Tuy nhiên, molnupiravir giúp rút ngắn thời gian phục hồi đối với các triệu chứng Covid-19 trung bình 4,2 ngày ở nhóm dùng thuốc so với nhóm đối chứng.

Tháng 11/2021, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép dùng molnupiravir để điều trị Covid-19. Bệnh nhân được cấp loại thuốc để uống hai lần một ngày tại nhà thông qua thử nghiệm Paranomic (nền tảng thử nghiệm thích ứng thuốc kháng virus loại mới đối với điều trị sớm Covid-19 trong cộng đồng do Đại học Oxford đề xuất).

Thuốc viên molnupiravir.
Thuốc viên molnupiravir.

Vào thời điểm đó, người ta đặt nhiều hy vọng vào molnupiravir sau khi một nghiên cứu gợi ý thuốc kháng virus giúp giảm một nửa nguy cơ nhập viện hay tử vong với những bệnh nhân có nguy cơ cao mà không tiêm vaccine. Nhưng không lâu sau khi molnupiravir được phê chuẩn, vào thời điểm biến chủng Delta lan tràn, nghiên cứu sâu hơn lại cho thấy molnupiravir có tác động nhỏ hơn ước tính ban đầu.

Cụ thể, nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Lancet vào ngày 22/12 phát hiện thuốc molnupiravir không làm giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong ở những người có nguy cơ cao, đã tiêm vaccine khi đối mặt với chủng Omicron.

Giáo sư Chris Butler ở Đại học Oxford, một đồng lãnh đạo của thử nghiệm, cho biết vẫn có những trường hợp mà loại thuốc kháng virus này hữu ích - chẳng hạn, giúp người lao động ở các ngành nghề chủ chốt quay lại công việc nhanh hơn. Nhưng ông nói thêm: “[Cho phép dùng molnupiravir phổ biến] là một quyết định chính trị phức tạp cần thực hiện, theo hoàn cảnh lúc bấy giờ.”

Điều kiện để tham gia thử nghiệm là những người lớn có xét nghiệm dương tính với Covid-19 (bằng PCR hay que thử nhanh), ở độ tuổi từ 50, hay trên 18 tuổi và có tình trạng sức khỏe khiến họ dễ mắc Covid.

Trong khoảng thời gian từ 8/12/2021 tới 27/4/2022, nhóm nghiên cứu đã chiêu mộ hơn 25.700 người tham gia đủ điều kiện, 94% trong số đó đã tiêm ít nhất 3 liều vaccine Covid.

Được phân bổ ngẫu nhiên, một nửa số người tham gia được chăm sóc thông thường, nửa còn lại được gửi tới nhà cữ thuốc molnuiravir uống trong năm ngày.

Các kết quả, dựa trên khoảng thời gian theo dõi 28 ngày, cho thấy cả hai nhóm có tỷ lệ nhập viện hay tử vong tương tự nhau. Ở nhóm bệnh nhân được chăm sóc thông thường, kết quả ghi nhận là 98 trong số 12.525 người, so với 105 trong số 12.529 uống molnupiravir.

Nhóm nghiên cứu cho biết tỷ lệ thấp như thế làm ta thấy được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine Covid. “Tiêm chủng là công cụ mạnh mẽ nhất để đối kháng trận đại dịch này”, GS Bulter nhận định.

Những người tham gia được cho uống molnupiravir báo cáo lại thời gian hồi phục trung vị là chín ngày so với 15 ngày ở những người chỉ được chăm sóc thông thường. Phân tích thêm cho thấy molnupiravir giúp rút ngắn thời gian phục hồi trung bình 4,2 ngày.

Những người được cho uống molnupiravir cũng ít liên hệ với bác sĩ hơn, có tỷ lệ phục hồi sớm và bền vững hơn, ít bệnh nhân trong nhóm này phát hiện virus sau bảy ngày, đồng thời tải lượng virus của họ cũng thấp hơn.

Giáo sư Martin Landray, cũng ở Đại học Oxford nhưng không tham gia vào thử nghiệm Paranomic, lưu ý người tham gia biết họ thuộc nhóm uống thuốc kháng virus hay không.

“Tuy việc biết này không ảnh hưởng tới việc nhập viện hay tử vong, nhưng chúng ta không cách nào biết được liệu nó có thể làm sai lệch các phát hiện từ những triệu chứng tự báo cáo hay không”, ông nói.

Nhóm nghiên cứu vẫn chưa phân tích hiệu quả chi phí của molnupiravir. Tuy nhiên, Giáo sư Richard Hobbs ở Đại học Oxford và đồng lãnh đạo của thử nghiệm, cho biết một đợt thuốc kháng virus ước tính tốn vài trăm bảng.

“Vì thế việc triển khai sẽ phụ thuộc vào các yếu tố, chẳng hạn như việc rút ngắn thời gian phục hồi trung bình bốn ngày có thể mang lại lợi ích gì cho đất nước,” ông nói.

Nguồn: