Chuyên gia Trương Thanh Hùng của chương trình IPP Phần Lan thốt lên: “Đã đến mùa thi khởi nghiệp rồi”. Quả thật, chỉ trong một ngày đầu tuần này, đã có ít nhất 5 cuộc thi khởi nghiệp đang diễn ra đâu đó trên cả nước…

Sự lên ngôi của khởi nghiệp nông thôn

Ngày 24.9, Trung ương Đoàn công bố danh sách các dự án khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn lần thứ nhất”. Đây cũng là những gương mặt “đang lên” trong cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp, mà nói như bà Vũ Kim Anh, giám đốc chương trình Sáng tạo Khởi nghiệp của trung tâm BSA: “Kết hợp một chút sáng tạo và đổi mới trong sản xuất chế biến, một chút công nghệ để làm ra nông cụ mới phục vụ nông nghiệp đã nâng cao giá trị đặc sản quê hương, tài nguyên bản địa và các bạn sẽ còn bước xa hơn nữa. Đó là củ ấu Đồng Tháp, chú robot thông minh An Giang, đẳng sâm Kon Tum và cây năn bộp Sóc Trăng…”.

Bà không quên nhắn: “Hẹn gặp các bạn, cũng là những dự án được chọn vào vòng thi Chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp BSA lần 4 tại Hội trường Thống Nhất vào 2 ngày 27 và 28/10/2018”.

Cùng lúc, ở Huế cũng đang “nóng” với 12 nhóm dự án sẵn sàng dấn thân khởi nghiệp. Sau một quá trình chọn lọc từ rất nhiều dự án tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế 2018,12 dự án xuất sắc nhất bước tiếp hành trình thách thức mà vô cùng thú vị phía trước của cuộc thi. Khát khao tạo ra sân chơi công bằng, chuyên nghiệp và đạt chất lượng cao, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thành công bước ra từ đây, sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế không chỉ tổ chức thi, mà còn tổ chức tư vấn cho từng đội, để tiếp sau cuộc thi, Huế sẽ tiếp tục ươm những hạt giống khởi nghiệp này.

Hai mẹ con đi thi. Ảnh: Nguyễn Duy Long

Song song đó, Đắk Lắk cũng thông báo: Đóng cửa không nhận hồ sơ thi khởi nghiệp nữa rồi nhen. Có tổng cộng 125 hồ sơ dự thi, trong đó 6 dự án về công nghệ thông tin, 27 dự án về sản xuất kinh doanh, 23 dự án về thương mại dịch vụ và đặc biệt có tới 69 dự án về nông nghiệp. Ban tổ chức còn cẩn thận gửi bản đánh giá một vài dự án tiêu biểu mang đậm chất miền núi của Ban Mê.

Đó là cốm nghệ Huvahi, nhóm dự án là các bạn trẻ 9x nhiều đam mê và nhiệt huyết, học về dược liệu và bào chế thuốc bài bản. Nghe đâu cũng đang yên ổn công tác nhưng vẫn muốn làm gì đó cho quê hương, cho bản thân nên tranh thủ thời gian rảnh “bào chế” sản phẩm tại nhà.

Dự án khởi nghiệp với cây Đinh Lăng Tây Nguyên, chủ dự án có bằng thạc sỹ và công việc ổn định mà lại chẳng liên quan gì tới cây Đinh Lăng cả. Nhưng trót yêu cây Đinh Lăng quá nên luôn trăn trở “làm sao tạo ra giá trị gia tăng” và gây dựng thương hiệu Đinh Lăng Tây Nguyên. Bạn này còn ghi vào hồ sơ mục đích tham gia cuộc thi rất dễ thương: động lực để làm bài bản kế hoạch, cụ thể những điều “đang nghĩ” và tìm kiếm cơ hội đầu tư…

Và những cơ hội bứt phá khác

Hai trong số những “siêu sao” của các giải thưởng hiện nay, là cơ hội để nhận 2 tỷ đồng đầu tư cho mỗi dự án lọt vào Top 5 dự án tốt nhất của cuộc thi khởi nghiệp du lịch HIST và cuộc thi khởi nghiệp thường niên Lead The Change với giá trị giải thưởng lên đến 500 triệu đồng gồm cả mấy tuần huấn luyện tại Hàn Quốc.

Cuộc thi khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh với kỳ vọng các dự án, ý tưởng mới sẽ góp phần phát triển hơn nữa ngành du lịch ở trung tâm thương mại lớn nhất nước này. Cuộc thi do Sở Du lịch và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp tổ chức dành cho các công ty khởi nghiệp làm khác đi trong lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, quà lưu niệm, giải pháp lưu trú, giải pháp thanh toán, trải nghiệm thực tế ảo… Từ ngày 01.10.2018, 20 dự án tốt nhất của cuộc thi này sẽ bước vào vòng tăng tốc huấn luyện, để sẵn sàng tranh tài vào ngày 19.10.2018 để chờ được quỹ SpeedUp gọi tên.

Một cuộc cạnh tranh khác không kém phần gay cấn, là Lead The Change 2018 do hợp tác giữa cộng đồng UEH Connected và trường Đại học Kinh tế TP.HCM.Cuộc thi chỉ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phía Nam,gồm có 4 vòng thi, bao gồm: Kiểm tra kiến thức tổng hợp và đánh giá ý tưởng khởi nghiệp, Đào tạo phát triển ý tưởng và mô hình hoạt động kinh doanh, Đào tạo (Pitch Deck/ Financial model/ Soft skills), Trình bày ý tưởng trong đêm chung kết. Vòng 1 bắt đầu từ 5/10/2018 với kỳ vọng đưa những dự án có tiềm năng phát triển sẽ được tham gia vào khóa đào tạo trong hai tuần tại Hàn Quốc.

Và còn một thông tin chưa được công bố: cuộc thi trình bày dự án khởi nghiệp của sự kiện lớn nhất nước TechFest. Tháng 11 tới, sẽ là đỉnh điểm của phần “thu hoạch” một năm khởi nghiệp của cả hệ sinh thái.

Mẹ con cùng khởi nghiệp

Chuyện được giám khảo Nguyễn Duy Long của cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp BSA ghi lại: Hai mẹ con cùng nhau đi thi khởi nghiệp. Đó là “Dự án kẹo đậu phọng Huỳnh Mai” – với người mẹ đã luống tuổi vẫn cương quyết đi thi. Con trai của chị, đang làm việc tại TP.HCM, quyết định đồng hành cùng mẹ trong cuộc chinh phục thử thách mới này. Con trai bảo: “Chuyện mẹ làm như thế nào thì mẹ lên kể thôi. Chừng nào ban giám khảo hỏi mà mẹ bí thì con chạy lên trả lời phụ”. Nói vậy thôi, khi sân khấu của bảo tàng TP.HCM quá rộng với bà mẹ quê, cậu con trai đã chọn đứng chung đội với mẹ ngay từ đầu…

Kẹo Huỳnh mai đang bán ở các trạm dừng chân rất tốt, kẹo ngon nữa, từ tấm bánh tráng bằng khoai mì. Chị Mai - người mẹ này, đang làm thêm bánh tráng bằng khoai môn từ vùng khoai chuyên của Bến Tre…