Khoa học và Phát triển giới thiệu một số nghiên cứu trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam.

Đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não” là một công trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước mã số KC.10.32/06-10 do Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Nguyễn Tiến Bình - Học viện Quân y - làm chủ nhiệm.

Công trình đã mang đến cơ hội sống cho bệnh nhân Bùi Văn Nam (48 tuổi, Nam Định). Bệnh nhân này được chẩn đoán bệnh cơ tim thể dãn và suy tim cấp độ bốn, được các bác sỹ thực hiện phẫu thuật thay tim từ người cho chết não vào ngày 17/6/2010. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân sống khỏe mạnh bình thường.

Kết quả chung, đề tài đã xây dựng được quy trình kỹ thuật ghép tim trên người lấy từ người cho chết não và thực hiện thành công 2 ca ghép. Theo đánh giá của ngành y tế, thành công của đề tài này tạo ra bước ngoặt lớn trong việc hoàn thiện và làm chủ kỹ thuật ghép tim nói riêng và ghép tạng nói chung ở Việt Nam.

Đề tài “Nghiên cứu ghép khối tim - phổi trên bệnh nhân được cấy thiết bị hỗ trợ thất trái trong giai đoạn chờ ghép” do GS-TS Bùi Đức Phú (Bệnh viện Trung ương Huế) làm chủ nhiệm.

Đề tài đã xây dựng được quy trình tuyển chọn bệnh nhân, chờ ghép khối tim - phổi, chờ cấy tim nhân tạo, hỗ trợ chờ ghép khối tim phổi; quy trình kỹ thuật cấy thiết bị hỗ trợ thất trái HeartWare; quy trình tuyển chọn, hồi sức bệnh nhân chết não để lấy tạng tim - phổi; quy trình phẫu thuật lấy, rửa và bảo quản tạng tim - phổi lấy từ người chết não; quy trình kỹ thuật gây mê hồi sức trong phẫu thuật ghép khối tim - phổi; quy trình kỹ thuật ghép tim, khối tim - phổi trên bệnh nhân được cấy thiết bị hỗ trợ thất trái; quy trình điều trị, theo dõi và quản lý bệnh nhân sau ghép khối tim - phổi.

Theo kết quả báo cáo, đề tài đã thực hiện thành công một ca ghép khối tim - phổi trên bệnh nhân được cấy thiết bị hỗ trợ thất trái.

Các bác sỹ Bệnh viên Quân y 103 thăm hỏi bệnh nhân sau ghép tạng. Ảnh: NVCC

Đề tài “Nghiên cứu một số vấn đề ghép tụy trên thực nghiệm để tiến tới ghép tụy trên người ở Việt Nam” do TS Trịnh Cao Minh (Học viện Quân y) làm chủ nhiệm. Đề tài đã khảo sát 800 trường hợp về nhu cầu ghép tụy và khả năng cung ứng tụy tại 4 bệnh viện; thiết lập được hệ thống theo dõi, lưu trữ thông tin của các bệnh nhân có chỉ định ghép tụy.

Đề tài đã xây dựng thành công sơ đồ tổ chức, thành lập các kíp tham gia ghép tụy (xác định thành phần và nhiệm vụ của từng kíp); công tác quản lý, điều hành phối hợp thực hiện trong ghép tụy thực nghiệm; quy trình chuẩn bị và phục vụ ghép tụy thực nghiệm (các điều kiện, cơ sở vật chất cần thiết, công tác chuẩn bị, phục vụ ghép tụy thực nghiệm); các quy trình ngoại khoa ghép tụy toàn bộ đồng thời với ghép thận; quy trình ghép tụy một phần từ nguồn cho sống.

Đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép khối tụy - thận từ người cho chết não" do PGS-TS Hoàng Mạnh An - nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y - chủ nhiệm. Trong đề tài này, quy trình ghép đồng thời tụy và thận từ người cho chết não lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Nghiên cứu trên được tiến hành dựa trên các nghiên cứu cơ bản trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành công 1 ca ghép đồng thời tụy - thận lấy từ người cho chết não. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công tại Học viện Quân y (Hà Đông, Hà Nội) vào ngày 3/3/2014, kéo dài 13 tiếng đồng hồ. Thành công của ca ghép đồng thời khối thận - tụy đánh dấu bước phát triển mới của nền y học nước nhà, tạo bước đột phá trong lĩnh vực ghép tạng, góp phần giúp kỹ thuật ghép tạng Việt Nam theo kịp các nước trên thế giới.

Đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép thận từ người cho tim ngừng đập” do PGS - TS Nguyễn Trường Sơn (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) chủ nhiệm.

Đề tài đã xây dựng được các quy trình trong công tác ghép thận như: Quy trình tuyển chọn người cho tim ngừng đập để lấy thận ghép; quy trình phẫu thuật lấy, rửa và bảo quản thận; quy trình kỹ thuật gây mê hồi sức trong phẫu thuật ghép thận lấy từ người cho tim ngừng đập; quy trình kỹ thuật ghép thận lấy từ người cho tim ngừng đập; quy trình điều trị, theo dõi và quản lý bệnh nhân sau ghép thận lấy từ người cho tim ngừng đập...

Việc có thể lấy tạng (thận) từ bệnh nhân chết tim để ghép là thành tựu căn bản nhất của đề tài trên, giúp các bác sỹ có thêm một nguồn tạng ghép ngoài 2 nguồn đã có là người cho còn sống và người chết não, tăng cơ hội được cứu sống cho người bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, bảo tồn chức năng thận ghép và kéo dài đời sống thận ghép; đồng thời giúp tiết kiệm 2/3 chi phí bảo hiểm y tế cho việc điều trị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối bằng phương pháp thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc.

Quy trình ghép thận từ người cho tim ngừng đập được xây dựng từ đề tài nghiên cứu trên sẽ được dùng để hướng dẫn các công trình, khuyến cáo cũng như làm cơ sở cho các văn bản pháp quy về sau.