Khoa học và Phát triển giới thiệu một số đơn vị nghiên cứu về giống lúa tại Việt Nam.

Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Địa chỉ: Xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

Điện thoại: 0292. 3861954

Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang làm thí nghiệm đánh giá tập đoàn các dòng giống lúa thuần. Ảnh: Lê Hằng

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nghiên cứu chọn tạo được 166 giống lúa để đưa vào sản xuất. Trong 10 giống lúa hiện trồng phổ biến trên cả nước thì có 5 giống của viện. Trong 10 giống lúa chủ lực vùng ĐBSCL có tới 8 giống do viện chọn tạo. Các giống lúa OM 5451, 6976, 4218, 4900 của viện hiện đã chiếm đến 40-60% diện tích sản xuất vùng ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã công nhận 33 giống lúa của viện cho phép phổ biến vào sản xuất tại các tỉnh phía nam, trong đó 12 giống lúa chính thức và 21 giống lúa sản xuất thử.

Để các giống lúa có sự phù hợp cao nhất với điều kiện tự nhiên, sinh thái nơi canh tác, đem lại hiệu quả tối ưu, Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu để có những giống lúa phù hợp với từng tỉnh. Đối với tỉnh Đồng Tháp, viện xác định được bốn giống OM 6377, OM 4101, OM 5472, OM 5490 - những giống lúa rất có triển vọng về năng suất, khả năng chống chịu rầy nâu và bệnh vàng lùn, đem lại lợi nhuận từ 18-22 triệu đồng/ha. Đối với tỉnh Trà Vinh, viện cũng đã nghiên cứu và xác định được giống lúa thích hợp cho vùng phèn, mặn, đưa năng suất lúa trung bình ở đây từ 2 tấn/ha lên 5 tấn/ha...

Hằng năm, viện đưa ra hàng chục giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90-100 ngày, giúp nông dân có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né tránh lũ, tăng năng suất và sản lượng. Viện đã chọn tạo được 25 dòng lúa triển vọng chịu được khô hạn, 5 giống lúa chính thức trồng xuất khẩu cho vùng ÐBSCL: OM 4498, OM 5930, OM 4900, OM 6073 và OM 6161, cho năng suất từ 7-9 tấn/ha.

Ngoài ra, những giống lúa đặc sản của vùng như nàng Thơm Chợ Ðào, nanh chồn và nàng Nhen cũng được viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gene, góp phần tạo thương hiệu và phát triển thương hiệu gạo đặc sản.

Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm

Địa chỉ: Xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc, Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3716463. Email: viencltctp@mard.gov.vn

Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã chọn tạo thành công và đưa vào phục vụ sản xuất 19 giống lúa thuần, 5 giống lúa lai, góp phần thay thế dần giống Q5 và khang dân 18 đã tồn tại lâu năm ở các tỉnh phía bắc.

Các giống lúa thuần mới của viện được tạo ra trong thời gian qua rất đa dạng, bao gồm: Giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn ngày (PC6, P6ĐB, Gia Lộc 102, TGST có thời gian sinh trưởng từ 80-95 ngày trong vụ mùa), tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng diện tích cây vụ đông cực sớm (như khoai lang, ngô, đậu tương, bí xanh...), giống lúa chất lượng cao (AC5, HT9, HT6, T10; HDT8, trân châu hương - SH8...); giống lúa có hàm lượng protein cao trong gạo (P1, P4, P6, P9, PĐ211); giống lúa nếp, lúa đặc sản (N97, N98, BM9603...); giống lúa thâm canh, ngắn ngày tiềm năng năng suất cao (ĐB5, ĐB6, XT27, SH14, BM9855, AYT, Gia Lộc 105, LTh31...); giống lúa chịu hạn cho vùng canh tác nhờ nước trời và vùng bấp bênh nước (CH3, CH133, CH5, CH207, CH208, LCH37...); giống chịu úng (U20, U21, Xi23, X21, MT163,...); giống chịu mặn (M6, M4, M12, BM202...).

Viện đã làm chủ được công nghệ chọn giống thuần, nhân giống bố mẹ cũng như công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai của một số tổ hợp lai chủ lực Trung Quốc; đã nắm được công nghệ lai tạo, gây đột biến, lai xa... để tạo ra dòng mới bất dục bào chất đực (CMS) và bất dục đực di truyền nhân mẫn cảm với nhiệt độ (TGMS).

Viện đã lai tạo và chọn lọc thành công nhiều dòng mẹ TGMS mới từ các nguồn của Việt Nam, Trung Quốc và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, đặc biệt là lai tạo thành công một số tổ hợp lúa lai thương hiệu Việt Nam: HYT83, HYT92, HYT100, HYT102, HYT103, SL8H, LHD6, HYT108...

Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gene cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Địa chỉ: Thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

Điện thoại: 024. 38767172

Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gene cây trồng đã tiến hành điều tra, thu thập và lưu giữ các giống lúa địa phương Việt Nam, tập trung thu thập ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người; đánh giá đặc tính nông sinh học và các tính trạng đặc biệt của nguồn gene thu thập.

Trung tâm đã thu thập, lưu giữ được 1.090 mẫu giống lúa địa phương Việt Nam; đánh giá đặc điểm nông sinh học và phát hiện một số gene đặc biệt bằng chỉ thị phân tử DNA thấy rằng nguồn gene lúa vô cùng đa dạng và phong phú với nhiều đặc điểm quý khác nhau.

Với việc sử dụng nguồn gene làm vật liệu lai tạo giống, trung tâm đã chọn tạo thành công 3 giống lúa nếp có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt; phục tráng 4 giống lúa đặc sản gồm đèo đàng, ble châu, pu đe và khẩu dao cho các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân.

Công ty cổ phần giống cây trồng Quảng Ninh

Địa chỉ: Xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều, Quảng Ninh.

Điện thoại: 0203 3870 066. Email: quangninhseed@gmail.com

Công ty đã tuyển chọn, khảo nghiệm 568 giống lúa mới và đã được Bộ NN&PTNT công nhận 13 giống, trong đó công nhận chính thức 10 giống lúa quốc gia, 3 giống lúa công nhận sản xuất thử. Các giống lúa do công ty nghiên cứu, khảo nghiệm sau khi được công nhận đều phát triển tốt, là giống lúa chủ lực của Quảng Ninh và một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Các giống lúa khang dân 18, Q5, ải 32, hương thơm số 1 đã góp phần quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng lương thực cho các địa phương.

Năm 2013, Công ty cổ phần giống cây trồng Quảng Ninh kết hợp với các nhà khoa học phục tráng thành công giống lúa nếp cái hoa vàng Đông Triều siêu nguyên chủng với đề tài “Nghiên cứu phục tráng giống lúa nếp cái hoa vàng Đông Triều”.

So với giống nếp cái hoa vàng cũ, giống nguyên chủng có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 2-3 ngày, chiều cao cây thấp hơn 0,4-0,6cm, thời gian trổ bông ngắn hơn 3-4 ngày, độ thuần đồng ruộng tốt hơn, cứng cây hơn, độ tàn của lá lâu hơn, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt. Các chỉ tiêu cấu thành năng suất đều cao hơn, năng suất bình quân 40 tạ/ha - tăng so với giống cũ 11%.

Nhờ chủ động được giống nên từ năm 2013 đến nay, thị xã Đông Triều đã mở rộng diện tích sản xuất nếp cái hoa vàng với trên 750ha, trong đó chất lượng gạo được đánh giá cao khi được sản xuất ở các xã Yên Đức, Yên Thọ, Hoàng Quế, Hồng Phong, Nguyễn Huệ, Bình Dương.