Sau khi hạ thấp độ cao hơn 9000 m trong vòng 13 phút, chiếc 747 này đã ghé vào sân bay Uralsk (Kazakhstan) để kiểm tra khi hệ thống báo cháy bất ngờ hoạt động.
Tháng 4/2006, chuyến bay số hiệu BA010 từ Sydney đi London của hãng British Airways đã phải hạ cánh khẩn cấp khi hệ thống báo cháy của chiếc Boeing 747 bất ngờ hoạt động vì một lý do nào đó. Sau khi hạ thấp độ cao hơn 9000 m trong vòng 13 phút, chiếc 747 này đã ghé vào sân bay Uralsk (Kazakhstan) để kiểm tra nhưng hóa ra đó chỉ là báo động giả.
Thủ phạm gây ra sự cố hài hước này là những chú ong thoát ra một kiện hàng của Hiệp hội Ong mật Anh quốc (British Beekeeping Association), đây là nguồn bổ sung quan trọng cho nước Anh lúc đó đang rơi vào tình trạng thiếu hụt những chú ong giúp thụ phấn cây trồng.
Ong nhỏ bé "hạ gục" Boeing 747 to xác.
Giám đốc sân bay Uralsk lúc đó là Grigory Zhuk đã phải thừa nhận đây là một sự cố hi hữu nhưng cũng không kém phần nghiêm trọng vì Uralsk lúc đó chỉ là một phi trường dân sự cỡ nhỏ, sau khi chiếc Boeing 747 hạ cánh khẩn cấp thì đường băng tại dây không đủ yêu cầu để máy bay cất cánh lần nữa và 354 hành khách đã bị mắc kẹt tại đây hơn 20 tiếng đồng hồ. Ngay lập tức, 2 máy bay vận tải cỡ nhỏ đã được điều thẳng từ sân bay Heathrow (London) để giải cứu các hành khách khỏi tình trạng không nơi nương tựa.
Năm 2006 là thời điểm các nhà khoa học Anh quốc cảnh báo rằng nhiều nước châu Âu sẽ thiếu số lượng ong mật cần thiết để thụ phấn cho cây trồng do Liên minh châu Âu (EU) chuyển sang chính sách ưu tiên sử dụng năng lượng sinh học. Khi so sánh số lượng tổ ong với nhu cầu thụ phấn bằng ong ở 41 quốc gia châu Âu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng số lượng ong mật không thể đáp ứng nhu cầu thụ phấn ở 22 quốc gia. Diện tích trồng các loại cây hạt có dầu được mở rộng năm 2003 khi EU yêu cầu mức sử dụng nguyên liệu sinh học phải chiếm 5,75% trong tổng tiêu thụ nguyên liệu của các phương tiện giao thông vào năm 2010 và diện tích này sẽ tiếp tục tăng khi EU đặt ra mục tiêu tăng sử dụng nguyên liệu sinh học lên 10% vào năm 2020.
Ong đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp ở Châu Âu.
Thực trạng trên làm cho nông dân ngày càng phụ thuộc vào các loài động vật thụ phấn hoang dã hơn là ong mật được thuần hóa trong thời kỳ thụ phấn của cây. Sự phụ thuộc này là đáng lo ngại do các loài côn trùng hoang dã luôn biến động về số lượng. Hơn nữa, chúng dễ bị tổn thương do tình trạng thâm canh độc canh - ít trồng các loài cây có hoa để cung cấp thức ăn và nơi làm tổ cho các loài côn trùng này. Trong khi đó, giống ong mật Apis mellifera được sử dụng để thụ phấn ở châu Âu đang bị ảnh hưởng do các loài côn trùng có hại và việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, sự giảm thiểu số lượng côn trùng thụ phấn như ong mật và bướm sẽ khiến cho nhiều loài thực vật không thể đơm hoa kết trái, trong khi đó 1/3 chủng loại thức ăn của con người đều bắt nguồn từ các sản phẩm do ong thụ phấn. Nếu như không có chúng, các cây trồng như táo, bí ngô sẽ không thể ra quả, các loại quả như dâu tây mặc dù có thể ra quả tuy nhiên khả năng phát triển không tốt và chất lượng không cao.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng ong mật ở Anh giảm thiểu rất nhanh so với các khu vực khác ở châu Âu. Trong vòng 20 năm qua, hơn 1/2 số lượng tổ ong đã bị triệt phá. Ngoài ra, số lượng bướm và các loài côn trùng khác cũng đang giảm thiểu. Sự giảm thiểu số lượng côn trùng thụ phấn đã được quan tâm và Chính phủ Anh đã quyết định chi 10 triệu bảng Anh cho dự án tìm hiểu nguyên nhân về sự giảm thiểu số lượng các loài côn trùng kể trên.
Theo số liệu ước tính năm 2009, giá trị kinh tế mà côn trùng thụ phấn cho cây trồng tạo ra đạt tới 153 tỷ euro trong tổng giá trị cây trồng trên thế giới. Chuyến bay BA010 lúc đó chỉ là một trong nhiều chuyến bay bổ sung lượng ong mật cho nước Anh cũng như toàn châu Âu từ những nguồn nhập khẩu quen thuộc như châu Á và Australia.
Theo Trí thức trẻ