinh doanh đầu tiên của tôi là bài học thất bại do không tìm hiểu thị trường” - bà cười kể lại hoàn cảnh buộc mình phải trăn trở để trở thành doanh nhân thực thụ.
Năm 2001, TS Chính lập Công ty TNHH Nấm linh chi, chuyên các sản phẩm về nấm và chuyển giao công nghệ. Bước chân đã in dấu trên khắp mọi miền, bà không thể nhớ mình đã đi bao nhiêu tỉnh, có bao nhiêu hộ đã thoát nghèo nhờ công nghệ trồng nấm không thanh trùng của bà.
Ông Thái Văn Duy - một hộ nhận chuyển giao công nghệ này ở Yên Thành, Nghệ An - cho biết, với công nghệ thanh trùng (ủ vôi), người trồng khó kiểm soát độ pH, nguyên liệu phân hủy kém, nấm không ngọt, mùi ngái. Công nghệ lên men vi sinh không thanh trùng giúp rút ngắn thời gian ủ, chất hữu cơ phân hủy tốt nên nấm ngon hơn, năng suất cao hơn, mỗi kg nguyên liệu cho 0,8-1,1kg nấm, so với 0,4-0,6kg ở phương pháp cũ.
“Với 300m2 nuôi cấy nấm rơm, mỗi ngày tôi thu được 6-7 yến nấm” - ông Duy nói và tiết lộ, nấm trồng từ chủng giống của TS Chính ngọt đậm đà hơn chủng giống ông dùng trước đó nên được khách hàng ưa chuộng hơn.
Ngoài nấm ăn, TS Chính còn nghiên cứu nấm dược liệu và trở thành người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công sinh khối linh chi dạng sợi - công trình đem lại cho bà giải ba giải Vifotec năm 2002.
Không bao giờ coi nghiên cứu thành công là xong việc, TS Chính luôn nghĩ cách biến kết quả đó thành hàng hóa. Trong câu chuyện của bà, nghiên cứu và kinh doanh cứ như hai mặt của tờ giấy, không thể tách rời. Điều đó khiến tôi nhớ đến khái niệm “nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp và doanh nghiệp có tinh thần khoa học” mà nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đưa ra như một slogan mới. Trong con người TS Chính có cả hai tinh thần này.
PGS-TS Nguyễn Thị Chính sinh năm 1947 tại Nam Định, nguyên là Phó Chủ nhiệm bộ môn Vi sinh, khoa Sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Nấm linh chi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sản xuất các sản phẩm từ nấm và vi khuẩn.
Bà nhận huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 1998, giải ba giải Vifotec năm 2002. Sản phẩm bột sinh khối nấm linh chi của bà đã nhận huy chương vàng và chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn do Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. |