Theo nghiên cứu mới công bố tháng 5/2020 của một nhóm các nhà khoa học Việt Nam, khí thải xăng xe và dầu Diesel từ giao thông chịu trách nhiệm tới 46,28% lượng bụi kích thước nano PM 0.1 của Thủ đô Hà Nội

Giao thông là một trong những nguồn phát thải bụi PM chính của Hà Nội | Ảnh: Vietnamnet
Giao thông là một trong những nguồn phát thải bụi PM chính của Hà Nội | Ảnh: Vietnamnet

Tác hại khó lường của bụi PM 0.1

Các loại bụi luôn gắn liền với những ảnh hưởng về sức khỏe của con người, gây ra các bệnh về hô hấp và tim mạch. Nếu như các loại bụi PM 10 có khả năng đi đến mũi và khí quản, thì những loại bụi như PM 2.5 có thể đi đến tận phế quản, phế nang của phổi. Những hạt bụi có kích thước nano như PM 0.1 (đường kính < 0.1 µm) còn có thể đi sâu hơn vào mạch máu, hệ thần kinh, tế bào và thậm chí có thể tác động lên cấu trúc DNA.

Trước đây thế giới cho rằng bụi nano ít độc vì nó đi vào phổi rồi có thể đi ra. Nhưng từ vài chục năm gần đây, nhờ có thêm nghiên cứu mới, người ta thấy rằng nếu bụi nano đọng lại ở phổi rất khó đào thải. Nó có thể đi vào, gây ra nhiều tác hại khó lường với sức khỏe con người.

Cuối tháng 5/2020, một nhóm các nhà nghiên cứu môi trường từ nhiều trường đại học hàng đầu Việt Nam đã công bố kết quả phân tích đặc tính hóa học để xác định nguồn thải của hạt bụi nano PM 0.1 trong không khí ngoài trời tại Hà Nội.

Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Environmental Science and Pollution Research, với tên gọi "Chemical characterization and source apportionment of ambient nanoparticles: a case study in Hanoi, Vietnam" (tạm dịch: Đặc tính hóa học và phân bổ nguồn của hạt nano trong không khí ngoài trời tại Hà Nội)

Chia sẻ với báo Khoa học và Phát triển, tác giả liên hệ của nghiên cứu, TS. Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (trường Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết sở dĩ nhóm chọn các hạt PM 0.1 bởi "khi xã hội càng phát triển thì kích thước bụi đô thị càng giảm dần. Bụi PM 0.1 có những nguy cơ sức khỏe rất đáng chú ý".

Mức độ xâm nhập của các hạt bụi PM với kích thước khác nhau | Nguồn: Encyclopédie de l’Environnement
Mức độ xâm nhập của các hạt bụi PM với kích thước khác nhau | Nguồn: Encyclopédie de l’Environnement

Phương án ưu tiên hàng đầu: Giảm tác động phát thải của giao thông

Nhóm nghiên cứu đã thu thập các mẫu PM 0.1 trung bình 24h trong mùa khô từ tháng 11-12/2015 tại một địa điểm hỗn hợp ở Hà Nội, từ đó phân tích thông tin về nồng độ theo khối lượng và thành phần hóa học của chúng.

Kết quả cho thấy có 5 nguồn chính góp phần thải ra bụi PM 0.1 ở Hà Nội, bao gồm giao thông (từ khí thải xăng xe và dầu Diesel, 46,28%), khí thải thứ cấp (31,18%), dân cư/thương mại (12,23%), công nghiệp (6,05%) và đường/xây dựng (2,92%).

"Rõ ràng nếu biết được nguồn thải chính đến từ đâu thì chúng ta sẽ tập trung được sức lực để cải thiện nơi đó một cách hiệu quả", TS Nghiêm Trung Dũng chia sẻ.

Như vậy có thể thấy, phương án ưu tiên nhất để giảm bụi PM 0.1 ở Thủ đô là giảm tác động phát thải của khu vực giao thông - tức giảm phương tiện giao thông cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng, hoặc nâng cao hiệu suất của các loại phương tiện hoặc nhiên liệu.

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả này đã được gửi tới World Bank và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhóm nghiên cứu cho biết cũng đã gửi kết quả đến Bộ Giao thông - Vận tải để góp phần cung cấp tư liệu nhằm tham vấn chính sách.

Không chỉ đến bây giờ, chúng ta mới có số liệu chỉ rõ giao thông là nguồn thải chính cho các loại bụi PM. Từ năm 2010, nhóm nghiên cứu do TS. David Cohen, Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Úc, đứng đầu, đã phân tích nguồn thải của các hạt bụi PM 2.5 ở Hà Nội trong giai đoạn 2001-2008 và đưa ra kết luận rằng giao thông chiếm khoảng 40% nguồn thải, tiếp theo là phát thải từ nhà máy xi măng và sắt thép (19%), đốt than (17%), đốt sinh khối rơm rạ (13%), sulfates thứ cấp (8%) và bụi gió thổi (3%).

Được biết, một nghiên cứu tương tự nhằm cập nhật về thành phần bụi PM 2.5 và các nguồn phát thải loại bụi này tại Hà Nội cũng đang được Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội và World Bank hợp tác thực hiện, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2020.

Hiện nay, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh QCVN 05:2013/BTNMT mới đề cập đến giới hạn nồng độ PM 2.5 trung bình 24h (50μg/m3) và trung bình năm (25μg/m3), chứ chưa đề cập đến bụi nano PM 0.1.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước cũng chưa đưa ra tiêu chuẩn với PM 0.1, một phần bởi chưa có đầy đủ các nghiên cứu dịch tễ dài hạn liên quan đến tác động của nó.

Tuy nhiên, đối với dự phòng và bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên lưu ý rằng, tác động gây hại của các loại bụi PM thường tương tự hoặc chồng lấn nhau. Nhiều chất ô nhiễm không khí có nguồn thải tương tự nhau. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe người dân nói chung, cần triển khai các biện pháp đồng bộ để quản lý nguồn thải.