Cảm biến sinh học của Metyos không chỉ giúp bác sĩ theo dõi chức năng thận của bệnh nhân từ xa, mà còn hỗ trợ bệnh nhân chủ động theo sát tình trạng sức khỏe của bản thân mình

Olga Chashchina (trái) và Alexandre Boulanger - hai đồng sáng lập của startup công nghệ y tế Metyos.
Olga Chashchina (trái) và Alexandre Boulanger - hai đồng sáng lập của startup công nghệ y tế Metyos.

Sau khi Alexandre Boulanger gặt hái được nhiều thành công nhờ việc sáng lập nên Wandercraft, một startup chuyên phát triển thiết bị hỗ trợ người đi xe lăn tự chủ di chuyển; nhiều người đã thắc mắc về hướng phát triển tiếp theo của anh. Liệu anh sẽ chỉ tập trung vào Wandercraft, hay tiếp tục tìm kiếm thử thách mới ở một startup khác?

Năm 2021 - gần 10 năm kể từ sau khi Wandercraft ra đời, Boulanger đã quyết định hợp tác với TS. Olga Chashchina, một chuyên gia về kỹ thuật y sinh, sáng lập nên startup công nghệ y tế Metyos với sứ mệnh giảm bớt gánh nặng bệnh thận mãn tính (CKD) cho bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. Công ty mới đây đã đã huy động được 2,3 triệu Euro khoản tiền tài trợ vòng tiền hạt giống.

Bệnh thận mãn tính (bệnh thận mạn) là tình trạng tổn thương ở thận khiến cho chức năng bị suy giảm, không thể phục hồi. Từ đó thận không thể thực hiện các chức năng đào thải chất độc trong cơ thể và dịch thừa ra khỏi máu; cân bằng acid kiềm trong máu; chức năng tạo hồng cầu; sự cân bằng các chất khoáng trong cơ thể. Căn bệnh này rất phổ biến, ảnh hưởng đến 10% dân số và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới.

Cảm biến sinh học của Metyos có dạng một miếng dán nhỏ dính vào da và truyền thông tin đến điện thoại thông minh của bệnh nhân qua Bluetooth, cho phép bác sĩ theo dõi chức năng thận của bệnh nhân – từ theo dõi tác động của chế độ ăn uống và thuốc men đến phát hiện các dấu hiệu cảnh báo suy thận, mức độ tăng kali máu. Dữ liệu người dùng sẽ được chuyển tiếp đến máy chủ bảo mật của Metyos trên đám mây, các chuyên gia y tế theo dõi tình trạng của bệnh nhân có thể truy cập và theo dõi tiến triển bệnh từ xa. Bản thân bệnh nhân cũng được tham gia kiểm soát tình hình sức khỏe và hiểu rõ hơn về bệnh của họ. Bằng cách này, Metyos sẽ là cầu nối giúp cả hai bên chủ động kiểm soát các triệu chứng nhằm làm chậm sự tiến triển của căn bệnh gây suy nhược cơ thể và tốn kém trong điều trị này.

Bệnh thận mạn là căn bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị suy thận mạn hiện tại chỉ có thể giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh và giảm các triệu chứng, biến chứng trên cơ thể người bệnh. “Vì vậy sự tham gia tích cực của chính bệnh nhân trong việc làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh rất quan trọng,” Boulanger nói.

Chỉ riêng ở Mỹ, tổng tiền điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính đã lên tới 87 tỷ USD. Ở châu Âu, con số này lên tới 140 tỷ Euro/năm. Giờ đây, người dân phải chi nhiều tiền cho việc điều trị bệnh thận mạn hơn là cho bệnh tiểu đường và ung thư, và do thực tế là giai đoạn đầu của bệnh không có triệu chứng nên phần lớn bệnh nhân không biết mình mắc bệnh thận cho đến khi đến giai đoạn sau. Ngoài ảnh hưởng đến tài chính, bệnh nhân có thể phải mất 12 giờ một tuần, hoặc gần bốn tuần một năm để chạy thận. Chất lượng cuộc sống của họ giảm sút, khả năng vận động kém đi và những cơn đau liên tục ập đến khi bệnh tiến triển.

“Thông qua Metyos, chúng tôi hướng đến chuyển dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ điều trị bệnh sang quản lý bệnh chủ động. Trong tương lai, hàng triệu bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính sẽ được trao quyền để kiểm soát sức khỏe của họ, giúp họ tiếp cận các biện pháp phát hiện sớm và can thiệp cá nhân hóa để cứu sống bản thân. Khoản tài trợ này cùng với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư sẽ giúp biến tương lai này thành hiện thực và giúp thay đổi cuộc sống của rất nhiều bệnh nhân và chuyên gia y tế trên toàn thế giới.”, Alexandre Boulanger chia sẻ.

Hướng phát triển trong tương lai

Là một công ty khởi nghiệp về công nghệ y tế, Boulanger xác nhận rằng Metyos sẽ không đưa công nghệ của mình ra thị trường mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý - họ kỳ vọng sẽ làm được điều này vào cuối năm 2025. Về thị trường mục tiêu, nhóm đang tập trung vào Châu Âu (đặc biệt là thị trường Pháp - quê hương của những nhà sáng lập) và Mỹ. Nhìn chung, họ hướng đến các thị trường nơi đã có hoặc đang phát triển các hình thức bồi hoàn chi phí y tế cho hình thức theo dõi bệnh nhân từ xa.

Metyos là startup đang ở giai đoạn đầu và họ sẽ phải đối diện với mức độ cạnh tranh cao trong bối cảnh người dân trên thế giới ngày càng quan tâm đến thiết bị đeo sinh học giúp theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, việc tập trung vào bệnh thận mãn tính đã tạo nên sự khác biệt giữa startup này với một số đối thủ khác, Boulanger liệt kê năm công ty khởi nghiệp mà anh xem là đối thủ cạnh tranh chính: Biolinq, Alio, Protonintel, Kalium Health và Renalyse - trong đó hai công ty khởi nghiệp sau cùng cũng tập trung vào tình trạng thận nhưng họ theo dõi bệnh nhân dựa trên kết quả lấy máu tại nhà, thay vì dữ liệu thời gian thực được lấy ra từ một thiết bị đeo sinh học.

Trước mắt Metyos sẽ tập trung vào những bệnh nhân ở giai đoạn cuối có vấn đề về tăng kali máu và mở rộng phạm vi sang cả những bệnh nhân ở giai đoạn đầu.

Từ đâu mà hai nhà đồng sáng lập nghĩ ra ý tưởng phát triển startup này? “Tôi tăng cân rất nhiều, điều này khiến tôi quan tâm đến việc theo dõi dinh dưỡng của bản thân, và rộng hơn là các chỉ số xét nghiệm sinh hóa của cơ thể”, anh chia sẻ.

Cùng lúc đó, người đồng sáng lập, TS. Chashchina, đang mắc phải một căn bệnh mạn tính. Vì vậy, khi hai người gặp nhau, họ đã chia sẻ cho nhau mối quan tâm chung: tạo ra một thiết bị đeo sinh học. “Vì phải liên tục lấy máu nên cô ấy muốn có một công cụ giúp kiểm soát tình trạng hằng ngày của bản thân”, Boulanger nhớ lại. “ Vì vậy, chúng tôi bắt đầu từ vị trí của người dùng/bệnh nhân về thiết bị đeo sinh học, và sau đó chúng tôi nhanh chóng hợp tác với các bác sĩ để điều chỉnh các nhu cầu lâm sàng.”

Metyos đã được vinh danh là một trong những doanh nghiệp công nghệ y tế hàng đầu thế giới trong Giải vô địch thế giới về đổi mới sáng tạo trong chăm sóc sức khỏe. Khoản tài trợ mà họ mới gọi được sẽ được sử dụng vào việc phát triển công nghệ thiết bị đeo của Metyos, bao gồm cả giai đoạn tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trước khi được FDA phê duyệt.

“Chúng tôi quyết định đầu tư vào Metyos vì họ có một đội ngũ các nhà sáng lập xuất sắc, nhu cầu thị trường rõ ràng, cũng như tiềm năng thay đổi cuộc sống thông qua thiết bị công nghệ”, ông Frederic Picq, người đại diện quỹ Cenitz chia sẻ.

Theo Techcrunch, EU-startups