Theo Alan Watts, nỗi bất an là một chủ đề thích hợp bậc nhất để tìm hiểu trong thời đại ngày nay, khi cuộc sống của con người dường như luôn trong trạng thái bất định.

Tiến sĩ thần học Alan Watts (1915-1973) vốn được đánh giá là một triết gia độc đáo của thế kỉ XX và đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các nền văn hóa, bắc một cây cầu giữa những tôn giáo ẩn mật phương Đông và triết thuyết phương Tây.

Ảnh: NN

Lớn lên trong nền giáo hóa của đạo Cơ đốc nhưng trong tuổi trưởng thành lại đi sâu vào nghiên cứu triết học phương Đông, Alan Watts có nền tảng lý tưởng để giải thích các khái niệm phương Đông thường được coi là khó hiểu với độc giả phương Tây. Bên cạnh tài sử dụng ngôn ngữ và phép ẩn dụ, ông còn dùng thơ ca và trích dẫn từ các văn bản thiêng liêng như Upanishad và Kinh thánh cũng như các câu thơ của chính mình để minh họa cho luận điểm trong tác phẩm.

Về cơ bản, Minh triết về nỗi bất an của Alan Watts nói về vô ngã và vô thường trong tư tưởng Phật giáo. Ở phần mở đầu, ông giới thiệu về thuật ngữ trung tâm của cuốn sách - Định luật đảo (Backwards Law): Khi cố gắng nổi lên mặt nước, rất có thể bạn sẽ bị chìm; nhưng khi cố gắng chìm xuống thì bạn lại nổi được; khi níu giữ hơi thở, bạn sẽ vuột mất nó. Theo ông, nỗi bất an là một chủ đề thích hợp bậc nhất để tìm hiểu trong thời đại ngày nay khi cuộc sống của con người dường như luôn trong trạng thái bất định. Minh triết về nỗi bất an nhấn mạnh, nỗi bất an này là kết quả của nỗ lực luôn tìm kiếm sự an toàn, trong khi cứu rỗi và tâm hồn thanh thản chỉ tìm đến khi chúng ta quyết liệt thừa nhận rằng: sự an toàn không thể được tìm kiếm. Covid-19 xuất hiện, nỗi bất an thường trực đã trùm phủ và làm tê liệt xã hội suốt những ngày tháng qua. Điều này có thể khiến cuốn sách của ông càng nên được tìm đọc?

Alan Watts cho rằng cảm thức bất an đã bén rễ từ lâu, từ khi con người phá vỡ nhiều truyền thống cũ - những truyền thống trong gia đình, đời sống xã hội, chính phủ, trật tự kinh tế và những niềm tin tôn giáo. Chúng đã từng là nơi để con người nương tựa và phát triển, nhưng ngày nay, với tinh thần chủ nghĩa hậu hiện đại, chúng không còn được gán với sự tuyệt đối chân xác và đúng đắn. Lời hứa về một thế giới bên kia không còn “ngọt ngào” như trước nữa, cách nhìn của con người hiện đại về cuộc sống đã thay đổi.

Đối với nhiều người, đây là sự giải phóng khỏi những giới hạn của giáo điều đạo đức, xã hội và tâm linh. Đối với những người khác, đó lại là cách đoạn tuyệt nguy hiểm và tiềm chứa quá nhiều rủi ro. Nỗi bất an sâu sắc đã ngấm vào mọi khía cạnh của cuộc sống kéo theo sự phiền não. Vì không được hứa hẹn về hạnh phúc trong tương lai, con người tìm mọi cách tận hưởng hạnh phúc trong hiện tại. Họ lao vào truy tìm những kích thích giác quan và tâm lý mới để bù lấp cho sự thiếu vắng ý nghĩa trong đời sống, nhưng trớ trêu thay, chính điều đó lại khiến họ bị mất dần đi sự nhạy cảm. Chủ nghĩa tiêu dùng không thực hiện những hứa hẹn của nó với chúng ta. Nó không đem lại hạnh phúc.

Áp dụng quy luật đảo ngược, Alan Watts đã trình bày cặn kẽ những lập luận, làm thỏa mãn những bộ óc lý trí nhất về cách thức chế ngự cảm giác bất an: đi thẳng vào nỗi bất an. Phải thật thà thừa nhận rằng, chúng ta không có nền tảng khoa học nào để tin vào Thượng đế, sự bất tử của linh hồn cá nhân hay bất cứ điều tuyệt đối nào. “Chính từ xuất phát điểm này, một cách sống khác được thành hình, một lối sống không cần những thần thoại mà cũng không chứa đựng nỗi tuyệt vọng.”

Alan Watts viết: những gì tôn giáo gọi là khải tượng về Thượng đế sẽ xuất hiện khi chúng ta từ bỏ mọi lòng tin trong ý niệm về Thượng đế. Cũng bằng định luật đảo ngược mọi nỗ lực, chúng ta sẽ chạm tới cái “vô hạn” và “tuyệt đối” không phải bằng cách gắng sức đào thoát khỏi thế giới hữu hạn và tương đối mà bằng cách chấp nhận tuyệt đối những giới hạn của thế gian này.

Việc trải nghiệm niềm vui và thải loại hoàn toàn những đau khổ là điều bất khả. Não bộ nhạy cảm của con người đã làm cuộc sống giàu có và phong phú thêm bội phần, cho phép ta cảm nhận được muôn hình vạn trạng những lạc thú. Nhưng chúng ta cũng phải trả cái giá rất đắt, bởi lẽ mức độ nhạy cảm tổng thể tăng lên khiến chúng ta đặc biệt dễ bị thương tổn. Ai cũng chuộng vui thú và muốn chối bỏ nỗi đau nhưng dường như không thể có cái thứ nhất mà không có cái thứ hai. Cả hai cảm xúc đều tồn tại ở hai đầu đối lập của cùng một quang phổ. Vậy nên, thay vì dán nhãn đâu là cảm xúc tích cực đâu là tiêu cực, con người ta phải trải nghiệm tất cả, cùng với đó sẽ là mức độ nhận thức tăng lên. Ví như, cảm giác khát đến cháy họng có thể dẫn đến cảm giác thỏa mãn khi uống nước, ta chỉ có thể đánh giá cao những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống sau khi trải qua những tao đoạn khó khăn nhất. Nếu áp dụng nhãn quan này, ít nhất ta sẽ loại bỏ được cảm giác chộn rộn lo âu vì những điều “xấu” có cơ may xảy đến.

Sự biến dịch chính là điều bất biến trong đời sống. Sự sống và cái chết không phải hai xung lực đối lập, chúng chỉ đơn thuần là hai cách thức nhìn nhận về một xung lực. Kháng lại sự đổi thay, cố gắng bám chấp vào sự sống cũng giống như giữ hơi thở: bạn sẽ giết chết chính mình. Bởi khi không thể nhìn nhận cuộc đời là một cuộc đổi thay, chúng ta trở nên bất an và sân hận. Bởi khi không thể nhìn nhận cuộc đời là một cuộc đổi thay, chúng ta muốn gán cho cuộc đời một ý nghĩa cố định mà không ý thức được rằng, “Để có ý nghĩa, cuộc sống phải được hiểu dựa trên những tư tưởng và quy luật cố định, và điều này buộc phải tương thích với những thực tại bất biến và thường hằng đằng sau những hoạt cảnh biến dịch”. Nhưng nếu đây chính là thao tác truy tầm ý nghĩa cuộc đời thì chúng ta đang buộc mình làm một nhiệm vụ bất khả: Cố định một dòng chảy biến động.

Alan Watts khuyên chúng ta giảm bớt quyền năng của lý trí và trân trọng trực giác và minh triết của cơ thể. Điều này khiến trải nghiệm trong khoảnh khắc hiện tại sẽ đầy đủ và phong nhiêu hơn. Con người bất an khi phóng chiếu đến tương lai. Nhưng an toàn ngụ trong khoảnh khắc hiện tại.

Khi viết Minh triết về nỗi bất an, phải chăng Alan Watts đã đi trước thời đại hay ông chỉ diễn đạt lại minh triết muôn đời? Dù câu trả lời là thế nào đi chăng nữa thì lúc này chính là thời điểm hoàn hảo để tìm sâu vào tư tưởng của ông.