Các nhà khoa học Hà Lan vừa tạo ra dòng điện siêu dẫn mới với cường độ có thể lên đến một tỷ ampe trên mỗi mét vuông và không tổn hao năng lượng khi đi qua vật liệu.
|
Thiết bị làm lạnh kim loại crom dioxide đến trạng thái siêu dẫn. Ảnh: Leiden University.
|
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Vật lý Leiden, Hà Lan vừa tạo ra dòng điện mới siêu dẫn, còn gọi là siêu dòng điện, có thể đi qua vật liệu mà không tổn hao năng lượng, Science Alert hôm 15/10 đưa tin.
Tính chất siêu dẫn, tức khả năng chạy qua vật liệu mà không mang điện trở của dòng điện, được Heike Kamerlingh Onnes, nhà khoa học từng giành giải Nobel, phát hiện vào năm 1911. Từ đó, tính siêu dẫn trở thành một phần quan trọng trong công nghệ hiện đại. Nó được sử dụng trong nhiều đồ vật như tàu đệm từ trường, máy chụp cộng hưởng từ. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa tìm ra cách thức hoạt động và phương pháp nâng cao hiệu suất của hiện tượng siêu dẫn.
Các nhà nghiên cứu sau này phát hiện các electron trong chất siêu dẫn quay theo cặp. Đây có thể là chìa khóa quan trọng để tạo ra siêu dòng điện.
Trong một thí nghiệm gần đây, nhóm nghiên cứu của Hà Lan đã làm mát miếng kim loại crom dioxide đến trạng thái siêu dẫn, từ đó tạo ra một siêu dòng điện với tất cả các cặp electron quay cùng hướng. Loại dòng điện mới này rất mạnh, có khả năng tạo ra dòng điện một tỷ ampe trên mỗi mét vuông.
"Nó đủ mạnh để lật ngược nam chân và có thể chạy một ổ cứng mà không tổn hao năng lượng", báo cáo nghiên cứu viết.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng thành công khi đưa siêu dòng điện mới đi được khoảng cách 600 nano mét. Khoảng cách tuy nhỏ nhưng nó đồng nghĩa với việc các cặp electron tồn tại đủ lâu để sử dụng thực tế ngoài phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học sẽ phải trải qua nhiều nghiên cứu nữa trước khi có thể bắt đầu sử dụng loại dòng điện mới này trong công nghệ hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta bây giờ đã có thông tin chi tiết hơn về cách thức hoạt động và sức mạnh của siêu dòng điện trong tương lai.
Theo VNExpress