Với thiết bị trợ lực này, công nhân có thể giảm bớt 40% trọng lượng hàng hóa, khiến nhiệm vụ nâng 23.000 kg trong một ngày chỉ tiêu tốn số sức tương đương với việc nâng 13.000 kg.

Người công nhân đang sử dụng thiết bị do startup Verve Motion phát triển để mang vác hàng hóa nặng trong kho. Ảnh: ADUSA Distribution
Người công nhân đang sử dụng thiết bị do startup Verve Motion phát triển để mang vác hàng hóa nặng trong kho. Ảnh: ADUSA Distribution

Trong một nhà kho cách Albany, New York khoảng 20 dặm về phía Nam, các công nhân đang đeo những chiếc balo màu đen quấn quanh ngực và đùi. Thoạt nhìn, chúng ta sẽ nghĩ trong chiếc balo có chứa các dụng cụ làm việc, khiến người công nhân càng thêm mệt mỏi bởi phải mang chúng cả ngày.

Thực chất, đây là SafeLift, một thiết bị hỗ trợ vận động cho cơ thể người, nặng chỉ khoảng 3kg nhưng giúp giảm tải tới 40% trọng lượng cơ thể của công nhân khi họ nâng những túi khoai tây nặng hơn 20kg và thùng chuối nặng 18kg để phân phối cho 86 cửa hàng Hannaford ở vùng Đông Bắc.

Mặc dù vẫn chưa quá hài lòng với vẻ ngoài của sản phẩm, nhưng những người đứng đầu Verve Motion - startup đứng sau bộ quần áo này, tự hào cho biết thiết kế mềm nhẹ là chìa khóa then chốt giúp những người công nhân trong kho không bị chấn thương lưng khi họ nâng vật nặng - khoảng 23.000kg hàng hóa mỗi ngày. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động thuộc công ty bảo hiểm Liberty Mutual, chấn thương do gắng sức quá độ là một bài toán lớn đối với các doanh nghiệp, gây thiệt hại 12,8 tỷ USD mỗi năm ở Mỹ.

“Khi chúng tôi xem bộ phim Iron Man - kể về một người đàn ông đã tự tay tạo ra một bộ áo giáp sắt tối tân, chúng tôi muốn biến bộ áo giáp này thành hiện thực,” đồng sáng lập và cũng là Giám đốc điều hành Ignacio Galiana chia sẻ với Forbes. “Chúng tôi muốn đưa nó ra ngoài đời sống.”

Kể từ khi tách ra khỏi Viện Wyss thuộc Đại học Harvard bốn năm trước, Verve Motion - đặt trụ sở tại Cambridge, Massachusetts - đã huy động được 20 triệu USD trong vòng gọi vốn do quỹ Safar Partners dẫn đầu. Công ty sử dụng số tiền vào việc mở rộng thị trường phân phối. Vòng gọi vốn này cũng giúp nâng tổng số vốn tài trợ của Verve lên 40 triệu USD với mức định giá mà Forbes ước tính là hơn 100 triệu USD. Quan trọng hơn, Verve Motion đã và đang thu hút được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp nhờ các điểm tối ưu của sản phẩm - có giá ít nhất 350 USD/công nhân mỗi tháng - với hơn 1.000 chiếc hiện đang được sử dụng trong kho của 20 doanh nghiệp khách hàng, bao gồm cả Kroger.KR, AlbertsonACI, Wegmans và Ahold Delhaize, công ty mẹ trị giá 26 tỷ USD (vốn hóa thị trường) của Hannaford, Giant, Stop & Shop và nhiều doanh nghiệp khác. Theo tính toán, những thương vụ này tương đương với doanh thu gần 5 triệu USD.

Theo Hội đồng An toàn Quốc gia, chấn thương lưng là loại chấn thương phổ biến mà các nhân công làm việc trong kho hàng thường gặp phải, nó không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống của người công nhân mà vừa gây tốn kém cho người sử dụng lao động, những người phải chi trả các gói bảo hiểm, trị giá gần 40.000 USD mỗi công nhân - đó là chưa kể số ngày làm việc bị mất. Ông Galiana cho biết, khách hàng chia sẻ trong nửa đầu năm đầu tiên sử dụng, chấn thương lưng của công nhân giảm từ 65% đến 85%. Khách hàng cũng đánh giá rằng năng suất được cải thiện vì công nhân không cảm thấy mệt mỏi khi kết thúc ca làm việc.

Thiết kế lấy con người làm trung tâm


Cách đây độ chục năm, ông Galiana, 37 tuổi, có bằng tiến sĩ về robot từ Đại học Politécnica de Madrid của Tây Ban Nha, đã đến ĐH Harvard và hợp tác với ông Conor Walsh, người sáng lập Phòng thí nghiệm thiết kế sinh học Harvard, để nghiên cứu ý tưởng về một bộ đồ hỗ trợ vận động. “Các kỹ sư thường tưởng tượng về một bộ giáp ngoài hệt như trong các bộ phim của Hollywood: nó sẽ trông thật cứng cáp, thật ngầu và mạnh mẽ,” ông Walsh nói. Nhưng những thiết kế phỏng theo các ý tưởng đó lại không tạo ra các sản phẩm hữu hiệu, ông Galiana nhận định.

Một nhân viên tại cơ sở phân phối hàng tạp hóa đã giảm bớt 40% tải trọng với mỗi lần nâng hàng bằng cách sử dụng bộ khung ngoài SafeLift. Ảnh: Verve Motion
Một nhân viên tại cơ sở phân phối hàng tạp hóa đã giảm bớt 40% tải trọng với mỗi lần nâng hàng bằng cách sử dụng bộ khung ngoài SafeLift. Ảnh: Verve Motion

Thay vì nỗ lực thiết kế những robot công nghệ cao để đeo vào người, cặp đôi này muốn xem xét cách cơ thể con người hoạt động trước tiên, từ đó thiết kế các thiết bị công nghệ cao để giúp họ thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, khó khăn hơn. Năm 2012, với khoản tài trợ 5 năm từ Darpa, cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng, họ bắt đầu nghiên cứu một thiết kế có thể giúp binh sĩ di chuyển xa hơn trên địa hình hiểm trở khi mang ba lô nặng. Họ cũng đã phát triển một loại nẹp đeo được có thể hỗ trợ cho bệnh nhân từng đột quỵ trong quá trình phục hồi chức năng. Với cả hai dự án này, họ hướng đến tìm kiếm một thiết kế lấy con người làm trung tâm giúp người dùng làm được nhiều hơn từ 30% đến 40% mà không bị dồn áp lực lên cơ thể. Ông Walsh ví thiết bị như một cơn gió thổi sau lưng, giúp người công nhân có thể di chuyển và hoạt động hiệu quả mà không cảm thấy mệt mỏi.

Khi ông Galiana vẫn còn làm việc tại Harvard, ông bắt đầu đến thăm các nhà kho, nơi hàng triệu công nhân xử lý vô số gói hàng và vật nặng mỗi ngày. Ông nhanh chóng nhận ra vấn đề này lớn đến mức nào. “Đến tận lúc đó, chúng tôi vẫn chỉ tập trung vào việc trợ giúp người dùng đi bộ dễ dàng hơn. Sau khi chứng kiến sự vất vả của công nhân, chúng tôi đã phát triển một nguyên mẫu mới và nhờ một số công nhân sử dụng thử,” ông kể.

“Galiana không thể dừng tìm tòi”, ông Arunas Chesonis, đại diện quỹ Safar, cho biết. “Với tư cách là một nhà đầu tư, chúng tôi rất thích những CEO tham công tiếc việc như vậy.”

Ông Chesonis đã kết nối startup Verve Motion với nhà kho Wegmans ở Rochester, New York. Tại đây, startup đã phát triển một thiết kế mới dành cho công nhân kho vận. Ông Galiana nhận ra rằng một công nhân trung bình trong một kho hàng nâng tổng cộng 23.000kg hàng hóa trong một ngày. “Dẫu biết cơ thể đang mệt mỏi vì phải lao động cật lực, nhưng số tiền kiếm được rất lớn,” như một công nhân thâm niên của Ahold đã viết trên trang web việc làm Indeed vào tháng 8/2021. “Làm được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”.

Tình trạng thiếu nhân công lao động trong kho hàng, kết hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về tốc độ vận chuyển hàng hoá, đã khiến Amazon, WalmartWMT và các doanh nghiệp khác đẩy nhanh quá trình tự động hóa kho hàng của họ bằng robot. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp như StrongArm Technologies, Modjoul và Voxel thì nhanh chóng tìm cách giải quyết bài toán an toàn cho người lao động.

Công việc thu thập và đóng gói đầy tỉ mỉ mà nhân viên kho hàng thực hiện là một trong những công việc khó tự động hóa nhất. Cách tiếp cận giảm thiểu sức lực phải tiêu hoa của Verve Motion khác với những phương pháp khác. Không phải dùng những thiết bị quá đỗi tân tiến, “đây chỉ là một loại đai thông minh”, Dayna Grayson, người đồng sáng lập của Construct Capital, quỹ đã đầu tư vào công ty hai năm trước, cho biết. “Nó là công cụ trợ năng cho cơ thể của bạn.”

Thiết bị trợ lực

Thiết bị hỗ trợ mang vác của Verve Motion sử dụng các cảm biến để đánh giá xem công nhân đang làm gì và tác dụng lực sao cho phối hợp với cơ bắp của chính công nhân đó. Bằng cách sử dụng ba lô công nghệ cao, công nhân có thể giảm bớt 40% số lực cần dùng, khiến nhiệm vụ nâng 23.000 kg trong một ngày chỉ tiêu tốn số sức tương đương với việc nâng 13.000 kg. “10.000 kg chênh lệch đó nguyên nhân dẫn đến những chấn thương”, ông Galiana lý giải. Về cơ bản, nguyên lý này tương tự như việc sử dụng trợ lực lái của ô tô giúp việc lái xe trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Ông Galiana nhớ lại, khi các công nhân tại cơ sở của Ahold ở Schodack Landing, New York tiến hành thử nghiệm lần đầu vào năm 2019, các công nhân đã thử dùng và ngay lập tức “mắt họ mở to” vì kinh ngạc. Những phản hồi tích cực đã tiếp thêm động lực để ông Galiana, ông Walsh và các nhà nghiên cứu khác trong nhóm thành lập một công ty thuộc ĐH Harvard vào tháng 3/2020.

Công ty thành lập vào giai đoạn đầu của đại dịch - có vẻ là khoảng thời gian khó khăn để thành lập công ty, nhưng điều đó cũng có nghĩa là các công nhân kho vận - đặc biệt là thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác - phải làm việc quần quật xuyên ngày đêm. “Chúng tôi đã chọn phân phối hàng nhu yếu phẩm làm thị trường đầu tiên của mình, bởi đó là loại hàng hóa đang bùng nổ nhu cầu vào thời điểm đó”, ông Galiana cho biết. Với việc các công nhân kho hàng phải làm thêm giờ để đảm bảo hàng hóa được cung ứng đầy đủ trên các kệ hàng trong những ngày đầu của đại dịch, “nó giống như điểm bùng phát”. Công ty đã huy động được 5 triệu USD đầu tiên vào tháng 3/2020.

Ban đầu, thiết bị được làm từ kim loại nặng. Để thiết kế bộ đồ mềm phù hợp với những người phải làm việc cả ngày, Galiana và Walsh đã tập hợp một nhóm gồm các nhà thiết kế quần áo, nhà chế tạo robot và kỹ sư. Một trong những người đồng sáng lập của startup là Nathalie Degenhardt, người từng là nhà thiết kế tại hãng giày dép New Balance và là người đứng đầu bộ phận may mặc chức năng của công ty. Tại văn phòng của Verve Motion, bộ phận may mặc hoạt động song song với các nhóm phát triển phần mềm. “Tôn chỉ của chúng tôi là ‘Hãy hiểu cách con người vận động, làm việc’,” Galiana chia sẻ. Họ đo chuyển động của cơ trong từng hoạt động và thiết kế thiết bị để hoạt động với cơ của con người, điều chỉnh lực tùy thuộc vào chuyển động của người đó trong thời gian thực.

Verve Motion dự định mở rộng quy mô hoạt động tại Hoa Kỳ, tiếp cận cả khách hàng mới và khách hàng hiện tại. Mặc dù sản phẩm hiện tại của họ tập trung vào các chấn thương ở lưng nhưng về sau họ cũng có thể phát triển các thiết bị để bảo vệ cơ thể khỏi chấn thương ở vai hoặc các vấn đề về đầu gối. Và giống như tất cả các công ty chế tạo robot, dữ liệu họ thu thập về an toàn lao động có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai.

“Verve Motion hiện đang nỗ lực thu hồi vốn đầu tư sau 3 đến 6 tháng”, ông Walsh hé lộ. “Tôi đang suy nghĩ về các phương án giúp giảm thiểu chi phí và giúp công nhân sử dụng thiết bị một cách dễ dàng hơn… Mục tiêu cuối cùng là đưa thiết bị trở thành mặt hàng sẵn có, nhanh chóng đến tay người tiêu dùng có nhu cầu”.

Theo Forbes